Multimedia Đọc Báo in

Chuyện về người bạn tù và cộng sự của cụ Huỳnh Thúc Kháng

16:33, 25/06/2019

Cụ Trần Hoành (không rõ năm sinh), còn được biết đến với cái tên cai Cửu (do ông đã có thời từng làm cai, đốc công ở mỏ than Nông Sơn), hiệu là Phước Bình, quê ở làng Phước Bình, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam (nay thuộc xã Sơn Viên, huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam) là một trong những cộng sự của cụ Huỳnh Thúc Kháng. Nguyên quán của cụ Trần Hoành là ở tỉnh Quảng Trị, sau gia đình ông đến Quảng Nam sinh sống lập nghiệp.

Năm 1902, khi phong trào Duy Tân được phát động trên quy mô lớn ở Quảng Nam và các tỉnh miền Trung thì Trần Hoành đang làm việc tại mỏ than Nông Sơn. Hưởng ứng phong trào Duy Tân, Trần Hoành sớm tiếp thu tư tưởng "dân quyền", thấm nhuần ý tưởng mục tiêu "Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh" của phong trào, ông thôi việc và hăng hái tham gia công cuộc thực hành duy tân tự cường tại quê hương Quế Sơn. Trần Hoành vừa làm thầy dạy chữ quốc ngữ, dạy tiếng Pháp kiêm luôn việc dạy võ dưới hình thức học thể dục...

Năm 1908, phong trào Duy Tân tiến triển mạnh mà đỉnh cao là các cuộc biểu tình bất bạo động đòi giảm sưu thuế bùng nổ khắp tỉnh Quảng Nam và lan rộng ra các tỉnh Trung Kỳ. Nhằm dẹp yên phong trào, nhà cầm quyền thực dân và bọn tay sai không những không đáp ứng yêu cầu chính đáng của nông dân và nhân dân lao động mà còn ra tay đối phó, khủng bố, bắt bớ, giam cầm, tra tấn dã man những người dân vô tội, trong đó chủ yếu là nông dân và một số học sinh, chức sắc tiến bộ tại địa phương. Chúng đã ra lệnh bắt hàng loạt nhà yêu nước, chí sĩ yêu nước. Tại Quảng Nam, chúng bắt Huỳnh Thúc Kháng, Tiểu La Nguyễn Thành, Phan Thúc Duyện, Lê Bá Trinh, Trương Bá Huy, Trần Cao Vân, Dương Thạc... đày ra Côn Đảo. Riêng Trần Hoành may mắn trốn thoát khỏi sự truy bắt và lẩn trốn, ẩn mình trong một thời gian khá lâu. Nhưng giặc Pháp vẫn lần ra nơi ông ẩn náu và bắt giam ông ở Nghệ An. Sau đó Trần Hoành tổ chức vượt ngục về quê nhà ẩn náu chờ thời cơ.

Năm 1916, Trần Hoành tích cực tham gia phong trào khởi nghĩa Duy Tân với cương vị là một trong các lãnh đạo chủ chốt về quân sự ở Quảng Nam. Cuộc khởi nghĩa chưa nổ ra thì đã bại lộ, thực dân Pháp tiến hành đàn áp, bắt bớ các chí sĩ yêu nước, các cá nhân có dính líu, thu giữ toàn bộ vũ khí và ra lệnh giới nghiêm toàn Trung Kỳ. Một lần nữa Trần Hoành bị bắt giam và kết án khổ sai 20 năm tù giam đày ra Côn Đảo. Trong thời gian này, tại nhà tù Côn Lôn, ông đã gặp và trở thành bạn tù với cụ Huỳnh Thúc Kháng. Hai năm sau, vào năm 1918, ông cùng với Nguyễn Cao Huy, Nguyễn Kim Đài và ba người bạn tù khác tổ chức vượt ngục.

Sau 6 ngày lênh đênh trên biển với một chiếc bè nhỏ đơn sơ và một ít nước ngọt lại phải đối mặt với sóng to, gió lớn, rủi ro rình rập..., cuối cùng ông và năm người bạn tù tấp được vào bờ biển Phan Thiết. Sau đó mỗi người chia mỗi ngả để tránh bị lộ tung tích. Riêng Trần Hoành nhờ người mua được một cái giấy thuế thân và có quen biết một vài người bạn trong Nam nên đã tìm đường vào Nam Kỳ. Tại Sài Gòn, để kiếm sống và che giấu tông tích, ông làm thầy dạy học, rồi giả làm người buôn trầm, quế... rong ruổi hết nơi này đến nơi khác và sau đó lại bị bắt, tiếp tục đày ra Côn Lôn...

Khoảng năm 1925, ông được thả tự do. Sau khi ra tù, ông trở về quê nhà Quảng Nam. Được một thời gian, nhận được đề nghị của Huỳnh Thúc Kháng, Trần Hoành nhận lời ra Huế giúp cụ làm quản đốc nhà in báo Tiếng Dân. Trong giai đoạn này, để ra được báo, những người chủ trương phải thành lập một công ty hợp pháp gọi là “Công ty Huỳnh Thúc Kháng”. Trần Hoành đã làm việc tại Công ty Huỳnh Thúc Kháng với vai trò là quản đốc trong thời gian hơn 10 năm. Trong thời gian này, vào năm 1927, Trần Hoành đã tham gia vào việc tổ chức, thành lập đảng Phục Việt (sau đổi thành Hưng Nam, rồi Tân Việt) hoạt động ở Huế và các tỉnh phía nam Thừa Thiên. Do liên quan đến việc này nên ông đã bị Trưởng mật thám Trung kỳ là M.Sogny thường xuyên để mắt tới và cho người theo dõi gắt gao...

Năm 1936, Trần Hoành qua đời tại Huế. Thi hài ông được an táng tại núi Ngự Bình.

An Trường


Ý kiến bạn đọc