Multimedia Đọc Báo in

Kỷ niệm 108 năm Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (5-6-1911 – 5-6-2019)

Người mở đường cho Cách mạng Việt Nam đi tới thắng lợi

16:32, 25/06/2019

Với một trí tuệ mẫn tiệp và sự nhạy cảm về chính trị, Nguyễn Tất Thành đã sớm tự xác định cho mình con đường phải đi, công việc phải làm để thực hiện mục đích cứu nước, giải phóng đồng bào. Ngày 5-6-1911, từ Bến cảng Nhà Rồng, Người lên tàu quyết ra đi tìm đường cứu nước.

Nguyễn Ái Quốc đã có mặt ở hầu khắp các nước tư bản, tiếp xúc nhiều hạng người. Người tự phân tích, đánh giá ý nghĩa của các sự kiện lớn trên thế giới, đặc biệt là các cuộc cách mạng xã hội như Cách mạng Mỹ (1776), Cách mạng Pháp (1789), Cách mạng Tháng Mười Nga (1917) và các tổ chức cách mạng như Quốc tế I, Quốc tế II, Quốc tế III, Đảng Xã hội Pháp. Từ đầu năm 1919, Người tham gia Đảng Xã hội Pháp. Trong những năm 1918, 1919 và nửa đầu năm 1920, sống ở Paris – thủ đô của kẻ xâm lược, giữa vòng vây thực dân nhưng Nguyễn Ái Quốc vẫn một mình rải truyền đơn, kêu gọi quyên góp, ủng hộ và bảo vệ Cách mạng Tháng Mười.

Hành trang Nguyễn Ái Quốc ra đi tìm đường cứu nước là chủ nghĩa dân tộc mà hạt nhân là chủ nghĩa yêu nước cùng với chủ nghĩa nhân đạo truyền thống, bản lĩnh dân tộc, thái độ nhân văn, sẵn sàng tiếp nhận tinh hoa văn hóa nhân loại. Chính vì vậy, không phải ngẫu nhiên mà vào tháng 7-1920, khi đọc được Luận cương của Lênin về vấn đề dân tộc và thuộc địa, Người đã thốt lên: “Hỡi đồng bào bị đọa đầy đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta”. Đó là lôgíc tất yếu của một quá trình khảo nghiệm, nhận thức từ lịch sử dân tộc đến lịch sử thế giới, từ các ngả đường cứu nước của các thế hệ trước đến các cuộc cách mạng tư sản, vô sản thế giới; từ các chủ nghĩa, học thuyết của các cuộc cách mạng, các tổ chức quốc tế đến Luận cương của Lênin.

Nguyễn Ái Quốc tại Đại hội lần thứ XVIII của Đảng Xã hội Pháp ở Tua, tháng 12-1920.  (Ảnh tư liệu)
Nguyễn Ái Quốc tại Đại hội lần thứ XVIII của Đảng Xã hội Pháp ở Tua, tháng 12-1920. (Ảnh tư liệu)

Là học trò xuất sắc của Lênin, Nguyễn Ái Quốc đã cho nhân dân Pháp cũng như nhân dân tiến bộ thế giới thấy rõ sức mạnh vô địch của khối liên minh chiến đấu của cách mạng giải phóng dân tộc và cách mạng vô sản chính quốc, giữa nhân dân thuộc địa với nhân dân lao động ở chính quốc. Đặc biệt, quần chúng nhân dân ở các thuộc địa, có khả năng đứng lên mang sức ta mà tự giải phóng cho ta. Với khát vọng mang lại hòa bình cho dân tộc, Người đưa ra những thông điệp mang giá trị vĩnh hằng, đó là những thông điệp về hòa bình, độc lập, tự do, hạnh phúc, dân chủ.

Sự kiện Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước cho chúng ta một bài học quý: Chúng ta phải chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; là bạn, là đối tác đáng tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế. Tầm nhìn Hồ Chí Minh ra đi tìm đường cứu nước 108 năm trước cho ta một nhận thức rằng văn hóa không bao giờ là bất biến mà là sự tiếp biến. Văn hóa là sự giao thoa. Văn hóa không có tư duy về hơn kém mà là sự khác biệt. Hồ Chí Minh là người thúc đẩy sự gần nhau của các nền văn hóa. Theo Người, “văn hóa Việt Nam là văn hóa Đông phương và Tây phương chung đúc lại”. Người tiếp nhận những giá trị văn hóa ấy qua lăng kính giải phóng dân tộc. Từ đó, mở rộng tầm nhìn về thế giới, tiếp biến văn hóa, văn minh tư sản, tôn giáo, mác xít. Người tìm thấy điểm chung trong các dòng văn hóa đó chính là sự mưu cầu hạnh phúc cho loài người, mưu cầu phúc lợi cho xã hội.

Đối với tiến trình phát triển của lịch sử dân tộc, sự kiện Bác Hồ quyết tâm ra đi tìm đường cứu nước là một dấu son mở đầu trang sử mới trong lịch sử dân tộc ta. Từ chủ nghĩa yêu nước đến với chủ nghĩa Mác - Lênin, lựa chọn ra con đường cách mạng Việt Nam: Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, con đường cách mạng đúng đắn, phù hợp với điều kiện thực tiễn của lịch sử nước ta, đưa cách mạng nước ta đến thành công.

Nhìn lại chặng đường 89 năm xây dựng và trưởng thành, Đảng ta luôn kiên định mục tiêu, lý tưởng và con đường mà Hồ Chí Minh đã lựa chọn, lãnh đạo nhân dân ta giành được những thắng lợi hết sức to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, hoà bình, hợp tác và phát triển; chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa. Chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế, đồng thời mở rộng hợp tác quốc tế trên các lĩnh vực khác. Việt Nam là bạn, đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng quốc tế, tham gia tích cực vào tiến trình hợp tác quốc tế và khu vực.

Cẩm Trang


Ý kiến bạn đọc