Multimedia Đọc Báo in

Bác Hồ và miền Đất Tổ

08:20, 18/05/2019

Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Bác Hồ đã nhiều lần trở về miền trung du đất Tổ Phú Thọ. Tại đây, Người đã có nhiều quyết sách quan trọng trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

Những ngày cuối năm 1946, khi cuộc kháng chiến chống Pháp bước vào giai đoạn cam go, trong hành trình rời Hà Nội lên Việt Bắc lập căn cứ địa kháng chiến, Bác đã chọn Phú Thọ là nơi dừng chân. Khi ấy, Phú Thọ là vùng rừng núi hiểm trở, cây cối rậm rạp nên rất thuận tiện cho việc hoạt động bí mật. Đầu tháng 12 -1946, đồng chí Trần Đăng Ninh, phụ trách đội công tác Trung ương về Phú Thọ trực tiếp giao nhiệm vụ cho đồng chí Nguyễn Đức Thắng, Bí thư Tỉnh ủy chuẩn bị sẵn một số địa điểm để Bác và cơ quan Trung ương đến ở và làm việc khi cần thiết. Nơi Bác ở phải đạt yêu cầu là: “Có phong trào quần chúng tốt, đường ra lối vào thuận tiện nhưng kín đáo, bảo đảm được bí mật”.

Thi hành chỉ thị cấp trên, Tỉnh ủy Phú Thọ đã khẩn trương chuẩn bị. Mọi địa điểm đều được xem xét cẩn thận, Tỉnh ủy Phú Thọ đã quyết định chọn 3 xã ở 3 huyện là xã Cổ Tiết, huyện Tam Nông; xã Chu Hóa, huyện Lâm Thao (nay thuộc thành phố Việt Trì) và xã Yên Kiện, huyện Đoan Hùng. Cả 3 xã này đều là nơi có phong trào cách mạng sớm, chính quyền và các đoàn thể quần chúng vững, lại nằm gần quốc lộ, thuận tiện giao thông nhưng lại kín đáo, bảo đảm bí mật.

Khu di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại xã Yên Kiện (Đoan Hùng - Phú Thọ).
Khu di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại xã Yên Kiện (Đoan Hùng - Phú Thọ).

Tại xã Cổ Tiết (Tam Nông), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành thời gian đọc “Việt Nam sử lược” của Trần Trọng Kim, nghiên cứu cách đánh giặc của các anh hùng dân tộc, nhắc nhở các đồng chí lãnh đạo của Đảng cần nghiên cứu kinh nghiệm đánh giặc giữ nước của các thế hệ cha ông đi trước, vận dụng trong cuộc kháng chiến chống Pháp hiện tại. Nơi đây, với bí danh “Xuân”, Bác Hồ đã soạn thảo, công bố nhiều tài liệu, văn kiện quan trọng. Bác đã ký một số sắc lệnh, chỉ thị, thư điện quan trọng chỉ đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Tại đây, Bác Hồ đã đặt tên cho các đồng chí trong đội cận vệ của Bác là: Trường - Kỳ - Kháng - Chiến - Nhất - Định - Thắng - Lợi.

Trong thời gian dừng chân ở xã Chu Hóa, Bác Hồ đã ký và soạn thảo nhiều văn kiện quan trọng như: Ký 8 sắc lệnh liên quan đến tổ chức, bộ máy, bổ nhiệm cán bộ, đảm bảo quyền tự do của nhân dân; viết thư trả lời các nhà báo Pháp về cuộc chiến tranh phi nghĩa của thực dân Pháp tại Việt Nam; gửi thư cho Báo Vệ quốc quân nói về 12 điều răn với chiến sĩ Vệ quốc quân và sau này trở thành 12 điều kỷ luật của Quân đội; hoàn thành tác phẩm "Đời sống mới"; viết thư cho đồng bào miền Nam sau đúng 100 ngày toàn quốc kháng chiến;…

Bức phù điêu tại Đền Hùng tạc hình ảnh Bác Hồ ngồi nói chuyện với Đại đoàn Quân tiên phong.
Bức phù điêu tại Đền Hùng tạc hình ảnh Bác Hồ ngồi nói chuyện với Đại đoàn Quân tiên phong.

Trên chặng đường di chuyển, ngày 30-3-1947, Bác đã dừng chân tại xã Yên Kiện (huyện Đoan Hùng). Bác đã lưu lại và làm việc tại đây trong các ngày 30, 31-3 và ngày 1-4-1947 tại nhà ông Nguyễn Hữu Đa, Chủ nhiệm xã bộ Việt Minh xã Yên Kiện. Trong khoảng thời gian lưu lại đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư cho Chính phủ, Nghị viện, nhân dân Pháp và các nước dân chủ trên thế giới, đồng thời Bác đã ký hai sắc lệnh: Sắc lệnh số 39, hủy bỏ tất cả tem trước bạ và giấy tín chỉ đã lưu hành trước ngày 19-12-1946, ấn định cách thức thu thuế và tem trước bạ mới; Sắc lệnh số 40 cho phép một kiều dân Trung Hoa nhập quốc tịch Việt Nam.

Sáng 18 và 19-8-1954, sau khi chiến dịch Điện Biên Phủ giành thắng lợi, từ ATK Thái Nguyên, Chủ tịch Hồ Chí Minh về Đất Tổ Phú Thọ, thắp hương viếng các Vua Hùng và gặp gỡ cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn Quân tiên phong, giao nhiệm vụ trước khi về tiếp quản Thủ đô. Bác dặn dò: “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Lời dạy ấy của Người không chỉ thấm sâu vào tâm hồn, ý chí của các chiến sĩ mà đã trở thành lời dạy bất hủ vang mãi trong tâm khảm mỗi người dân đất Việt.

Ngày 13-4-1959, khi về thăm công trường xây dựng khu công nghiệp Việt Trì, Bác đã căn dặn: “Đây là khu công nghiệp đầu tiên của nước ta. Xưa các Vua Hùng đã chọn làm nơi đóng đô dựng nước. Nay ta xây dựng Đất Tổ thành một khu công nghiệp to lớn, cơ sở của chủ nghĩa xã hội... Vinh dự này là thuộc về các cô, các chú đang xây dựng Đất Tổ”. Ngày 19-8-1962, khi cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ đang diễn ra ác liệt, một lần nữa, Đền Hùng lại được đón Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm. Lên đến Đền Hạ, các đồng chí bảo vệ sợ Bác mệt, xin Bác nghỉ lại và mời Bác xuống núi, Bác nói: “Leo núi phải lên đến đỉnh, cũng như người làm cách mạng không được bỏ dở chừng, đã đi phải tới đích cuối cùng”. Trước khi về, Bác dặn: “Phải chú ý bảo vệ, trồng thêm hoa, cây cối để Đền Hùng ngày càng trang nghiêm và đẹp đẽ, thành công viên lịch sử cho con cháu sau này đến tham quan”.

Tưởng nhớ công lao của Người, tưởng nhớ vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc, Đảng bộ và nhân dân các xã Cổ Tiết, Chu Hóa, Yên Kiện đã lập đền thờ, nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ngay tại nơi năm xưa in dấu chân Người. Đặc biệt, để ghi dấu nơi Bác ngồi nói chuyện với với Đại đoàn 308, ngày 22-12-2001, Bộ Quốc phòng đã xây dựng bức phù điêu được ghép từ 81 khối đá xanh, nặng 253 tấn, cao 7 m, rộng 12 m, đặt trong khuôn viên rộng 4.000 m2, phía trên có ghi câu nói bất hủ “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.

Nguyễn Thế Lượng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.