Một người thầy đặc biệt trong lịch sử giáo dục Việt Nam
Hoàng tử Nguyễn Miên Thẩm (1819 – 1870) là con trai của vua Minh Mạng, sau được tước là Tùng Thiện Vương. Lâu nay, chúng ta đều biết ông là một nhà thơ có tài, được liệt vào bậc thi bá trong làng văn chương nước nhà đương thời.
Cùng với Tuy Lúy Vương, Tùng Thiện Vương Miên Thẩm được người đời ca tụng là “Thi đáo Tùng, Tuy thất Thịnh Đường” (Thơ của Tùng Thiện Vương và Tuy Lúy Vương thì vượt cả thơ thời Thịnh Đường), điều đó đủ thấy thi tài lỗi lạc của một bậc vương tôn.
Nói rằng Tùng Thiện Vương Miên Thẩm là một thầy giáo đặc biệt trong lịch sử giáo dục Việt Nam vì nhiều lẽ. Khác với các thầy dạy học từ trước đến nay, ông không mở trường mở lớp và cũng không dạy chữ nghĩa theo sách giáo khoa thông thường, song mọi người vẫn gọi ông là đức thầy một cách trân trọng, đầy kính nể.
Tùng Thiện Vương được giao trọng trách dạy học cho những người trong hoàng tộc. Tuy vậy, vượt lên trên mọi định kiến, thầy Nguyễn Miên Thẩm lại hướng giáo dục của mình ra xã hội một cách phổ quát, không chỉ dạy cho những người trong họ tộc mà ông còn dạy cho mọi người ở bên ngoài. Vì thế, ở kinh thành Huế lúc bây giờ có rất nhiều người tìm đến xin thầy học về nghề thơ. Việc đỗ đạt của học trò mà ông trực tiếp giảng dạy ra sao thì đến nay chưa thấy sách vở nào ghi chép, chỉ biết rằng những người nổi tiếng như Phạm Phú Thứ, Nguyễn Trọng Hợp, các em gái ông là Nguyệt Đình, Mai Am… đều học nghề thơ với đức thầy Miên Thẩm và tỏ ra là những người hiểu biết sâu sắc về thi ca, ít nhiều có được những tác phẩm lưu truyền hậu thế.
Vua Tự Đức cũng là một “thi đồ” (học trò về thơ ca) của thầy Nguyễn Miên Thẩm. Có một giai thoại kể rằng, vua Tự Đức đến xin thầy Miên Thẩm học nghề thơ và hỏi xem mình có tư cách học không thì ông bảo: “Tâu không, vì nghề trị nước, ngày có vạn việc, trách nhiệm nặng nề, tâm không được nhàn, nên từ xưa, các vị chí tôn dù có làm thơ thì đã không học, mà cũng không nên học”. Nhưng vì Tự Đức cứ khăng khăng nài nỉ, bất đắc dĩ Tùng Thiện Vương đành phải dạy. Tự Đức thường làm thơ đưa cho Tùng Thiện Vương Miên Thẩm xem và sửa chữa, nhưng bắt phải giữ bí mật. Mỗi lần sửa chữ nào, thầy Miên Thẩm đều phải có sớ trình, đồng thời phải nêu lý do thật cụ thể.
Thơ ca của Tùng Thiện Vương Miên Thẩm lời lẽ điêu luyện, trí tuệ uyên bác mà hồn thơ cũng rất phong phú, dồi dào. Thơ ông đề cập nhiều đến số phận của nhân dân lao động, từ người dân bán củi đến những người sống lênh đênh trôi dạt, những binh lính nơi chốn trận tiền… một cách tinh tế và đầy cảm xúc. Nhà thơ thực sự là một thi sĩ vừa có tài vừa có tâm, đồng thời được xem là người thầy mẫu mực, đặc biệt trong lịch sử giáo dục nước nhà.
Lê Thành Văn
Ý kiến bạn đọc