Multimedia Đọc Báo in

Xứng danh Kiên Cường

09:06, 10/03/2020

Thôn Kiên Cường (nay là thôn 1, xã Hòa Thuận, TP. Buôn Ma Thuột), vùng thôn quê hiền hòa một thời bị khói lửa chiến tranh tàn phá nay đã trở mình đổi sắc với bạt ngàn cà phê, hồ tiêu, cây ăn trái; nhiều ngôi nhà khang trang mọc lên san sát, những tuyến đường bê tông thẳng tắp...

Thôn Kiên Cường nằm nép mình ven thành phố, một thời là căn cứ địa, nơi nuôi giấu cán bộ hoạt động cách mạng. Nơi đây được biết đến với nhiều tên gọi như: dinh điền Đạt Lý 2, ấp Thăng Đạt, tập đoàn sản xuất, hợp tác xã Kiên Cường... qua từng giai đoạn. Nhưng Kiên Cường vẫn là cái tên quen thuộc đối với nhiều người, như là minh chứng rõ nhất cho sự kiên trung, bất khuất của người dân nơi đây, một thời đã hy sinh máu xương để góp công làm nên Chiến thắng Buôn Ma Thuột 10-3-1975 oanh liệt.

Khi chúng tôi hỏi thăm về những người đã từng tham gia hoạt động cách mạng ở đây giai đoạn kháng chiến chống Mỹ, Bí thư Chi bộ thôn Kiên Cường Võ Tấn Dũng nói ngay: “Ở đây không ai rành về lịch sử Kiên Cường bằng bà Hường điệp báo”. Nói rồi ông vắn tắt tiểu sử của "bà Hường điệp báo" bằng giọng điệu rất tự hào và nể trọng...

Hầu hết các  tuyến đường  tại thôn  Kiên Cường  đã được  bê tông,  nhựa hóa  kiên cố,  sạch đẹp.
Hầu hết các tuyến đường tại thôn Kiên Cường đã được bê tông, nhựa hóa kiên cố, sạch đẹp.

Bà Võ Thị Hường có chồng là liệt sỹ Trần Lang, cán bộ Kinh tài H6, hy sinh trong khi dẫn đường cho bộ đội đi lấy lương thực vào năm 1972. Gánh trên vai "nợ nước, thù nhà", bà cùng người dân trong thôn Kiên Cường bám trụ giữa lòng địch để nuôi giấu và đưa tin cho cán bộ cách mạng. Bà được cấp trên giao nhiệm vụ điệp báo an ninh hoạt động nội thành tại khu vực Mai Hắc Đế (khu vực phường Tân Thành, TP. Buôn Ma Thuột bây giờ) và đi truyền tin ở những khu vực khác khi được giao phó. Không biết bao nhiêu lần bị địch bắt bớ, tra tấn, uy hiếp nhưng bà Hường vẫn bền gan quyết chí, không khuất phục. Sau giải phóng, bà giữ chức Phó Chủ tịch UBND xã, Trưởng Công an xã Hòa Thuận, rồi làm Trưởng ban kiểm soát hợp tác xã, Bí thư Chi bộ thôn Kiên Cường cho tới năm 2015...

Người nữ cựu điệp báo cách mạng năm xưa dù đã 85 tuổi nhưng ký ức về những ngày gian khó trong cuộc chiến năm xưa vẫn hằn sâu trong tâm trí của bà. Bà Hường kể: Vào những năm 1960, khi Ngô Đình Diệm thực hiện chính sách ly gián cách mạng, chúng đưa hơn 105 hộ gia đình có liên quan đến cách mạng ở Tam Kỳ, Điện Bàn, Đại Lộc, Thăng Bình (thuộc tỉnh Quảng Nam) vào định cư tại đây để thành lập các dinh điền, ấp chiến lược lấy tên là Đạt Lý 2. Lúc bấy giờ địch tập trung 5 trung đội nghĩa quân, 2 đoàn bình định nông thôn và 1 đại đội bảo an chỉ để quản lý, kiểm soát hoạt động của các hộ dân này. Dưới sự đàn áp của địch, trong số 105 hộ dân ban đầu, cuối cùng chỉ còn 38 hộ bám trụ. Một lòng trung thành với Đảng, với lý tưởng cách mạng, dưới những trận càn quét, bắt bớ, phá hoại tài sản của địch, người dân Kiên Cường vẫn gan dạ, kiên trung bất chấp hiểm nguy để nuôi giấu, tiếp tế, truyền tin cho cán bộ.

Dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, người dân thôn Kiên Cường tiếp tục phát huy truyền thống, tự lực tự cường, đoàn kết giúp đỡ nhau phát triển kinh tế, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất.

39 liệt sỹ, hàng chục thương bệnh binh, 6 Mẹ Việt Nam Anh hùng... là những con số biết nói về mất mát đau thương của người dân thôn Kiên Cường đã gánh chịu để đánh đổi lấy hòa bình, độc lập. Chính nhờ sự chở che của người dân Kiên Cường, hoạt động của Thị ủy Buôn Ma Thuột và ngành an ninh tỉnh Đắk Lắk được bảo đảm trong lúc gian khổ nhất của cuộc chiến...

Chiến tranh đã lùi xa tròn 45 năm. Thôn Kiên Cường ngày hôm nay đã khoác lên mình chiếc áo mới đẹp tươi, rực rỡ. Những tuyến đường bê tông, nhựa hóa rộng rãi trải thẳng tắp đến hầu hết khắp ngõ xóm. Hệ thống điện đường, điện thắp sáng và phục vụ sản xuất được lắp đặt ổn định. Đập chứa nước phục vụ tưới tiêu và các hạng mục hạ tầng khác cũng được Nhà nước quan tâm đầu tư với kinh phí hàng trăm tỷ đồng. Ngoài phát triển các cây công nghiệp thế mạnh trên 200 ha, người dân cũng đã trồng xen các loại cây ăn trái, phát triển mô hình đa cây, đa con... để vươn lên làm giàu, ổn định cuộc sống. Trong số gần 600 hộ dân thôn Kiên Cường, hiện chỉ còn 2 hộ nghèo, 5 hộ cận nghèo.

Nữ cựu điệp báo an ninh cách mạng Võ Thị Hường hồi tưởng về thời chiến tranh khốc liệt của người dân thôn Kiên Cường.
Nữ cựu điệp báo an ninh cách mạng Võ Thị Hường hồi tưởng về thời chiến tranh khốc liệt của người dân thôn Kiên Cường.

Tiễn chúng tôi trên đoạn đường về, Bí thư chi bộ thôn Võ Tấn Dũng kể về cây gòn bên cạnh Đền thờ liệt sỹ thôn Kiên Cường được Nhà nước xây dựng vào năm 2012: Cây gòn có từ thời kháng chiến chống Mỹ. Thời đó, đội công tác cách mạng treo cờ chiếm lĩnh khẳng định chủ quyền lên cây rồi cắt cử người ngày đêm trông coi, nhất quyết không để cho bọn ngụy quyền tháo xuống. Cây gòn nay cao lớn, tỏa bóng mát sum suê, là nơi lũ trẻ trong thôn thường chơi đùa... Câu chuyện cung cấp thêm một bằng chứng về tinh thần hiên ngang, bất khuất của người dân Kiên Cường năm xưa.

Hồng Chuyên


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.