Multimedia Đọc Báo in

KỶ NIỆM 60 NĂM ĐƯỜNG TRƯỜNG SƠN - ĐƯỜNG HỒ CHÍ MINH

Quân dân Đắk Lắk góp sức xây dựng và bảo vệ tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn

07:56, 19/05/2019

Đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh, tuyến chi viện chiến lược Bắc - Nam đã đi vào lịch sử Việt Nam như một chiến công huyền thoại. Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Đắk Lắk đã có những đóng góp không nhỏ vào chiến công huyền thoại đó.

Tháng 3-1959, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ra Chỉ thị về việc xây dựng Tây Nguyên, trọng tâm là khu vực Nam Tây Nguyên thành căn cứ địa vững chắc nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển của cách mạng Việt Nam. Thực hiện Chỉ thị của Trung ương, Đắk Lắk đã tập trung xây dựng các căn cứ: Dliê Ya (ở phía Bắc) và Nam Nung, Nam Lắk (ở phía Nam). Sau khi có Nghị quyết 15, phong trào cách mạng ở Nam Bộ phát triển mạnh, việc khai thông đường hành lang chiến lược vào Nam Bộ trở nên cấp thiết. Thực hiện Chỉ thị của Trung ương và Liên khu ủy V, giữa năm 1959, đồng chí Hồng Ưng, Liên Tỉnh ủy viên được điều vào làm Bí thư tỉnh Đắk Lắk cùng một số cán bộ của Đắk Lắk, Gia Lai trực tiếp chỉ đạo việc khai thông đường vào Nam Bộ.

Vượt qua muôn vàn gian khó, hy sinh, đến đầu năm 1960, ở hướng Đông Lắk, ta đã mở được đường từ chân núi Chư Yang Sin đến giáp Khánh Hòa. Ở phía Nam Lắk, ta đã mở được đường từ Đắk Rhiêu, Tré Pul tới giáp Lâm Đồng… Ở hướng Tây Nam (Quảng Đức), ta đã mở đường vào giáp Phước Long. Đến tháng 10-1960, đội xoi đường của Nam Tây Nguyên đã bắt liên lạc với đội xoi đường miền Đông Nam Bộ tại sông Đắk Rtih thuộc tỉnh Quảng Đức. Đường hành lang chiến lược vào Nam Bộ đã được khai thông, lực lượng hành lang lo củng cố trạm trại chuẩn bị lương thực.

Mở đường lớn bằng phương tiện cơ giới chuẩn bị cho Chiến dịch Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975.
Mở đường lớn bằng phương tiện cơ giới chuẩn bị cho Chiến dịch Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975.

Từ khi hoàn thành việc mở đường hành lang, phong trào các vùng trong tỉnh Đắk Lắk phát triển nhanh chóng và trở thành căn cứ vững chắc ở Nam Tây Nguyên. Vùng Quảng Đức phát triển về phía tây nối với Đông Bắc Campuchia và trở thành một nhánh của “Đường Hồ Chí Minh” sau này.

Cùng với việc khai thông các tuyến đường nối Nam Tây Nguyên với Đông Nam Bộ, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, nhân dân các dân tộc trong tỉnh bằng mọi cách đã bảo đảm lương thực cho các đoàn quân hành quân vào Nam, đóng góp nhiều công sức cho công tác phục vụ hành lang. Có những thời điểm, để kịp thời đáp ứng yêu cầu của chiến trường, nhân dân được huy động tham gia đi dân công, vận chuyển hàng hóa, đưa đón cán bộ, bộ đội. Đồng bào các buôn làng không kể thanh niên nam, nữ, trẻ già rất tích cực tham gia gùi cõng hàng hóa, đạn dược, đưa đường cho cán bộ, bộ đội. Các buôn làng dọc đường hành lang đã ủng hộ, đóng góp lương thực, cung cấp thực phẩm, trâu bò, heo, gà… phục vụ cho các đoàn công tác qua các trạm đường dây với tinh thần tự nguyện rất cao.

Nhân dân các dân tộc tỉnh Đắk Lắk, đặc biệt là các buôn có đường hành lang đi qua đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đưa đón, cung cấp một phần lương thực, thực phẩm và bảo vệ an toàn cho các đoàn cán bộ, bộ đội từ miền Bắc vào, vượt sông Sêrêpốk để đi vào "R" (Nam Bộ), tiếp sức cho cuộc kháng chiến trên toàn miền Nam mau chóng giành thắng lợi.

