Thăm đền thờ Thủy tổ của người Việt
Huyện Thuận Thành (tỉnh Bắc Ninh) không chỉ là vùng đất nổi danh với nghề làm tranh Đông Hồ, có nhiều ngôi chùa cổ với kiến trúc độc đáo như Bút Tháp, Dâu, Keo…, có dòng sông Đuống từng đi vào thi ca và nhạc họa mà còn được biết đến với một di tích lịch sử thiêng liêng, gắn với nguồn cội của người dân đất Việt - Đền thờ và lăng mộ Kinh Dương Vương.
Khu di tích này thuộc thôn Á Lữ, xã Đại Đồng Thành, huyện Thuận Thành; tọa lạc giữa một bên là con đê ngăn lũ, một bên là sông Đuống đỏ màu phù sa. Trên hành trình xuôi đường từ làng tranh Đông Hồ về chùa Bút Tháp, du khách sẽ bắt gặp tấm biển lớn có ghi: "Di tích Lịch sử Lăng Kinh Dương Vương-Thủy tổ Việt Nam".
Theo các nguồn sử liệu, Thần Nông lấy Nữ Long sinh ra Viêm Đế. Viêm Đế sinh ra Đế Minh. Đế Minh sinh ra Đế Nghi. Đế Minh đi tuần phương Nam đến Ngũ Lĩnh lấy Vụ Tiên sinh là Lộc Tục. Lộc Tục là bậc thánh trí thông minh, sức khoẻ phi thường, tài đức hơn người. Đế Minh lập Đế Nghi làm vua phương Bắc, phong cho Lộc Tục làm vua cai quản phương Nam xưng là Kinh Dương Vương.
Năm Nhâm Tuất (2879 trước Công nguyên), nước Xích Quỷ (tên vì sao sáng đỏ rực bầu trời phương Nam trong dải Ngân hà) – Nhà nước sơ khai độc lập chủ quyền đầu tiên của dân tộc ta được lập nên. Bờ cõi Xích Qủy khi ấy: Phía Bắc giáp Động Đình hồ (Hồ Nam, Trung Quốc), phía Nam giáp Hồ Tôn (Quảng Nam), phía Đông giáp bể Nam Hải, phía Tây giáp Ba (Tứ Xuyên, Trung Quốc). Vua định đô ở Ngàn Hống (Hà Tĩnh), sau đó đóng Lỵ Sở ở Luy Lâu (Thuận Thành, Bắc Ninh). Kinh Dương Vương lấy Thần Long, con gái Động Đình Quân (hiện đền thờ ở đền Tiên Cát, Việt Trì, Phú Thọ) sinh ra Sùng Lãm nối ngôi xưng là Lạc Long Quân. Lạc Long Quân lấy Âu Cơ sinh ra Hùng Vương.
Lăng mộ Kinh Dương Vương. Ảnh: baobacninh.com |
Vua Kinh Dương Vương tạ thế ngày 18 tháng Giêng, dân gian vẫn truyền miệng và nhắc nhau về ngày giỗ của vị Thủy tổ này rằng:
Nhớ ngày Mười Tám tháng Giêng
Giỗ vua Thủy tổ thiêng liêng nước nhà
Dù ai xuôi ngược gần xa
Tìm về bái Tổ xứng là đạo con
Để tưởng nhớ tổ tiên, hằng năm vào ngày giỗ Vua Kinh Dương Vương, nhân dân Á Lữ mở hội với nhiều nghi thức truyền thống như tế lễ, dâng hương, rước kiệu… Đặc sắc nhất là lễ phục ruộc (còn gọi rước nước) là một lễ thức độc đáo quan trọng, không thể bỏ qua. Tương truyền, lễ phục ruộc ngoài mục đích rước nước về tế lễ, cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt còn mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc về tình phụ tử: “gọi cha về cứu dân làng”.
Từ các nguồn sử liệu trên, người dân xứ Kinh Bắc còn gọi khu di tích này là Đền thờ và lăng mộ “ông nội Vua Hùng”. |
Đền thờ và lăng mộ Kinh Dương Vương là chốn linh thiêng, được xếp vào loại miếu thờ đế vương các triều đại từ cổ xưa. Tuy không rõ xây từ bao giờ nhưng lăng mộ Thủy tổ người Việt có bia đá trùng tu thời nhà Nguyễn năm 1840 đề bốn chữ Hán “Kinh Dương Vương lăng”. Phía trước phần mộ cổ có hai chữ Bất Vong, nghĩa là “không bao giờ mất”. Một số câu đối ghi ở lăng là: “Vạn cổ giang sơn tư duy tổ/Nhất khâu phong vũ ngật hồng bi” (nghĩa là: Hàng vạn năm con cháu quy về miếu Tổ/Một nấm mồ phong ba bão táp vẫn ửng hồng); hay “Nghĩa Lĩnh cổ kim thành/Đức giang kim lăng miếu” (nghĩa là: Kinh thành cổ xưa núi Nghĩa Lĩnh/Lăng miếu nay ở bờ sông Nguyệt Đức)…Nơi dây còn có chùa Đông Linh Bát Nhã tự thờ Đức Phật Tam tòa Thánh Mẫu: Vụ Tiên, Thần Long, Âu Cơ.
Đền thờ và lăng mộ Kinh Dương Vương được Nhà nước công nhận là Di tích Lịch sử Văn hóa Quốc gia ngày 2-2-1993. Vinh dự, tự hào là nơi lưu giữ một tài sản lịch sử vô cùng quý giá, tỉnh Bắc Ninh đã đầu tư trùng tu, tôn tạo Đền thờ, lăng mộ Kinh Dương Vương. Mỗi dịp Giỗ Tổ Hùng Vương, đây cũng là điểm hành hương ý nghĩa của những người dân nước Việt hướng về nguồn cội, tưởng nhớ, tri ân công đức tổ tiên.
Đàm Thuần
Ý kiến bạn đọc