Multimedia Đọc Báo in

Giải phóng Buôn Ma Thuột: Mảnh ghép đầu tiên làm nên bức tranh toàn thắng mùa Xuân năm 1975

08:53, 25/03/2020

Với những thắng lợi đã đạt  được trong cả nước, đặc biệt là sau chiến thắng Phước Long (tháng 1-1975), Bộ Chính trị quyết định tiến hành tổng công kích, tổng khởi nghĩa, dự kiến nếu thời cơ đến đầu hoặc cuối 1975 thì ngay lập tức giải phóng miền Nam trong năm 1975.

Theo đó, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương quyết định mở Chiến dịch Tây Nguyên (mật danh A275) nhằm tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch, giải phóng các tỉnh Nam Tây Nguyên, thực hiện chia cắt chiến lược và tạo thế chiến lược mới trên chiến trường toàn miền Nam, trong đó lấy Buôn Ma Thuột làm mục tiêu chủ yếu của Chiến dịch Tây Nguyên.

Để chuẩn bị lực lượng chính trị phối hợp với việc tấn công của quân chủ lực ở thị xã, tháng 2-1975, Tỉnh ủy Đắk Lắk đã chọn lựa trên 80 cán bộ, chiến sĩ ở các ban, ngành, các đơn vị trong tỉnh tập huấn phương pháp công tác, hình thành các đội chính trị, các tổ công tác an ninh... để chuẩn bị đưa vào thị xã hoạt động. Đồng thời, Tỉnh ủy bàn kế hoạch tiếp quản thị xã khi được giải phóng, dự kiến các tình huống xảy ra và chuẩn bị nhân sự thành lập Ủy ban Quân quản thị xã. Trong chiến đấu, lực lượng đánh thị xã Buôn Ma Thuột chủ yếu là lực lượng chủ lực của Mặt trận Tây Nguyên phối hợp với một số đơn vị của Bộ và Quân khu V. Đây là một chiến dịch tập trung quân cao nhất để đánh vào một thị xã. So với toàn Tây Nguyên, bộ binh ta không hơn địch nhiều nhưng ở khu vực trọng điểm Buôn Ma Thuột thì ta hơn hẳn địch.

Quân Giải phóng đánh chiếm sở chỉ huy Sư đoàn 23 ngụy trong trận Buôn Ma Thuột, tháng 3-1975.  Ảnh tư liệu
Quân Giải phóng đánh chiếm sở chỉ huy Sư đoàn 23 ngụy trong trận Buôn Ma Thuột, tháng 3-1975. Ảnh tư liệu

Nhằm tạo bất ngờ cho trận quyết chiến chiến lược ở Buôn Ma Thuột, từ đầu năm 1975, lực lượng chủ lực của Mặt trận Tây Nguyên đã tiến hành một kế hoạch nghi binh rất tài tình thu hút được sự chú ý đối phó của địch ở Bắc Tây Nguyên. Cuối tháng 2-1975, Sư đoàn 968 đánh tiêu diệt chốt Mỹ và một số cứ điểm ở Tây Pleiku, Sư đoàn 3 (Quân khu V) cắt đường 19 và đánh diệt một số vị trí của địch từ An Khê đến Bình Khê.

45 năm đã trôi qua nhưng chiến công về Chiến thắng Buôn Ma Thuột vẫn sáng mãi trong lịch sử đấu tranh giải phóng của dân tộc, là dấu mốc quan trọng đối với tỉnh Đắk Lắk và thành phố Buôn Ma Thuột ngày nay.

