Multimedia Đọc Báo in

Trang sử hào hùng của thắng lợi Cách mạng Tháng Tám ở Đắk Lắk

08:55, 20/08/2019

Trước năm 1945, phong trào đấu tranh của đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk nói riêng và Tây Nguyên nói chung diễn ra mạnh mẽ, quyết liệt.

Tiêu biểu như phong trào đấu tranh chống bắt phu, bắt xâu, chống nộp thuế, nộp sản vật; phong trào đấu tranh của đồng bào Êđê đòi được tự do đi mua muối, chống nộp lúa, chống đi phu làm đường, phá đồn điền; phong trào đấu tranh của các tù nhân Nhà đày Buôn Ma Thuột và các trại giam trên các công trường làm đường quốc lộ... Có thể nói, đây chính là cuộc tập dượt của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên để chuẩn bị bước vào một thời kỳ cách mạng mới - cách mạng giải phóng dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Trong quá trình đấu tranh, sức ảnh hưởng và sự lãnh đạo của Đảng đến với phong trào đấu tranh của các dân tộc tỉnh Đắk Lắk chủ yếu thông qua hoạt động của Chi bộ Cộng sản được thành lập tại Nhà đày Buôn Ma Thuột (cuối năm 1940) và Chi bộ Cộng sản ở ngục Đắk Mil (năm 1943). Hoạt động của các chi bộ cộng sản trong nhà tù đã vượt qua sự ngăn chặn, bưng bít của kẻ thù để đến với đồng bào các dân tộc, thổi bùng ngọn lửa đấu tranh cách mạng. Những chiến sĩ cộng sản ở Nhà đày Buôn Ma Thuột, ở ngục Đắk Mil đã gieo những “hạt giống đỏ” trên mảnh đất Tây Nguyên.

Từ cuối năm 1944, các chiến sĩ cộng sản đã vận động, xây dựng được những cơ sở cách mạng trong hàng ngũ lính khố xanh, giác ngộ tinh thần cách mạng cho họ. Trong Cách mạng Tháng Tám, chính lực lượng này là một trong những đối tượng ngả về phía cách mạng, theo tiếng gọi của độc lập dân tộc, của Đảng đứng lên làm chủ vận mệnh của mình.

Trong những năm 1943 - 1944, ảnh hưởng của Đảng ngày càng lan rộng, phong trào đấu tranh cách mạng của đồng bào các dân tộc phát triển khá mạnh mẽ, nhất là ở các đồn điền và thị xã Buôn Ma Thuột. Điều đó ảnh hưởng tích cực đến sự chuyển biến về nhận thức, tư tưởng của đồng bào các dân tộc trên địa bàn.

Từ tháng 4-1945 trở đi, khi cao trào kháng Nhật, cứu nước diễn ra mạnh mẽ làm tiền đề cho cuộc khởi nghĩa thì các tổ chức Đảng và đồng bào các dân tộc trên địa bàn Đắk Lắk cũng chuẩn bị các điều kiện cần và đủ để cùng cả nước đấu tranh. Thực hiện Chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” của Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương, Chi bộ và các tổ chức cách mạng trong Nhà đày Buôn Ma Thuột chủ trương tăng cường tuyên truyền, giải thích đường lối, nhiệm vụ cách mạng, tiếp tục xây dựng cơ sở cách mạng, mở rộng căn cứ địa cách mạng, chống lại những luận điệu tuyên truyền phản động của phát xít Nhật và tay sai.

Lúc này, theo chủ trương của Trung ương Đảng, cũng như các địa phương trong cả nước, phong trào cách mạng ở tỉnh Đắk Lắk bước vào thời kỳ tiền khởi nghĩa, đẩy mạnh cao trào kháng Nhật cứu nước, chuẩn bị mọi điều kiện tiến lên khởi nghĩa giành chính quyền.

