Multimedia Đọc Báo in

Nhớ những ngày tiếp quản Phước An

08:55, 25/03/2020

Đã 45 năm trôi qua, mỗi khi nhớ lại những ngày tháng ba lịch sử, ký ức về thời khắc tiếp quản vùng đất giải phóng quận Phước An lại ùa về trong tâm tưởng của những người ở căn cứ Khuê Ngọc Điền được vinh dự nhận sứ mệnh thiêng liêng ấy.

Cách đây 45 năm, ông Đỗ Cửu (xã Khuê Ngọc Điền, huyện Krông Bông) là thành viên Ủy ban Quân quản trong những ngày đầu mới giải phóng quận Phước An (nay thuộc huyện Krông Pắc). Năm nay 82 tuổi đời, 51 năm tuổi Đảng, ông Cửu vẫn nhớ như in những ngày tháng lịch sử hào hùng.

Ông Đỗ Cửu.
Ông Đỗ Cửu.

Quận Phước An là một cứ điểm quân sự quan trọng nằm ở hướng đông của tỉnh, địch coi đây là tấm lá chắn thép đối với căn cứ H9 (Krông Bông). Đầu tháng 3-1975, sau khi tiếp thu kế hoạch chiến dịch giải phóng Tây Nguyên, giải phóng Buôn Ma Thuột và tỉnh Đắk Lắk, ông Đỗ Cửu được điều động vào Huyện đội H9 giữ chức vụ Trung đội trưởng phụ trách 27 đồng chí trực tiếp tham gia tiếp quản quận Phước An… 

Trước sức tấn công như vũ bão của ta, ngày 16-3-1975, địch tháo chạy về Chư Cúc lập tuyến phòng thủ mới. Thực hiện phương châm lúc bấy giờ là “Hòa hợp, hòa giải dân tộc”, tiếp quản đến đâu phải nhanh chóng ổn định đời sống cho người dân vùng giải phóng, tránh gây thương vong, vì thế khi vào tiếp quản, nhiệm vụ của đơn vị ông Cửu là đi sâu vào các buôn làng từ cây số 42 lên Phước An, tuyên truyền chính sách 12 điều của cách mạng để người dân hiểu.

Nhờ cách tuyên truyền, giải thích tỉ mỉ nên không chỉ giúp bà con trong các thôn, buôn hiểu rõ chính sách của cách mạng mà còn vận động được nhiều người từng làm việc trong chính quyền của chế độ cũ hợp tác với ta. Chẳng hạn, ở một làng “Thương phế binh” thuộc cây số 42 (Quốc lộ 26 ngày nay), một số người từng làm việc trong chế độ cũ do còn hy vọng chính quyền ngụy Sài Gòn sẽ tái chiếm lại Buôn Ma Thuột nên đã tìm cách cất giấu vũ khí. Tuy nhiên, sau khi nghe đơn vị của ông Cửu giải thích, tuyên truyền, họ đã hiểu ra và tự giác giao nộp vũ khí cho cách mạng.

Trong thời gian công tác ở Ủy ban Quân quản Phước An, ông Cửu và đồng đội phải làm việc trong một ngôi nhà mượn của dân ở ngã ba Phước An (nay là ngã ba nối Tỉnh lộ 9 với Quốc lộ 26), khó khăn thiếu thốn mọi bề nhưng ông cùng các chiến sĩ giải phóng không hề tơ tưởng đến “cây kim sợi chỉ” của dân dù lúc đó rất nhiều nhà cửa, tài sản của người dân bỏ lại không có người trông coi…

Sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, ông Cửu được cấp trên điều động về làm Bí thư Chi bộ xã Khuê Ngọc Điền (1975 – 1978) rồi công tác ở huyện cho đến ngày về hưu.

Bà Ngô Thị Phúc (84 tuổi, ở thôn 7, xã Khuê Ngọc Điền) cũng là một thành viên trong Ủy ban Quân quản Phước An ngày ấy. Bà nhớ lại, tin giải phóng Buôn Ma Thuột lan nhanh, lúc đó bà Phúc cùng bà Võ Thị Sa - cán bộ phụ nữ xã Lễ Giáo được điều động vào Ủy ban Quân quản Phước An. Tuy đoạn đường đến nơi làm việc chỉ khoảng ba chục cây số song do tình hình chiến sự căng thẳng, hai bà phải vượt rừng sâu, núi thẳm, suốt ba ngày đêm mới đến nơi kịp nhận nhiệm vụ. Bên cạnh việc tuyên truyền chính sách, vận động phụ nữ kêu gọi chồng, con ra đăng ký khai báo để hưởng sự khoan hồng của cách mạng, bà Phúc còn tiếp nhận lương thực để cứu đói kịp thời cho người dân; phối hợp với các đồng chí trong Ủy ban Quân quản thành lập các tổ chức đoàn thể ở từng buôn làng. Với bản lĩnh của người dân vùng hậu cứ từng chịu gian khổ, không ngại hy sinh, cộng với kinh nghiệm công tác của mình, trước tiên bà Phúc thâm nhập vào những gia đình quen biết trước đây ở căn cứ bị địch bắt ra ấp chiến lược, dùng tình cảm để cảm hóa những người có người thân tham gia chế độ cũ, sau đó vận động những người chung quanh, nhờ vậy mà bà đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Sau 3 tháng, các đoàn thể đi vào hoạt động có nền nếp, bà Phúc trở về tham gia công tác ở địa phương cho đến ngày về hưu…

Bà Ngô Thị Phúc.
Bà Ngô Thị Phúc.

Chiến tranh lùi xa, ký ức những ngày hào hùng vẫn còn in đậm trong ký ức của những người như ông Cửu, bà Phúc. Nhớ về những ngày tháng đó, những chiến sĩ cách mạng như họ luôn tự hào vì đã cống hiến hết mình cho sự nghiệp bảo vệ và xây dựng Tổ quốc với tấm lòng trong sáng nhất…

Mai Viết


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.