Multimedia Đọc Báo in

Một thời hoa lửa…

18:27, 30/04/2020

Chiến tranh đã lùi xa nhưng âm vang những ngày kháng chiến vẫn còn đó. Những người lính đôi mươi năm nào nay đã ở cái tuổi “xưa nay hiếm”, song ký ức về những ngày kháng chiến chống Mỹ can trường, không nề hà sống chết vẫn khắc sâu trong trái tim họ. Ðể những ngày cuối tháng 4 này, ký ức đầy tự hào ấy được gợi lại, ùa về...

Dòng xăng vượt... sông

Với cựu chiến binh Đặng Văn Dự (79 tuổi) ở thôn 10, xã Ea Ning, huyện Cư Kuin thì những tháng năm tham gia xây dựng tuyến xăng dầu Trường Sơn chi viện cho chiến trường miền Nam là dòng ký ức không thể nào quên.

Trong căn nhà gỗ đơn sơ, ông Dự bồi hồi kể lại: Năm 1970, ông tạm biệt quê hương Đồng Tiến (tỉnh Thái Bình) để lên đường nhập ngũ, được phân về Sư đoàn 473, Binh đoàn 559 đóng quân tại chiến trường Quảng Trị. Tại đây ông làm y tá chăm sóc, điều trị cho thương binh. Đến năm 1974, ông vào Đắk Lắk nhận nhiệm vụ khảo sát, thi công đường ống xăng dầu. Có lần, ông nhận lệnh khảo sát tìm đường đặt ống xăng từ ngã 3 Đắk Song (nay thuộc tỉnh Đắk Nông) đi Đồng Xoài (nay thuộc tỉnh Bình Phước), phải đi ròng rã hơn 1 tháng, băng rừng vượt suối, lấy rau rừng làm thức ăn, mắc võng làm giường, rồi bị sốt rét... Sau đó, tuyến đường khảo sát này được lệnh dừng lại, ông và đồng đội lại thu dọn nguyên vật liệu để trở về.

Bộ đội hành quân trên đường Trường Sơn thời kỳ chống Mỹ.  Ảnh tư liệu
Bộ đội hành quân trên đường Trường Sơn thời kỳ chống Mỹ. Ảnh tư liệu

Ký ức đáng nhớ nhất với ông là đưa dòng xăng vượt sông Sêrêpốk. Đó là vào đầu năm 1975, khi tuyến đường ống xăng dầu đã tới Đắk Lắk để vào Nam phục vụ Chiến dịch Hồ Chí Minh thì xảy ra sự cố, xăng bơm từ bờ bắc không qua được bờ nam sông, tìm hiểu thì được biết do nước sông chảy xiết khiến đường ống đặt dưới lòng sông bị rung, va vào đá bị thủng. Nhận lệnh của cấp trên, đơn vị của ông gồm 20 người tham gia vác ống và thi công làm cầu treo đưa ống vượt sông, bảo đảm an toàn cho đường ống.

Ông Dự bồi hồi kể: “Tôi cùng đồng đội sử dụng những đoạn thép bện thành 2 dây cáp, cột từ cây cổ thụ bờ sông này qua cây cổ thụ bờ sông kia để làm thành cầu treo. Sau đó, dùng thuyền, tời hỗ trợ đặt đường ống vượt sông. Quá trình thi công gian truân không kể xiết, vì đoạn ống xăng khá nặng, khoảng 45 kg, mọi người vác ống nhiều lần bị té ngã, thương tích đầy mình nhưng vẫn kiên trì thực hiện nhiệm vụ, mỗi khi địch bắn phá dữ dội lại tạm dừng việc thi công, nhanh chóng chạy vào rừng sâu”.

Chiếc cà mèn thuở đi bộ đội vẫn được ông Đặng Văn Dự  cất giữ cẩn thận.
Chiếc cà mèn thuở đi bộ đội vẫn được ông Đặng Văn Dự cất giữ cẩn thận.

Cứ thế, việc bắc đường ống qua sông được thực hiện hoàn toàn bằng sức người và phương tiện thủ công, vượt qua mưa bom bão đạn, qua bao hy sinh, gian khó, đơn vị ông đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, tuyến đường ống đưa xăng kịp phục vụ chiến dịch Hồ Chí Minh, góp phần tạo nên sức mạnh thần kỳ giải phóng miền Nam.

Người máy trưởng đoàn tàu không số

Đã 45 năm trôi qua kể từ ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước nhưng ký ức về những trận chiến trên biển vẫn không phai nhòa trong tâm trí ông Phan Nhạn, người máy trưởng của đoàn tàu không số năm xưa.

