Chuyện về nữ tướng Nguyễn Thị Định
Đến tham quan và tưởng niệm tại Khu lưu niệm nữ tướng Nguyễn Thị Định (ấp Phong Điền, xã Lương Hòa, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre), ai cũng xúc động khi nghe hướng dẫn viên kể về quá trình hoạt động cách mạng anh dũng, kiên trung nhưng đầy đau thương, mất mát của bà.
Nữ tướng Nguyễn Thị Định được người dân Bến Tre trìu mến gọi với cái tên thân thuộc “cô Ba Định”. Bà sinh năm 1920, là con út trong gia đình có 10 người con ở xã Lương Hòa, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre. Khi tròn 16 tuổi, bà bắt đầu tham gia cách mạng, đảm nhận nhiệm vụ giao liên, rải truyền đơn và vận động quần chúng đấu tranh.
Hai năm sau bà được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Cũng trong thời gian này, bà kết hôn với ông Nguyễn Văn Bích, Tỉnh ủy viên tỉnh Bến Tre. Năm 1940, cả hai vợ chồng bà bị giặc Pháp bắt giữ, ông Bích bị đày ra Côn Đảo và sau đó bị giết hại, còn bà bị biệt giam tại nhà tù Bà Rá, tỉnh Sông Bé (nay thuộc tỉnh Bình Phước). Năm 1943, bà được trả tự do và trở về quê hương, tiếp tục hoạt động cách mạng.
Nữ tướng Nguyễn Thị Định với các nữ đại biểu dự Đại hội Anh hùng Chiến sĩ thi đua miền Nam lần thứ II (tháng 9-1967). (Ảnh chụp lại) |
Tháng 4-1946, bà được cử ra Bắc báo cáo với Bác Hồ về tình hình chiến trường Nam Bộ và sau đó được giao trọng trách làm thuyền trưởng, có nhiệm vụ vận chuyển 12 tấn vũ khí từ Bắc vào Nam bằng con đường biển, từ đó mở ra "Đường Hồ Chí Minh trên biển”. Giai đoạn năm 1954 - 1959, bà được chỉ định làm Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy nên bị chính quyền Ngô Đình Diệm ráo riết tìm bắt.
Năm 1960, bà được bầu làm Phó Bí thư và sau đó là Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre để cùng với những người yêu nước khởi xướng phong trào Đồng Khởi, mở đầu cho cuộc đấu tranh chính trị kết hợp đấu tranh vũ trang rộng khắp miền Nam. Giai đoạn 1965 - 1974, bà được bầu là Phó Tổng Tư lệnh các lực lượng vũ trang quân giải phóng miền Nam. Tháng 4-1974, bà được phong quân hàm Thiếu tướng, trở thành nữ tướng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam Anh hùng.
Sau khi đất nước thống nhất, bà được Đảng và Nhà nước giao nhiều trọng trách như: Thứ trưởng Bộ Thương binh - Xã hội, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước… Ở cương vị nào bà cũng xử lý công việc đầy trách nhiệm và tình người. Trong lòng bạn bè thế giới, bà là biểu tượng của cuộc đấu tranh vì độc lập, tự do, là trung tâm đoàn kết các lực lượng tiến bộ trên toàn thế giới. Ngày 26-8-1992, bà đột ngột qua đời sau một cơn đau tim nặng, hưởng thọ 72 tuổi và được an táng tại TP. Hồ Chí Minh.
Nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương viết trong sổ lưu niệm khi đến tham quan nơi đây vào ngày 28-11-2018 dòng chữ: “Nhân dân Việt Nam vô cùng tự hào về những chiến công, đóng góp to lớn của đồng chí Nguyễn Thị Định - vị nữ tướng Anh hùng với những chiến công chói lọi trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước. Chị Ba Định sống mãi trong lòng đồng chí, đồng bào”. |
Bà Ba Định đã sống một cuộc đời trọn vẹn với non sông, đất nước. Cuộc đời dù trải qua nhiều mất mát đau thương nhưng bà đã vượt qua tất cả, luôn sống trọn vẹn nghĩa tình với đồng đội, với nhân dân, hy sinh mọi hạnh phúc riêng tư để lo toan cho hạnh phúc của mọi người. Để tri ân công lao đóng góp của nữ tướng, ngày 30-8-1995, bà được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
Cô Ba Định lúc bấy giờ là Phó Chủ tịch Liên đoàn Phụ nữ Dân chủ Quốc tế, Chủ tịch Hội Phụ nữ Việt Nam thăm Tiệp Khắc tháng 10-1981. (Ảnh chụp lại). |
Năm 2003, Khu lưu niệm nữ tướng tại quê nhà được xây dựng với diện tích khoảng 15.000 m2, gồm các hạng mục: Nhà bia “tóm tắt tiểu sử của cô Ba Định”; đền thờ và nhà trưng bày, giới thiệu những hiện vật, hình ảnh về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của bà. Tại khu trưng bày có ghi lời của các bậc hiền nhân nói về bà. Trong đó, đáng chú ý là lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Phó Tư lệnh giải phóng miền Nam là cô Nguyễn Thị Định. Cả thế giới chỉ nước ta có vị tướng quân gái như vậy. Thật là vẻ vang cho miền Nam, cho dân tộc ta”; hay như lời Đại tướng Nguyễn Chí Thanh: “Một người phụ nữ đã chỉ huy thắng lợi cuộc Đồng Khởi ở Bến Tre thì người đó rất xứng đáng được làm tướng và ở trong Bộ Tư lệnh đánh Mỹ”; trong lời đề tựa tập sách "Nhớ chị Ba Định", Giáo sư Trần Văn Giàu có viết: “Những người như chị, sống làm tướng, chết thành thần”...
Thế Hùng
Ý kiến bạn đọc