Multimedia Đọc Báo in

Hồi ức tháng Ba

08:52, 25/03/2020

Trong chương trình giao lưu “Hồi ức về Đại thắng mùa Xuân năm 1975” do Bảo tàng Đắk Lắk phối hợp với Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ và Bảo tàng An Giang vừa tổ chức vào đầu tháng Ba tại TP. Buôn Ma Thuột, câu chuyện của những nhân chứng lịch sử đã khiến người dự không khỏi xúc động, tự hào.

Tự hào ký ức

Không xúc động sao được khi thế hệ trẻ hôm nay có dịp gặp gỡ, trò chuyện với những nhân chứng lịch sử, những người đã trực tiếp tham gia chiến dịch Tây Nguyên, chiến thắng Buôn Ma Thuột: ông Lê Chí Quyết - nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Bí thư Đảng ủy, Phó Chủ tịch Ủy ban Quân quản; ông Ama H’Oanh (Tô Tấn Tài) – nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Bí thư Thị ủy, phụ trách đội công tác chính trị; các cựu chiến binh tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh: ông Vũ Thành Trung - nguyên Trưởng Ban Quân báo Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Bình Phước (cựu chiến binh tỉnh Bình Dương), bà Đinh Thị Kim Oanh  - nguyên Bí thư Thị ủy Long Xuyên (An Giang). Qua những câu chuyện “người thật việc thật”,  không khí hào hùng của chiến dịch lịch sử từ 45 năm trước bỗng trở nên sống động, tươi mới đầy sức thuyết phục,

Trong trận chiến ấy, mỗi người có một nhiệm vụ nhưng tất cả đều hướng đến mục tiêu chung lớn nhất là hòa bình, thống nhất đất nước. Say mê với những câu chuyện về vận động quần chúng, cứu chữa thương bệnh binh, may cờ Tổ quốc, tinh thần chiến đấu kiên cường, dũng cảm ..., khán giả cũng không khỏi rưng rưng xúc động với những tâm sự “phía sau trận đánh” của người trong cuộc. Như bà Nguyễn Thị Minh Trinh (nguyên Phó đoàn Đội quân chính trị) chia sẻ, khi con chỉ mới được 2 tuổi, bà đã gửi con vào cơ quan tiền phương để cùng chồng tham gia chiến dịch Tây Nguyên. Chia xa con nhỏ, người mẹ nào mà chẳng trĩu nặng nỗi niềm, riêng bà trong thời khắc lịch sử ấy còn phải xác định tư tưởng, đó là có thể trở về gặp con hoặc có thể hy sinh. Hòa quyện tấm lòng người mẹ với tâm thế người chiến sĩ trước vận mệnh Tổ quốc, bà đã mạnh mẽ lên đường, thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. 

Những nhân chứng lịch sử tham gia chương tình giao lưu “Hồi ức về Đại thắng mùa Xuân năm 1975”.
Những nhân chứng lịch sử tham gia chương tình giao lưu “Hồi ức về Đại thắng mùa Xuân năm 1975”.

Nhớ về những ngày tháng Tư lịch sử, bà Đinh Thị Kim Oanh (nguyên Bí thư Thị ủy Long Xuyên, tỉnh An Giang) không muốn nhắc nhiều về những gian nguy mất mát đã trải qua, mà chỉ muốn chia sẻ niềm vui, sự hạnh phúc khi cùng đồng đội nghe tin chiến thắng. Khi ấy, bà là Trưởng ban cán sự phụ trách phong trào sinh viên học sinh tại Long Xuyên. Tin Tổng thống ngụy Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng khiến mọi người như vỡ òa cảm xúc, nhưng bà vẫn không chủ quan, lơ là nhiệm vụ mà lập tức triển khai việc bố trí lực lượng tỏa ra các hướng, phất cao cờ Tổ quốc, vận động binh lính ngụy buông súng đầu hàng. Đối với bà, tháng ngày cùng đồng đội đồng cam cộng khổ, kề vai chiến đấu sẽ mãi là những ký ức đẹp .

Trân trọng hiện tại

Dòng hồi ức cùng cảm xúc rất thật của những người đã trực tiếp góp phần làm nên Đại thắng mùa Xuân năm 1975 có sức hút đặc biệt với khán giả dự chương trình giao lưu. Nhiều bạn trẻ chia sẻ rằng, cùng với những gì đã biết qua sách vở, tài liệu, phim ảnh thì câu chuyện của những nhân chứng lịch sử đã mang lại cho họ thêm những cảm nhận, những góc nhìn đa chiều, sâu sắc về giá trị, ý nghĩa của sự kiện, như lời bạn H’Niăp Niê (đoàn viên Trung tâm Phát hành Phim) tâm sự: “Thế hệ trẻ chúng tôi may mắn được sinh ra trong thời bình, chưa thể hình dung hết sự ác liệt, tàn khốc của chiến tranh. Có dịp tham dự những chương trình như thế này, chúng tôi mới thấm thía hơn tinh thần chiến đấu ngoan cường, sự hy sinh anh dũng của thế hệ cha anh để mang lại cuộc sống hòa bình hôm nay, từ đó tự nhủ phải sống sao cho xứng đáng với sự hy sinh này”. 

Bà Nguyễn Thị Minh Trinh (nguyên Phó đoàn Đội quân chính trị) tại buổi giao lưu.
Bà Nguyễn Thị Minh Trinh (nguyên Phó đoàn Đội quân chính trị) tại buổi giao lưu.

Ông Vũ Thành Trung - nguyên Trưởng Ban Quân báo Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bình Phước (cựu chiến binh tỉnh Bình Dương) cũng nhắn nhủ với thế hệ trẻ hôm nay rằng: “Ôn lại truyền thống cách mạng, chúng tôi thành kính tưởng nhớ những người đồng đội, đồng chí đã ngã xuống trên các chiến trường; đồng thời mong muốn thế hệ trẻ hôm nay hiểu sâu sắc hơn công lao to lớn của Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì độc lập, tự do cho Tổ quốc. Qua đó thêm trân trọng các giá trị của lịch sử, xác định trách nhiệm của mình với quê hương, đất nước”.

Câu chuyện của nhân chứng lịch sử giúp mọi người thấm thía hơn về ý chí, tinh thần chiến đấu gan dạ của những chiến sĩ cộng sản kiên trung; đồng thời đã góp phần bồi đắp nhận thức, nâng cao tinh thần trách nhiệm để thế hệ trẻ tiếp tục phát huy truyền thống của thế hệ đi trước.

Mai Sao


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.