Multimedia Đọc Báo in

Một thời để nhớ

08:56, 28/12/2018

Dù những năm tháng tham gia chiến đấu đã lùi xa nhưng ký ức về một thời lửa đạn vẫn còn nguyên trong tâm trí của những người lính tình nguyện Việt Nam trên đất bạn Campuchia hiện đang sinh sống tại xã Hòa Phong (huyện Krông Bông).

Ông Lê Công Tuấn là con trai còn lại duy nhất của một gia đình giàu truyền thống cách mạng ở xã Cẩm Thanh, TP. Hội An (tỉnh Quảng Nam). Hưởng ứng chủ trương của Đảng và Nhà nước, tháng 11-1976, gia đình ông đi xây dựng kinh tế mới ở thôn 2, xã Hòa Phong (huyện Krông Bông). Khi xảy ra chiến tranh biên giới Tây Nam, dù vẫn còn thời gian được tạm hoãn nghĩa vụ quân sự nhưng tháng 9-1978 ông Tuấn đã lên đường nhập ngũ. Sau thời gian huấn luyện quân sự, ông được bổ sung vào đơn vị Đại đội 2, Tiểu đoàn 83 Đắk Lắk tham gia giúp nước bạn Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng của chính quyền Pôn Pốt - Iêng Sary.

Ông Lê Công Tuấn.
Ông Lê Công Tuấn.

Ông Tuấn nhớ lại, để chuẩn bị cho việc toàn chiến trường đồng loạt tấn công quân Pôn Pốt theo kế hoạch của Bộ Chỉ huy chiến dịch, vào ngày 25-12-1978, đơn vị ông vượt sông Sêrêpốk sang đất bạn. Tối 31-12-1978 đơn vị của ông gồm hai đại đội C2 và C3, thuộc Tiểu đoàn 83 được lệnh hành quân đến điểm E, tỉnh Mundulkiri ém quân chờ nổ súng. Do trời tối lại phải di chuyển trong rừng nên mãi đến 2 giờ sáng ngày 1-1-1979 trinh sát của ta mới xác định đúng vị trí đóng quân của địch, sau đó toàn đơn vị để lại quân tư trang tại chỗ và áp sát cách mục tiêu 20 mét, tuy nhiên do chưa thông thạo địa hình nên nhiều chiến sĩ vào quá sâu chỉ còn cách khoảng 5 mét… Để bảo đảm an toàn, bí mật nên dù trời mùa đông giá lạnh, lại bị muỗi cắn, thậm chí có người còn bị quân Pôn Pốt tiểu tiện lên cả trên đầu, nhưng vẫn phải nằm im chịu đựng. Đúng 5 giờ sáng 1-1-1979 lệnh khai hỏa được truyền đi, ta chủ động nổ súng tấn công, quân Pôn Pốt chống trả quyết liệt, nhưng chỉ sau hai giờ giao tranh, ta đã chiếm lĩnh được cứ điểm, quân Pôn Pốt số bị tiêu diệt, số tháo chạy thoát thân…

Là một chiến sĩ gan dạ, sáu tháng sau ông Tuấn được cấp trên cử giữ chức tiểu đội trưởng. Ông đã cùng đồng đội tham gia hàng chục trận đánh lớn nhỏ, tiêu biểu là trận đánh năm 1980 ở Cô-nhéc, ông được đơn vị bình bầu đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp Tiểu đoàn, được tặng thưởng Huy hiệu Dũng sĩ giữ nước và được phong hàm Thượng sĩ, chức vụ Trung đội phó. Đến năm 1982, do hoàn cảnh gia đình mẹ già không có ai chăm sóc, ông Tuấn được xuất ngũ với hàm Thiếu úy sĩ quan dự bị động viên…

Cũng là người lính quân tình nguyện, tháng 9-1982 khi vừa tròn 18 tuổi, ông Đỗ Văn Lát (hiện là Trưởng thôn 1, xã Hòa Phong) nhập ngũ vào Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 94, Sư 307, Quân khu 5. Sau ba tháng miệt mài luyện tập tại thao trường An Sơn - Bình Định, đơn vị ông được điều động sang nước bạn theo đường sông Mê Kông, qua Viêng Chăn (Lào) rồi băng rừng qua Prết-vi-hia (Campuchia). Đến nơi đóng quân, ông Lát được đơn vị cử đi học nghiệp vụ kế toán và phân công làm nhiệm vụ ở bộ phận hậu cần. Tuy không trực tiếp chiến đấu ở phía trước, nhưng nhiệm vụ của bộ phận hậu cần cũng nguy hiểm không kém, thường xuyên đi ở phía sau hỗ trợ cho tuyến trước vận chuyển đạn dược, tải thương, chuyển những đồng đội hy sinh về phía sau chôn cất…

Ông Đỗ Văn Lát.
Ông Đỗ Văn Lát.

Tháng 3-1984, ông Lát trực tiếp tham gia cùng với đồng đội Trung đoàn 94 đánh vào điểm cao 547 (một căn cứ của quân Pôn Pốt, tổ chức phòng ngự chặt chẽ nằm về phía tây chùa Prết-vi-hia ở sâu trên đất Thái Lan). Sau một ngày một đêm chiến đấu, ta đã làm chủ trận địa, tiêu diệt hàng chục tên địch, thu nhiều vũ khí, đạn dược… gây cho chúng nhiều tổn thất. Bản thân ông Lát hai lần chết hụt, lần thứ nhất trên đường hành quân đến điểm cao 547, quân Pôn Pốt bắn đạn pháo chỉ cách đoàn quân khoảng 10 mét khiến một chiến sĩ đi trước và một người đi sau ông hy sinh, bản thân ông đi giữa may mắn chỉ bị sức ép. Lần thứ hai ông ra suối múc nước về uống nhưng nước suối đã bị địch rải chất độc khiến ông bị ngộ độc, may mắn được các y, bác sĩ quyết định dùng thuốc xổ cứu sống.

Đại tá Trần Hoa, nguyên Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, nguyên chiến sĩ Tiểu đoàn 83 nhận xét, với lòng nhiệt huyết của tuổi trẻ, những thế hệ thanh niên Đắk Lắk nhập ngũ từ năm 1978 đến năm 1989 đã hăng hái lên đường làm nhiệm vụ quốc tế trên đất bạn, giúp nhân dân nước bạn thoát khỏi họa diệt chủng; trong đó, có nhiều người đã ra đi mãi mãi. Vì tình hữu nghị giữa Việt Nam - Campuchia, họ đã vượt qua mọi gian lao, khó khăn, thiếu thốn để chiến đấu và chiến thắng, xứng danh người lính Cụ Hồ…

Mai Viết Tăng


Ý kiến bạn đọc