Quân và dân các dân tộc tỉnh Đắk Lắk tự hào đã góp phần xây dựng, bảo vệ và giữ vững tuyến đường hành lang chiến lược Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh trên địa bàn tỉnh, góp phần quan trọng vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Sau ngày Hiệp định Paris được ký kết, để phục vụ cho chiến dịch tiến công giải phóng hoàn toàn miền Nam, Quân ủy Trung ương quyết định nâng cấp và mở rộng tuyến đường phía tây Trường Sơn, làm mới tuyến đường phía đông Trường Sơn. Đoạn đường từ Nam Tây Nguyên đến Đông Nam Bộ được mở rộng thành đường cơ giới hai làn xe; đồng thời mở thêm các nhánh 49A, 49B. Trung đoàn 4 công binh thuộc Sư đoàn 470 đã tu sửa và mở thêm các ngầm, bến phà vượt sông Sê San, Sêrêpốk.

Từ tháng 5 đến tháng 8-1973, tỉnh đã tập trung lực lượng phối hợp Trung đoàn 250 của Khu đi vận chuyển tiếp nhận số hàng lớn của trên chi viện cho 3 tỉnh Đắk Lắk, Phú Yên, Khánh Hòa. Hàng nghìn dân công nam, nữ cùng bộ đội hăng hái đi vận chuyển hàng trên các trục đường hành lang ngày càng mở rộng và đi sâu vào các vùng trong tỉnh. Đường vận chuyển bằng cơ giới đã đi từ binh trạm Nam vào vùng Rừng Xanh, vượt qua Đường 14 vào tới giáp Đường 21 trên địa bàn huyện 4, sau đó chuyển sang hàng trăm xe thồ vượt qua Đường 21 về cánh Nam và Khánh Hòa đưa súng, đạn, gạo lại chi viện kịp thời và dự trữ cho nhiệm vụ chiến lược sắp tới. Đường hành lang các huyện được mở thêm vào các kho tàng bố trí khắp nơi trong tỉnh.

Tuyến vận tải quân sự chiến lược trên đường Trường Sơn.
Tuyến vận tải quân sự chiến lược trên đường Trường Sơn.

Trong năm 1974, tỉnh quyết định mở đợt hoạt động Hè - Thu, giải phóng 600 dân, khôi phục và mở rộng đường hành lang phía tây bắc tỉnh nối với đường hành lang Trung ương. Lực lượng chủ lực của trên cũng đã đẩy mạnh hoạt động trên địa bàn H5 để hỗ trợ cho các cuộc đấu tranh của quân và dân trong tỉnh. Ngày 30-5-1974, Trung đoàn 25 của Mặt trận Tây Nguyên (B3) đã diệt gọn tiểu đoàn Bảo an số 211 ở cứ điểm Ea Súp, giải phóng trên 1.000 dân, mở ra một vùng rộng lớn, tạo thế liên hoàn cho đường hành lang chiến lược qua Đắk Lắk xuống phía Nam an toàn, thuận lợi.

Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, phía Tây tỉnh là một địa bàn có lợi cho việc trú quân, tập kết, che giấu các phương tiện khí tài và là một hướng tiến công quan trọng của ta vào Buôn Ma Thuột. Vì thế Tỉnh ủy đã hết sức coi trọng công tác bảo mật, ngoài ra, quân và dân các dân tộc trong tỉnh còn đóng góp hàng vạn ngày công cho việc làm hệ thống đường giao thông từ Ea Súp - Buôn Đôn - Buôn Ma Thuột, huy động hàng nghìn lượt người (kể cả voi và xe cơ giới) cho nhiệm vụ vận chuyển vũ khí, hàng hóa phục vụ chiến dịch. Đặc biệt trên tuyến đường chiến lược, việc đưa xe tăng, pháo, bộ binh áp sát chờ giờ nổ súng tiến công Buôn Ma Thuột được nhân dân giữ bí mật cho đến phút cuối cùng, qua đó góp phần làm nên chiến thắng lịch sử ngày 10-3-1975 giải phóng thị xã Buôn Ma Thuột, mở màn thắng lợi cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam.

Phạm Minh Tấn

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.