Ước vọng xanh từ mùa hè đỏ lửa
Giữa phượng hồng thắp lửa một mùa tri ân, Thành cổ Quảng Trị bạt ngàn cây xanh cỏ biếc trầm mặc soi mình bên dòng Thạch Hãn, chất chứa bao nỗi niềm của người ra đi.
Cùng với Đài tưởng niệm trung tâm vút cao cây thiên mệnh mang ngọn lửa tỏa ánh hào quang của cuộc chiến 81 ngày đêm quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh trên chiến trường Quảng Trị, Đài chứng tích sinh viên - chiến sĩ Thành cổ với trang sách mở mênh mang ước vọng giảng đường như vẽ nét hào hoa trong khúc ca bi tráng của Thành cổ.
Đài chứng tích sinh viên - chiến sĩ Thành cổ nhắc nhớ không nguôi về một thế hệ sinh viên xếp bút nghiên lên đường theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc. Đó là sinh viên các trường Đại học ngoài Bắc, chủ yếu là thủ đô Hà Nội nhập ngũ trong đợt tổng động viên khi cuộc chiến bước vào giai đoạn cực kỳ cam go. Họ có mặt tham gia chiến đấu ở khắp các chiến trường miền Nam, trong đó rất nhiều người chiến đấu và hy sinh trên chiến trường Quảng Trị.
Có hiểu được vị trí chiến lược của tỉnh địa đầu giới tuyến Quảng Trị trong cuộc kháng chiến giữ nước thì mới cảm được sự khốc liệt của mùa hè đỏ lửa năm 1972, của cuộc chiến 81 ngày đêm huyền thoại, khi mỗi ngày có 1 đại đội vượt dòng Thạch Hãn vào tiếp viện Thành cổ, nhưng chỉ rất ít người trở về. Điều đau xót hơn là hài cốt các anh hầu như không còn khi bom đạn kéo dài với mật độ dày đặc, sức công phá khủng khiếp đã cày xới, chôn vùi tất cả. “Nhẹ bước chân và nói khẽ thôi - cho đồng đội tôi nằm yên dưới cỏ”, hơn nửa thế kỷ rồi mà mỗi bước chân đến cổ thành vẫn gượng nhẹ sợ làm đau đến cả ngọn cỏ xanh non vì từng nhành cây, ngọn cỏ, tấc đất nơi đây đều vấn vương hương hồn liệt sỹ, những người đã ngã xuống cho Tổ quốc sống mãi.
Thế hệ trẻ hôm nay trước Đài chứng tích sinh viên - chiến sĩ Thành cổ. |
Đến với Thành cổ là đến với nghĩa trang không nấm mộ, cả cổ thành là một nấm mộ chung cho ngàn vạn liệt sỹ đã vĩnh viễn hóa thân cùng sông nước, cỏ cây trong tám mươi mốt ngày đêm huyền thoại của một mùa hè đỏ lửa. Trong bảng lảng khói nhang nơi Đài chứng tích, như thấp thoáng hình ảnh những đoàn quân đang vượt sông Thạch Hãn vào Thành cổ trong mịt mù mưa bom lửa đạn năm nào. Những chiến sĩ trong đoàn quân hầu hết còn rất trẻ, trong đó rất nhiều người là sinh viên. Từ giảng đường ra chiến trường, họ mang theo nguyên vẹn chất sinh viên trẻ trung, hồn nhiên, tài hoa; nhiều người trong chiếc ba lô ngoài quân tư trang còn có cả từ điển, giáo trình chuyên môn, sổ ghi nhật ký… với một niềm tin ngày chiến thắng trở về viết tiếp giấc mơ giảng đường. Chất sinh viên cũng khiến họ luôn lạc quan, bình tĩnh đón nhận những gian nguy, thử thách.
