Multimedia Đọc Báo in

Chuyện những cây bàng cổ thụ ở Côn Đảo

16:28, 25/06/2019
Ở Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu), bên cạnh những di tích lịch sử nổi tiếng như hệ thống nhà tù Côn Đảo, Nghĩa trang Hàng Dương... còn có một sản phẩm du lịch khá đặc biệt, đó là những cây bàng cổ thụ, một trong những loại cây đã được vinh danh cây di sản Việt Nam.

Cư dân Côn Đảo kể về những cây bàng cổ thụ với niềm tự hào xen lẫn trìu mến. Tự hào trước hết vì cây bàng đã gắn bó với đảo xa tự bao đời nay, kiên cường chống chọi với bao thử thách khắc nghiệt của thiên nhiên để vươn lên mạnh mẽ, như những chứng nhân đã trải qua bao thăng trầm cùng với lịch sử của hòn đảo này. Giữa bạt ngàn nắng gió biển khơi, vẫn xanh ngắt những cây bàng cổ thụ, như bức tường thành vững chãi che chắn cho hòn đảo trước bao cơn sóng dữ, bão giông.

Hàng bàng cổ thụ trên đường phố Côn Đảo.
Hàng bàng cổ thụ trên đường phố Côn Đảo.

Người dân đảo cũng tự hào về những cây bàng cổ thụ trong khuôn viên dãy nhà tù Côn Đảo đã gắn liền với lịch sử đấu tranh kiên cường của những chiến sĩ cách mạng, những người yêu nước từng bị lưu đày nơi đây. Trong sân trại Phú Tường, Phú Hải, vẫn còn đó những gốc bàng cổ thụ trầm mặc lặng lẽ ghi đậm chứng tích lịch sử bi hùng của tù chính trị nơi “địa ngục trần gian”, nơi mà bàng trở thành người bạn thân thiết của những người đang chịu cảnh đọa đày, tra tấn dã man.

Trong khuôn viên di tích trại giam hôm nay, tán lá bàng vẫn xanh ngắt bao trùm cả khoảng sân hẹp, rì rầm kể cho du khách nghe những câu chuyện gắn liền với người tù Côn Đảo trong niềm tự hào xen lẫn xót thương. Chuyện rằng, chế độ hà khắc lao tù không đè bẹp được ý chí, sức sống mãnh liệt của những người tù yêu nước. Với tâm niệm còn sống còn chiến đấu vì dân vì nước, họ vẫn gượng dậy sau những trận đòn thù, chắt chiu mọi cơ hội sống sót trở về với đội ngũ, trong đó cây bàng cũng được xem như liều thuốc quý giá.

Những chiếc lá bàng vàng héo rụng vô tình trên sân được người tù gom nhặt dành lót nằm mong ủ chút hơi ấm trên nền đá lạnh trại giam; những chiếc lá bàng non và quả bàng được dành làm thức ăn bổ sung dưỡng chất, vitamin cho người tù đã suy kiệt, phù thũng do bữa ăn tù chỉ có cơm hẩm cá mục kéo dài. Không chỉ thế, người tù còn đốt lá bàng khô để lấy tro làm mực viết thư truyền thông tin cho nhau, chọn gốc bàng xù xì nhiều rễ nổi, bướu gỗ tạo thành hang hốc làm hộp thư liên lạc bí mật; dành lá bàng nguyên lành để chép những vần thơ tràn đầy khí phách người cách mạng, tố cáo tội ác dã man của kẻ thù, động viên nhau giữ vững ý chí chiến đấu, vượt qua gian lao...

Cây bàng cổ thụ trong khuôn viên nhà tù Côn Đảo.
Cây bàng cổ thụ trong khuôn viên nhà tù Côn Đảo.

Cứ thế, cây bàng lặng lẽ mà nhẫn nại theo dòng biến thiên của lịch sử, trầm mặc mà kiên gan neo chặt trong tâm tưởng những ai đã nặng lòng với Côn Đảo. Với họ, bàng không chỉ là cây bóng mát, cây phòng hộ, mà còn là cây tâm linh, che chắn cho đảo yên bình trước mọi bão giông. Dọc đường phố, khu dân cư, trong những khu di tích, chỗ nào cũng rợp mát bóng bàng. Những đường phố ở Côn Đảo vốn đã tĩnh lặng, thưa vắng xe cộ lại càng thêm êm đềm, thơ mộng dưới bóng bàng cổ thụ.

Con đường ven biển một bên là kè đá, một bên là dãy bàng cổ thụ chạy dài với những gốc cây xù xì, u sần bướu gỗ mấy vòng tay ôm không xuể, tán lá ken đặc xanh rì như chiếc ô khổng lồ tỏa bóng cả kè đá lẫn bờ cát bên kia, tạo thành “con đường bàng” độc đáo say lòng du khách. Trong sự phát triển của du lịch hôm nay, cây bàng còn hào phóng ban tặng thêm một món quà đặc sản. Hào phóng bởi mùa bàng chín quả rụng đầy đường, người dân nhặt về phơi khô, chế biến làm mứt bàng hoặc hạt bàng rang muối. Món hạt bàng đã qua chế biến dậy vị bùi béo, thơm ngọt là món quà đặc sản cho du khách, như điểm xuyết thêm hương vị cho câu chuyện về những cây bàng cổ thụ nơi đảo xa. 

Hoa Hồng
 

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.