Sinh ra và lớn lên trên đất võ Bình Định, năm 1950 ông Phan Nhạn tham gia cách mạng. Đến năm 1954, sau khi tập kết ra Bắc, ông được cấp trên cử đi học văn hóa và đào tạo lớp cơ điện tàu thủy, 8 năm sau thì được điều về công tác tại Đoàn 759 (tiền thân của Lữ đoàn 125 Hải quân) với nhiệm vụ làm máy trưởng của các con tàu thuộc “Đoàn tàu không số” vận chuyển vũ khí cho chiến trường miền Nam.

Trong những chuyến lênh đênh trên biển, nhiều lần ông Phan Nhạn và đồng đội trải qua thời khắc cận kề cái chết chỉ trong gang tấc. Ông còn nhớ rõ chuyến tàu chở 25 tấn vũ khí vào Vàm Lũng, Cà Mau. Đêm 16-10-1962 tại bến K15 Đồ Sơn, con tàu gỗ Phương Đông 2 nhổ neo xuất phát. Trước lúc lên đường, các đồng chí: Phạm Văn Đồng, Phạm Hùng, Trần Văn Trà, Ung Văn Khiêm đến chia tay đoàn. Cái bắt tay, ôm hôn nồng ấm của các đồng chí lãnh đạo như tiếp thêm sức mạnh và lòng vững tin cho ông Nhạn và cán bộ, chiến sĩ trên tàu.

Ông Nhạn trong lần về thăm lại địa điểm từng là bến Đồ Sơn K15  trước kia.
Ông Nhạn trong lần về thăm lại địa điểm từng là bến Đồ Sơn K15 trước kia.

Chuyến đi lần ấy, ông Nhạn còn nhớ có những chiến sĩ rất trẻ ở độ tuổi đôi mươi như Huỳnh Văn Lân, Nguyễn Hấn, Tư Đạo, Nguyễn Ngọc… Do có 3 chiến sĩ quê Nam Bộ là Ba Trung, Năm Công và Sáu Danh làm hoa tiêu nên chuyến đi có phần thuận lợi. Tuy nhiên, sau hơn 2 ngày 3 đêm trên biển, luồn lách, tránh tàu địch, đến vĩ tuyến 17 thì tàu bị mất liên lạc với đất liền. Chi bộ triệu tập cuộc họp, thuyền trưởng thông báo: “Máy vô tuyến điện bị sự cố, tàu quay về hay tiếp tục lên đường?" thì mọi người quyết tâm “Lên đường!”.

Thông suốt tư tưởng, tàu chuyển phương án: ban ngày ngụy trang giả tàu đánh cá, đêm len lỏi và tăng tốc di chuyển nhanh. Thời tiết phương Nam vào mùa gió chướng, sóng to cấp 5, cấp 6, anh em không nấu ăn được, chỉ có lương khô và nước để cầm hơi. Vào lúc 18 giờ ngày thứ 5, tàu đã qua Cù Lao Thu, Phan Thiết. Đến 22 giờ 30 thủy thủ trực máy phát hiện từ xa có 3 chiếc tàu tuần tra của Mỹ đang lao tới. Toàn tàu hội ý và nhận định tình hình có thể tàu mình bị địch phát hiện, nghi ngờ. Lệnh sẵn sàng chiến đấu. Sau hơn 20 phút tình hình trở lại bình thường bởi tàu địch không phát hiện được vì tàu mình không bật đèn, cả tàu thở phào. Sau 7 ngày lênh đênh trên biển, sáng ngày 22-10, tàu đến vùng biển Cà Mau. Rạng sáng 23-10 thì tàu cập bến an toàn.

Ông Nhạn là máy trưởng tàu không số, nhưng lúc chiến đấu là tổ trưởng tổ bộc phá, tham gia chiến đấu và sẵn sàng chờ lệnh nổ tàu khi rơi vào tình huống bất khả kháng.  Ông trầm giọng khi kể lại chuyến đi của tàu 41 do đồng chí Hồ Đắc Thạnh làm thuyền trưởng. Bị địch phát hiện lúc vào bãi ngang ở Quảng Ngãi, ông Nhạn và thuyền trưởng Thạnh là người cuối cùng bơi vào bờ sau khi đã làm nhiệm vụ điểm hỏa hủy tàu, nhiều đồng đội của ông đã nằm lại giữa biển khơi không bao giờ trở về.