Như lời kể của phóng viên Đoàn Công Tính, phóng viên chiến trường duy nhất lọt vào được Thành cổ giữa làn bom đạn mịt mù những ngày này, tác giả bức ảnh nổi tiếng “Nụ cười chiến thắng bên Thành cổ Quảng Trị” thì pháo bầy, bom chùm và bom rải thảm của B52 Mỹ đã san phẳng Thành cổ, xới nát cỏ cây, nhưng không thể đè bẹp được ý chí quật cường của những người trẻ giàu lòng yêu nước. Giữa vụn vỡ tan hoang gạch đá, nụ cười chiến sĩ vẫn vẹn nguyên, rạng rỡ.
Đài Tưởng niệm liệt sỹ Thành cổ Quảng Trị. |
Tại một chốt của quân ta ở phía đông gần giáp bờ sông Thạch Hãn, một nhóm chiến sĩ đang cười nói rôm rả giữa lúc pháo địch chuyển làn đã nói với phóng viên: “Có thể ngày mai đây một số anh em chúng tôi không còn nữa. Nhưng Thành cổ sẽ sống mãi với lịch sử vinh quang của đất nước…”.
Trang sách mở của Đài chứng tích sinh viên - chiến sĩ Thành cổ in đậm dòng chữ: "Tại đây, Thành cổ Quảng Trị kiên cường, bao chiến sĩ sinh viên Việt Nam đã anh dũng chiến đấu vì độc lập tự do và thống nhất Tổ quốc, nhiều người trong số đó đã hy sinh oanh liệt. Các anh sống mãi trong lòng đất nước, nhân dân và đồng đội thân yêu". |
Đó cũng là tâm thế sẵn sàng ra trận, sẵn sàng xả thân vì Tổ quốc của những chiến sĩ - sinh viên Thành cổ. Như liệt sỹ Nguyễn Văn Thạc, sinh viên trường Đại học Tổng hợp Hà Nội đã tâm sự trong một lá thư gửi bạn trước ngày hy sinh: “Bất kỳ một sự vinh quang nào cũng cần phải trả bằng một giá. Và khó khăn gian khổ càng nhiều và thử thách càng nhiều, sự vinh quang đó càng trở nên rực rỡ”.
Hay liệt sỹ Lê Văn Huỳnh, sinh viên Trường Đại học Xây dựng với lá thư viết gửi gia đình trong những ngày gần cuối của Chiến dịch 81 ngày đêm, khi mà sự khốc liệt của đạn bom đã lên đến đỉnh điểm. Dự cảm sự hy sinh là điều khó tránh khỏi, anh vẫn bình tĩnh viết những dòng thư xúc động, đầy trách nhiệm trước gia đình và Tổ quốc, thể hiện niềm tin vào hòa bình, đất nước thống nhất: “Con rất hiểu mẹ khổ đã nhiều, song do đất nước có chiến tranh thì mẹ ơi, hãy lau nước mắt sống đến ngày đón mừng chiến thắng. Mẹ đừng buồn, coi như con đã sống trọn đời cho Tổ quốc mai sau”. Hay như dòng nhật ký da diết niềm yêu cuộc sống của liệt sỹ Nguyễn Kỳ Sơn, sinh viên Đại học Thủy lợi: “Ta yêu hòa bình, yêu màu xanh, cho ta sống mãi với màu xanh này, màu xanh mà ta phải tranh đấu…”.
Vậy đó, chính lớp chiến sĩ - sinh viên ấy đã làm nên trang sử hào hoa trong khúc ca bi tráng của Thành cổ Quảng Trị, đem lại màu xanh hòa bình, màu xanh đất nước hôm nay. Bên Đài chứng tích sinh viên - chiến sĩ Thành cổ, cây bồ đề do đồng chí Đinh Thế Huynh, cựu sinh viên - chiến sĩ Thành cổ, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân dân trồng khi về đây thăm đồng đội đang mạnh mẽ vươn tán, như lời nhắn nhủ thế hệ trẻ viết tiếp ước vọng giảng đường của các anh, giữ gìn vun đắp màu xanh hòa bình cho Tổ quốc.
Hoa Hồng
Ý kiến bạn đọc