Chiến sĩ Tiểu đoàn 303 (Trung đoàn 584, Bộ CHQS tỉnh) trong dịp tham quan Nhà đày Buôn Ma Thuột.  							                                              Ảnh: Q. Anh
Chiến sĩ Tiểu đoàn 303 (Trung đoàn 584, Bộ CHQS tỉnh) trong dịp tham quan Nhà đày Buôn Ma Thuột. Ảnh: Q. Anh

Khi thời cơ đã đến, Trung ương Đảng và Ủy ban Mặt trận dân tộc giải phóng ra lệnh tổng khởi nghĩa trong toàn quốc với quyết tâm “đem sức ta mà giải phóng cho ta”, giành chính quyền về tay nhân dân. Ngày 14-8-1945, Ban lãnh đạo lâm thời tỉnh triệu tập Hội nghị chuẩn bị cho khởi nghĩa giành chính quyền trong tỉnh tại thị xã Buôn Ma Thuột.

Tối 17-8-1945, Tỉnh bộ Việt Minh Đắk Lắk quyết định mở màn khởi nghĩa tại đồn điền Ca Da. Tại một số đồn điền khác như đồn điền ở km 7, 17, 24, 29, các cơ sở Việt Minh cũng lãnh đạo công nhân và nông dân đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền làm chủ, ra mắt Ủy ban Việt Minh. Đó là những cơ sở đầu tiên trong tỉnh giành chính quyền về tay nhân dân lao động.

Trong ngày 19-8-1945, được công nhân đồn điền Ca Da hỗ trợ, chính quyền cách mạng được thành lập ở nhiều đồn điền và buôn ấp từ km 49 đến km 3 trên đường số 21 và dọc tỉnh lộ số 8 từ Buôn Ma Thuột đi Mê Wal. Đồn điền Ca Da được chọn làm nơi đặt cơ quan lãnh đạo, chỉ đạo tổng khởi nghĩa trong toàn tỉnh.

Vào lúc 15 giờ ngày 24-8-1945, cuộc mít tinh giành chính quyền diễn ra tại sân vận động thị xã Buôn Ma Thuột với hơn 3.000 đồng bào các dân tộc Êđê, J’rai, M’nông và 500 lính bảo an binh được giác ngộ cách mạng đã quay súng về với cách mạng. Tất cả hô vang các khẩu hiệu cách mạng: “Việt Nam hoàn toàn độc lập”, “Ủng hộ Việt Minh”, “Đả đảo phát xít Nhật”... với tinh thần đoàn kết, quyết tâm sắt đá và ý chí giành cho được độc lập. Tại các huyện và buôn trong tỉnh, dưới sự lãnh đạo của cán bộ, hội viên Việt Minh, nhân dân đã đứng lên giành chính quyền thắng lợi.

Có thể nói, ở tỉnh Đắk Lắk, Cách mạng Tháng Tám thành công là kết quả của sự đoàn kết của nhân dân các dân tộc trong tỉnh dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản và Mặt trận Việt Minh, đã mở ra một thời kỳ mới trong lịch sử đấu tranh cách mạng của nhân dân Tây Nguyên. Mặc dù gặp nhiều khó khăn về điều kiện khách quan và chủ quan nhưng cuộc khởi nghĩa giành chính quyền tại các địa phương trong tỉnh đã diễn ra đúng thời cơ và giành thắng lợi, góp phần vào thắng lợi của Cách mạng tháng Tám trong cả nước.

Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm của mình trước Đảng, trước đồng bào, nhân dân trong tỉnh; kiên định, vững vàng vượt qua khó khăn thử thách. Cùng với đó, đội ngũ cán bộ, đảng viên đồng cam cộng khổ với nhân dân, chịu hy sinh, gian khổ. Nhờ vậy, Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk đã lãnh đạo đồng bào các dân tộc khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi, củng cố và bảo vệ thành quả cách mạng.

Cẩm Trang


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.