Multimedia Đọc Báo in

Xúc động ngày liệt sỹ hồi hương

08:15, 18/05/2019

51 năm kể từ ngày nhận được giấy báo tử của cha, ông Nguyễn Thanh Sơn (xã Mỹ Cát, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định) luôn mỏi mòn tìm kiếm, nhưng không có kết quả. Câu chuyện tưởng như vô vọng thì một ngày tháng 5-2019, ông vỡ òa hạnh phúc khi nhận được tin báo tìm thấy hài cốt cha tại địa bàn tỉnh Đắk Lắk.

Câu chuyện xúc động ấy được bắt đầu khi ông Lê Bá Thận, một nông dân trong quá trình cải tạo đất rẫy tại buôn Ja Rai, xã Ea Kuếh, huyện Cư M’gar đã phát hiện bia đá có khắc chữ “Liệt sỹ Nguyễn Tuân, thôn Chánh Hội, xã Mỹ Cát”. Tấm bia đá không còn nguyên vẹn, nên phần cuối bia không đọc được thêm thông tin gì. Bởi từng nghe người chủ đất trước đây (người khai hoang) chia sẻ rằng trên rẫy có một mộ liệt sĩ, nên ông Thận nhanh chóng báo tin cho cơ quan chức năng.

Tiếp nhận tin báo, Ban Chỉ huy Quân sự (CHQS) huyện Cư M’gar đã cử lực lượng đến khảo sát hiện trường. Các anh tiếp xúc với chủ đất trước đây, thì người này khẳng định đã từng nhìn thấy mộ và bia đá, nhưng vì quá trình làm rẫy đã lâu, nấm mộ bị bào mòn mặt trên, nên ông chỉ có thể nhớ mang máng vị trí ngôi mộ.

Bí thư Huyện ủy Cư M’gar Nguyễn Đình Viên (thứ hai, bên phải) tham gia chỉ đạo, động viên việc quy tập, tìm kiếm hài cốt liệt sỹ.
Bí thư Huyện ủy Cư M’gar Nguyễn Đình Viên (thứ hai, bên phải) tham gia chỉ đạo, động viên việc quy tập, tìm kiếm hài cốt liệt sỹ.

Từ những thông tin thu thập được, Ban CHQS huyện đã báo cáo về Bộ CHQS tỉnh, các cơ quan, đơn vị liên quan, đồng thời cử lực lượng xuống hiện trường tìm kiếm. Ngày đầu tiên, lực lượng đào 3 rãnh dài 10 mét, sâu 1 mét, nhưng không tìm thấy được gì. Lực lượng tiếp tục với hình thức đào đến đâu, lấp đất đến đó, nhưng hết ngày thứ hai, vẫn chưa có kết quả. Dù khó khăn, bởi lớp đất dưới khá cằn, sỏi đá, nhưng mọi người vẫn kiên trì, vì thâm tâm họ tin tưởng mộ liệt sỹ Nguyễn Tuân đang nằm đâu đó trên khu đất này. Đến trưa ngày thứ ba, anh em vỡ òa hạnh phúc khi phát hiện một hài cốt liệt sỹ được gói trong lớp tăng với di vật còn sót lại: răng, xương, cúc áo. 

Trung tá Phạm Tuấn Khiêm, Chính trị viên Ban CHQS huyện Cư M’gar chia sẻ, hài cốt liệt sĩ được tìm thấy cách vị trí đào đầu tiên khoảng 20 mét, sâu khoảng 1 mét. Khi tìm được hài cốt, chúng tôi xin ý kiến, dựng nhà bạt, lập bàn thờ và cử lực lượng trông coi, bảo vệ. Căn cứ địa chỉ trên bia đá, anh em đã liên hệ với Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện Phù Mỹ, UBND xã Mỹ Cát để tìm thân nhân cho liệt sĩ.

 
“Những năm qua, đơn vị đã phối hợp, quy tập được nhiều mộ liệt sý, nằm rải rác trên địa bàn các xã: Cư M’gar, Dliê M’nông, Ea Kiết, thị trấn Ea Pốk… Tất cả thông tin ban đầu về mộ liệt sỹ đều do người dân cung cấp. Chúng tôi hy vọng, những nỗ lực, cố gắng của cán bộ, nhân dân, lực lượng vũ trang huyện sẽ phần nào xoa dịu nỗi đau của những người mẹ, người cha, người vợ, người con đang ngày đêm chờ ngóng tin”.
 
Trung tá Phạm Tuấn Khiêm, Chính trị viên Ban CHQS huyện Cư M’gar

Nhận được tin báo bất ngờ, ông Nguyễn Thanh Sơn (thôn Chánh Hội, xã Mỹ Cát, huyện Phù Mỹ) – người con trai duy nhất của liệt sĩ Nguyễn Tuân đã bỏ dở công việc đồng áng, tức tốc lên đường. Tài sản người con mang theo trên hành trình đón cha về nhà là tấm Bằng Tổ quốc ghi công và Huân chương Chiến công giải phóng hạng Nhì có ghi tên liệt sỹ Nguyễn Tuân.

Vỡ òa cảm xúc sau 51 năm mỏi mòn ngóng đợi, ông Sơn kể: Cha đi bộ đội khi ông mới được 4 tuổi. Không lâu sau khi nhận tin cha hy sinh, thì mẹ bị cũng mất do trúng đạn của địch. Luôn đau đáu về việc đi tìm hài cốt của cha, nhưng những thông tin ông Sơn có được về liệt sĩ Nguyễn Tuân chỉ là nhập ngũ tại Tỉnh đội Nghĩa Bình, rồi tập kết ra Bắc, tham gia chiến trường B; cấp bậc Trung đội trưởng, hy sinh năm 1968 tại tỉnh Đắk Lắk. Dù biết nơi hy sinh là địa bàn rộng, thay đổi nhiều, ký ức về cha lại quá mơ hồ, ít ỏi, nhưng ông vẫn quyết tâm tích góp kinh phí để lên đường tìm kiếm.

Sau giải phóng, ông Sơn và đồng đội của cha đã hai lần tìm về nơi liệt sỹ Nguyễn Tuân hy sinh nhưng vô vọng. Lần thứ nhất là năm 1984, theo lời kể của đồng đội cha, ông đến Buôn Trấp nhưng chỉ thấy bạt ngàn cà phê, rừng núi. Mọi cảnh quan, địa hình quá khác xa so với những gì ông được thông tin. Quyết tâm tìm lần nữa, năm 1991, gia đình ông cùng người đồng đội lại khăn gói lên đường. Họ đến Buôn Trấp, Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh, nhưng kết quả vẫn không khả quan hơn…

Đại diện các đơn vị, địa phương tiễn liệt sĩ Nguyễn Tuân về quê an táng.
Đại diện các đơn vị, địa phương tiễn liệt sĩ Nguyễn Tuân về quê an táng.

Nay đón nhận hài cốt cha, người con mái tóc pha sương không giấu được niềm xúc động. Ông Sơn tâm tình: “Cảm xúc đón cha trở về, dù không nguyên vẹn sau hơn nửa thế kỷ xa cách, nhưng thật đặc biệt. Cám ơn chính quyền, địa phương, Ban Chỉ huy Quân sự huyện Cư M’gar đã tiếp đón tận tình, chu đáo, trọng thể gia đình chúng tôi. Ngay cả khi đưa hài cốt cha về quê nhà an táng, đơn vị cũng cử người đi cùng khiến gia đình rất cảm kích”.

Quỳnh Anh


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.