Làm báo trong chốn lao tù
Có dịp đến thăm những Di tích lịch sử cách mạng như Nhà tù Côn Đảo, Nhà tù Sơn La, Nhà đày Buôn Ma Thuột… nơi lưu giữ nhiều câu chuyện, chứng tích về tinh thần bất khuất kiên trung của người tù yêu nước đã từng bị thực dân, đế quốc đày ải nơi này, những người làm báo hôm nay đặc biệt ấn tượng với câu chuyện làm báo trong tù .
Đặc biệt, bởi vì dưới ách thống trị của quân xâm lược, việc làm báo của những người yêu nước vốn không dễ, lại càng khó gấp bội khi thực hiện trong tù. Vậy mà, dưới sự lãnh đạo của Đảng, trực tiếp là chi bộ nhà tù, những tù nhân chính trị đã can trường, mưu trí vượt qua muôn vàn khó khăn nguy hiểm để làm báo trong tù, đưa tờ báo trở thành phương tiện học tập, nâng cao trình độ chính trị, đồng thời là phương tiện để nối kết lực lượng, là vũ khí hiệu quả để đấu tranh với kẻ thù.
Tại Nhà đày Buôn Ma Thuột, từ những năm 1930, những người tù chính trị đã tổ chức học tiếng Êđê và cho ra đời các tờ báo viết tay với những bài thơ, câu chuyện ngắn gọn nhằm tố cáo chế độ lao tù hà khắc và kêu gọi các chiến sĩ giữ vững tinh thần đoàn kết, tương trợ lẫn nhau để đấu tranh cách mạng. Đặc biệt, trên tờ Yuăn - Êđê (Êđê - Việt) viết bằng hai thứ tiếng Việt và Êđê có mục Bình luận và Dạy tiếng Êđê do nhà hoạt động cách mạng Phan Đăng Lưu, người khi bị giam cầm ở đây đã tự học thành thạo tiếng và phong tục của người Êđê, phụ trách. Những bài báo viết tay, chuyền tay đó đã trở thành món ăn tinh thần của những chiến sĩ cách mạng ở Nhà đày Buôn Ma Thuột, cũng nhờ đó mà họ đã giác ngộ được nhiều binh lính, cai đội người Êđê đi theo con đường cách mạng.
Hội viên Hội Nhà báo Đắk Lắk đến thăm và nghe kể chuyện làm báo ở Nhà tù Côn Đảo . |
Tại khu di tích Nhà tù Sơn La còn tái hiện mô hình sản xuất tờ báo Suối Reo - tờ báo được chi bộ nhà tù chủ trương thực hiện ngay sau khi thành lập vào năm 194. Dù bị cai ngục quản thúc, kiểm tra gắt gao, người tù vẫn tìm cách có được giấy bút như đấu tranh đòi cai tù cung cấp giấy viết thư gửi về cho gia đình, sau đó giấu thật kỹ những tờ giấy trong khu vệ sinh, tận dụng ánh sáng lờ mờ của trăng để viết báo, khi không có trăng thì thắp đèn dầu và cử người canh gác.
Tuy báo viết tay, chỉ có 2 trang, nhưng vẫn đủ thể loại, ngoài nghị luận chính trị, tuyên truyền còn có truyện ngắn, mục vui cười, đặc biệt là rất nhiều bài thơ ca ngợi quê hương, đất nước và tình cảm anh em tù nhân với gia đình, đồng đội. Suốt gần 4 năm trời, báo phát hành đều đặn mỗi tháng 1 kỳ, thậm chí còn tăng trang vào những dịp lễ tết. Không chỉ bí mật lưu hành trong ngục, tờ báo còn được bí mật chuyển ra cơ sở cách mạng bên ngoài để quần chúng chuyền nhau đọc, trở thành một trong những công cụ, tài liệu đặc biệt tuyên truyền, giác ngộ, nuôi dưỡng lý tưởng cách mạng không chỉ cho những người tù cộng sản mà cho cả những quần chúng yêu nước ở địa phương.
Làm báo trong tù, giữa muôn ngàn mối gian nguy, thiếu thốn, người tù càng phải khéo léo, mưu trí, sáng tạo tìm phương tiện “làm nghề”. Ở nhà tù Côn Đảo, người tù tự pha chế mực viết và màu vẽ từ những cây bút bic ít ỏi mỗi phòng được cấp để sử dụng; tự tạo giấy tách ra từ những bao thuốc lá, giấy xi măng, bìa các tông, thậm chí tận dụng cả lá bàng, loài cây mọc rất nhiều trong khuôn viên nhà tù. Khẩn trương mà bí mật, các công đoạn làm báo sau cánh cửa trại giam đã tạo nên những ấn phẩm đặc biệt, từ tờ đầu tiên mang tên Sinh hoạt, lần lượt những tờ tiếp theo như Văn nghệ, Rèn luyện, Đoàn kết, Quyết tâm, Niềm tin ra đời, được anh em hồ hởi đón nhận.
Hệ thống canh phòng cẩn mật dày đặc ở trại giam không ngăn được ý chí của người cộng sản. |
Xuất bản báo đã khó, phát hành cũng không đơn giản. Trong chốn lao tù bị khủng bố triền miên buộc người tù phải cảnh giác cao độ, nên thường cuối buổi chiều, sau khi địch đóng cửa tất cả các phòng giam là đến giờ báo phát hành qua đường ... miệng, tức là một người đọc vừa đủ lớn cho tất cả mọi người trong phòng nghe. Khi trời tối không thể đọc được nữa thì chia nhóm thảo luận, đánh giá từng bài viết để sau đó phản hồi với ban biên tập của trại hoặc phòng. Những bài báo sau khi luân chuyển một vòng khắp các phòng giam trong trại với thời gian quy định thì được thu lại, bọc kỹ và đem chôn giấu cẩn thận ở những nơi ít ai ngờ tới như dưới gốc cây, bên trong giếng nước, dưới nền trại giam để khi cần có thể lấy lên tham khảo…
Quá trình xuất bản và phát hành báo trong tù luôn phải đối phó với sự rình rập, khủng bố của lính canh, cai ngục, nhiều khi bị chúng phát hiện, đàn áp dã man. Nhưng trong bất kỳ hoàn cảnh nào, báo chí vẫn là món ăn tinh thần không thể thiếu. Giữa chốn lao tù tối tăm, mồ hôi và máu đã đổ cho những tờ báo tỏa sáng lý tưởng cách mạng đến với người tù chính trị, là sức mạnh tinh thần to lớn giúp họ thêm vững tin vào lý tưởng, bền gan tranh đấu cho độc lập, tự do của Tổ quốc.
Hoa Hồng
Ý kiến bạn đọc