Multimedia Đọc Báo in

Những người làm công tác binh địch vận thời chống Mỹ

09:40, 25/08/2018
Công tác dân vận, đấu tranh chính trị, binh địch vận góp phần quan trọng trong cuộc đấu tranh giành thắng lợi của cách mạng Việt Nam nói chung và chiến thắng Buôn Ma Thuột nói riêng.
 
Cùng với lực lượng vũ trang, binh vận và đấu tranh chính trị đã tạo thành “3 mũi giáp công”, hình thành thế trận “2 chân 3 mũi” vững chắc, góp phần làm tiêu hao sinh lực địch, làm tan rã hàng ngũ địch về mặt tư tưởng và tổ chức, từng bước làm suy yếu binh lính và chính quyền địch.
 
Theo sự giới thiệu của lãnh đạo Đảng ủy xã Krông Na (huyện Buôn Đôn), chúng tôi tìm về buôn Đôn, nơi trước kia từng được địch chọn làm vị trí đóng đồn bốt, cũng là vùng đất cách mạng của huyện Buôn Đôn. Theo Phó Bí thư Chi bộ buôn Đôn Y’Mung Kđoh thì hiện nay trong buôn còn 7 gia đình cách mạng, các cụ đều đã lớn tuổi, có người sống một mình, có người sống cùng với con, cháu. Trong kháng chiến chống Mỹ, các cụ đã tham gia hoạt động cách mạng ở nhiều vị trí như Ban Liên lạc, Ban Hành lang, Ban Dân vận, Ban Binh địch vận… Có một gia đình mà hai vợ chồng đều tham gia cách mạng và nhận được nhiều huân chương trong kháng chiến chống Mỹ, đó là cụ Y’Minh Knul và H’Nếp Niê (cùng sinh năm 1941). Hai cụ nay đã gần 80 tuổi đời và 55 năm tuổi Đảng nhưng dường như những ký ức về thời kỳ hoạt động cách mạng trong kháng chiến chống Mỹ vẫn còn nguyên vẹn như mới ngày hôm qua.
 
Vợ chồng hai cụ Y’Minh Knul và H’Nếp Niê đã gần 80 tuổi đời  và 55  năm tuổi Đảng.
Vợ chồng hai cụ Y’Minh Knul và H’Nếp Niê đã gần 80 tuổi đời và 55 năm tuổi Đảng.
Cụ Y’Minh bùi ngùi kể: “Nhớ về những năm tháng kháng chiến cũng là nhớ về những tháng ngày gian khổ và oanh liệt nhất trong đời tôi. Năm 1958, tôi bắt đầu tham gia cách mạng và được giao nhiệm vụ làm chiến sĩ thông tin. Ngoài việc đưa thư và dẫn đường cho bộ đội hành quân qua địa phận tỉnh Đắk Lắk, tôi còn bảo đảm cho quân ta “đi không dấu”. Vào tháng 3 năm 1975, tôi cũng chính là người dẫn đường cho bộ đội chủ lực tiến công vào giải phóng thị xã Buôn Ma Thuột”. Tiếp lời chồng, cụ H’Nếp cũng bắt đầu hồi tưởng về những tháng ngày đã qua. Hai cụ đã gặp nhau và nên vợ nên chồng cũng trong kháng chiến chống Mỹ. Ngày đó cụ H’Nếp làm công tác dân vận, địch vận tại huyện Krông Nô (thuộc tỉnh Đắk Nông ngày nay) sau đó chuyển về hoạt động tại mảnh đất mình sinh ra là buôn Đôn, xã Krông Na (huyện Buôn Đôn). “Đội ngũ cán bộ dân vận, đấu tranh chính trị, binh địch vận phải luôn có bản lĩnh chính trị vững vàng, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, kiên cường bám dân, bám đất để cùng với lực lượng vũ trang “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”, tiến tới giải phóng hoàn toàn miền Nam. Tôi sinh ra ở chính mảnh đất buôn Đôn này, tỏ tường mọi nếp ăn, nếp ở và suy nghĩ của bà con nên được giao nhiệm vụ đi vận động người dân. Đối với những người chưa theo cách mạng, tôi dùng chính cuộc đời và nhiệt huyết của mình để kêu gọi họ. Còn đối với những người đã đi theo địch thì tôi gọi họ về bằng tiếng gọi của dân tộc, của Đảng và Bác Hồ…”, cụ H’Nếp say sưa kể.
 
Cùng gắn bó với công tác binh địch vận như cụ H’Nếp, ông Y Nhi R’ya (sinh năm 1951) cũng đã 47 năm tuổi Đảng. Ông kể rằng mình tham gia cách mạng từ năm 16 tuổi, đơn vị công tác lúc bấy giờ là Đội công tác 141, Ban Dân vận, địch vận của cách mạng. Gắn bó với vùng buôn Đôn, nơi mình sinh ra và lớn lên, ông Y Nhi càng yêu cuộc sống thanh bình nên đã không màng nguy hiểm, chui sâu vào lòng địch vận động chúng đi theo cách mạng.
 
Ông Y Nhi R’ya  ngắm nhìn bài thơ  mà  đồng đội đã  tặng ông.
Ông Y Nhi R’ya ngắm nhìn bài thơ mà đồng đội đã tặng ông.
Trong đó đáng nhớ nhất là ông đã dụ dỗ và bắt sống được 3 tên địch ở Sư đoàn 23 khi chúng đang hoạt động trên địa bàn huyện Buôn Đôn và vận động được một tên Đại úy, Trưởng Đồn bảo an của ngụy đóng chân trên địa bàn buôn Đôn đi theo quân ta. Trong công tác dân vận, ông Y Nhi đã vận động được hàng trăm hộ dân vào rừng theo cách mạng. “Nhớ hồi chuẩn bị giải phóng Buôn Ma Thuột, vào năm 1974, chỉ trong một đêm tôi đã vận động 36 hộ dân ở buôn Đôn đi vào vùng căn cứ cách mạng ở huyện Ea Súp bây giờ. Sau cả tháng tiếp cận, rỉ tai người dân, tôi đã ngày đêm thuyết phục, chỉ ra cái xấu của địch và khẳng định tương lai mà Đảng ta mang lại. Từ đó khơi gợi lòng căm thù giặc của bà con để họ chấp nhận gian khổ đi theo cách mạng. Tôi nghĩ cứ kiên trì rồi mưa dầm cũng thấm lâu.” Ông Y Nhi nhớ lại.
 
Từ những cống hiến to lớn, những hy sinh xương máu của các cán bộ dân vận, đấu tranh chính trị và binh địch vận thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, sau ngày giải phóng ông Y Nhi, cụ H’Nếp và cụ Y Minh đều được Nhà nước tặng Huân chương kháng chiến hạng Nhất. Các cụ đều tham gia công tác tại các ban, ngành, cơ quan, đơn vị trong tỉnh cho tới khi về nghỉ chế độ.
 
Khả Lê
 
 

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.