Theo kế hoạch, ngày 4-3 bộ đội ta chính thức nổ súng mở Chiến dịch Tây Nguyên. Từ ngày 4 đến 9-3, quân ta đánh cắt giao thông trên các đường số 19, 21, cô lập Tây Nguyên với vùng duyên hải miền Trung, chia cắt đường số 14 để cô lập hai khu vực Bắc Tây Nguyên với Nam Tây Nguyên; tiến công lần lượt đánh chiếm quận lỵ Thuần Mẫn (8-3), Đức Lập (9-3), cô lập triệt để Buôn Ma Thuột. 2 giờ 3 phút ngày 10-3, từ các hướng ta nổ súng tấn công vào thị xã. Mở đầu, đặc công đánh sân bay thị xã, bộ binh đánh sân bay Hòa Bình, đặc công đánh khu kho Mai Hắc Đế, hỏa tiễn H12, ĐKB và các cụm pháo tập trung bắn vào Sư bộ 23 kéo dài cho đến sáng. Sáng 10-3, quân ta đánh địch ở các hướng. Ở hướng Bắc, bộ binh ta có xe tăng phối hợp đánh vào Ngã Sáu, bắn cháy xe tăng địch, đánh chiếm và làm chủ Ngã Sáu rồi phát triển đánh chiếm tiểu khu. Ở hướng Tây Bắc, lực lượng của ta tiêu diệt Sở chỉ huy khu kho Mai Hắc Đế, đánh chiếm các cứ điểm Cư Êbur, Cư Dluê... phá hệ thống cứ điểm án ngữ vòng ngoài thị xã. Ở hướng Tây, quân ta đánh chiếm doanh trại tiểu đoàn quân y và áp sát căn cứ Sư bộ 23. Ở hướng Nam, ta đánh vào khu hành chính, khu tiếp vận, Sở Thú y, Ty ngân khố, khu cư xá sĩ quan và đánh chiếm quận lỵ Hòa Bình. Ngày 11-3, bộ binh, xe tăng và trọng pháo của ta tập trung đánh và chiếm lĩnh Sư bộ 23. Cờ Mặt trận dân tộc giải phóng kéo lên cột cờ của Sư bộ 23 ngụy. Tàn binh địch ở sư bộ trốn chạy nhưng bị quân ta truy bắt gọn. Tối 11-3, đoàn cán bộ chính trị do đồng chí Tô Tấn Tài (Ama H’Oanh), Bí thư Thị ủy Buôn Ma Thuột dẫn đầu tiến vào thị xã. Các lực lượng đoàn thể như thanh niên, học sinh, phụ nữ, công nhân với những nhiệm vụ khác nhau, tích cực, hăng hái tham gia vào các đội công tác để ổn định tình hình sau chiến dịch.

TP. Buôn Ma Thuột nhìn từ trên cao.    Ảnh: H.Gia
TP. Buôn Ma Thuột nhìn từ trên cao. Ảnh: H.Gia

Sau khi ta đánh chiếm Buôn Ma Thuột, từ ngày 12 đến 13-3 địch đưa Sư đoàn 23 về phản kích giải tỏa nhưng ta đập tan cuộc phản kích đó trong trận Nông Trại - Chư Cúc. Bị thất bại và trước sức uy hiếp mạnh mẽ của quân ta, từ ngày 15-3, quân địch rút khỏi Kon Tum, Pleiku theo đường số 7 hòng co cụm về vùng đồng bằng ven biển Khu 5 nhưng bộ đội ta kịp thời truy kích, tiêu diệt gần hết quân địch rút chạy trên đường số 7. Ngày 19-3, quân ta đánh chiếm quận lỵ Phú Thiện; ngày 21-3, chiếm quận lỵ Phú Túc, diệt địch ở Cà Lúi. Ngày 23-3, quân ta tiến xuống Củng Sơn (thị trấn miền Tây của Phú Yên). Trong cuộc truy kích này, quân ta tiêu diệt và làm tan rã 6 liên đoàn biệt động, 4 trung đoàn thiết giáp, 1 trung đoàn công binh, 20 tiểu đoàn bảo an và cảnh sát dã chiến cùng một bộ phận cơ quan Quân khu II, bắt 8.000 tù binh, thu và phá hủy 1.400 xe, có 90 xe tăng, 25 M113, 32 khẩu pháo các cỡ(*). Ở hướng đường 21, ngày 17-3, quân ta giải phóng quận lỵ Phước An, sau đó đánh chiếm quận lỵ Khánh Dương, đánh địch ở đèo Phượng Hoàng, mở đường cho quân ta tiến xuống vùng đồng bằng. Sau đó, quân ta phát triển chiến đấu xuống vùng duyên hải Nam Trung Bộ, phối hợp với quân và dân địa phương lần lượt giải phóng các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa.

Như vậy, trải qua chưa đầy một tháng, bộ đội chủ lực của ta ở mặt trận Tây Nguyên đã tiêu diệt và làm tan rã toàn bộ sinh lực và phương tiện chiến tranh trên một chiến trường rộng lớn. Chiến thắng Buôn Ma Thuột trước hết là nhờ sự chỉ đạo sáng suốt, tài tình của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương đã có quyết tâm cao, chọn đúng thời cơ lịch sử, chọn đúng điểm quyết chiến chiến lược và tập trung cao độ binh hỏa lực để giành thắng lợi. Trong  chiến dịch, Đảng bộ, quân và dân các dân tộc trong tỉnh Đắk Lắk đã góp phần công sức rất lớn, vẫn luôn một dạ kiên trung bất khuất, vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, hy sinh, góp phần to lớn vào thắng lợi vĩ đại của dân tộc. Thắng lợi ấy là kết quả của sự đoàn kết, đùm bọc, gắn bó keo sơn giữa lực lượng quân đội chủ lực và đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng.

(*) Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk: Lịch sử Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk (1954 - 1975),  Nxb Chính trị quốc gia, HN.2003, tr.188.

Cẩm Trang


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.