Anh dũng, kiên trung trong đấu tranh, trở về với đời thường, người cựu chiến binh đoàn tàu không số năm xưa Phan Nhạn vẫn luôn giữ vững phẩm chất của người lính Cụ Hồ. Sau ngày đất nước thống nhất, ông vào định cư ở thành phố biển Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa), tiếp tục tham gia công tác xã hội và đảm nhiệm nhiều chức vụ khác nhau.

Những cống hiến không mệt mỏi của ông đã được Đảng, Nhà nước ghi nhận, tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý. Hiện nay ông là Trưởng Ban liên lạc Đoàn tàu không số tỉnh Khánh Hòa, vẫn thường xuyên thăm hỏi, gặp gỡ ôn lại kỷ niệm những năm tháng chiến đấu với những đồng đội đoàn tàu không số năm xưa.

Những trận đánh “đổ lửa”

Cựu chiến binh Phạm Văn Mão (69 tuổi) ở thôn 8, xã Ea Ning, huyện Cư Kuin khắc sâu trong tâm trí ký ức về những trận đánh ác liệt mà ông và đồng đội tham gia. Tháng 11-1970, sau 3 tháng huấn luyện tân binh tại Quỳnh Lưu, Nghệ An, ông thuộc Trung đoàn 2, Sư đoàn 324 vào miền Nam tham gia chiến dịch Đường 9 - Nam Lào. Ký ức hào hùng của một thời trận mạc được tái hiện qua lời kể của ông như một thước phim quay chậm: Tháng 4-1971, Tiểu đoàn 5 của ông nhận nhiệm vụ đánh cao điểm “Đồi xanh mắt ngọc” ở phía Tây Huế. Đây là điểm cao nhất của dải đồi, nơi có Sở Chỉ huy của ngụy chiếm đóng. Đúng 6 giờ sáng, hỏa lực của ta dội vào các lô cốt của địch nằm trên cao điểm, sau đó bộ đội ào lên tiến công. Thế trận giằng co ác liệt, hai bên đánh giáp lá cà kéo dài trong nhiều tiếng đồng hồ, quân ta bị thương vong nhiều do hỏa lực địch mạnh, các cao điểm xung quanh cũng liên tục bắn phá yểm trợ cho Sở Chỉ huy. Nhưng với tinh thần quyết tử, ông và các đồng đội vẫn ngoan cường chiến đấu, sau nửa ngày đã chiếm được cao điểm.

Ông Phạm Văn Mão (bên phải) và người bạn ôn lại kỷ niệm  thời chiến.
Ông Phạm Văn Mão (bên phải) và người bạn ôn lại kỷ niệm thời chiến.

Câu chuyện bỗng nghẹn lại khi người lính già nói về trận đánh ác liệt nhất mà suốt đời ông không thể quên, diễn ra tại cao điểm 303 ở Tây Nam Huế vào một ngày tháng 2-1974. Ở đó, trong lửa bom và đạn pháo của địch, những đồng đội của ông lần lượt ngã xuống, bản thân ông bị thương nặng, phải điều trị 2 tháng mới bình phục. Đến hôm nay, trên lưng ông vẫn còn sót lại mảnh pháo, luôn khiến ông khắc khoải khi nhớ trận đánh đó quân ta bị thiệt hại nặng vì hỏa lực địch mạnh, phải rút về Nam Lào, riêng đơn vị 46 người của ông chỉ còn lại 3 người...

Ngày 27-4-1975, đơn vị ông Mão được lệnh tiến về Nam, đánh tàn quân ngụy còn sót lại trên đường. Khi đến TP. Phan Thiết vào ngày 30-4, cũng là lúc ông và đồng đội nhận được tin mừng Sài Gòn giải phóng. Niềm xúc động, hân hoan, tự hào của thời khắc ấy vẫn còn vẹn nguyên trong tâm trí ông, để giờ đây tất cả trở thành hồi ức không thể nào quên của năm tháng tuổi trẻ can trường.

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 bắt đầu từ ngày 4-3, bằng ba đòn chiến lược: Chiến dịch Tây Nguyên mở đầu bằng trận đột phá đánh chiếm Buôn Ma Thuột, giải phóng Tây Nguyên; Chiến dịch giải phóng Huế - Đà Nẵng và Chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng Sài Gòn - Gia Định kết thúc vào ngày 30-4. Qua gần 2 tháng chiến đấu với sức mạnh áp đảo về chính trị và quân sự, quân và dân ta đã giành được toàn thắng, kết thúc 21 năm kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược.


Thùy Duyên - Thanh Điệp


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.