Multimedia Đọc Báo in

Sức sống mãnh liệt vùng đất thép Củ Chi

09:13, 27/04/2020

Đến thăm Khu di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi (TP. Hồ Chí Minh), bên cạnh những trải nghiệm ấn tượng với hệ thống hầm hào liên hoàn độc đáo, du khách còn có những cảm nhận thú vị về cuộc sống đời thường của quân dân vùng đất thép trong chiến tranh thông qua Khu tái hiện vùng giải phóng Củ Chi .

Trên diện tích rộng hàng chục héc-ta, vùng giải phóng Củ Chi hiện lên sống động với những không gian sắp xếp liên hoàn, tái hiện mô hình khung cảnh, con người, cuộc sống và chiến đấu của nhân dân Củ Chi trong vùng giải phóng thời kỳ 1961-1975.

Không gian Củ Chi sau Đồng khởi (1961-1964) hiện lên khung cảnh làng quê êm ả xanh tươi với những nếp nhà tranh nép dưới bóng tre ngút ngàn, cuộc sống sinh hoạt của người dân diễn ra bình dị như bao miền quê: có việc nhà nông quen thuộc như cày cấy, trồng trọt, chăn nuôi; có việc thủ công như đan lát, làm bánh tráng, có cả dịch vụ như quán hủ tiếu, tiệm hớt tóc, sửa xe; đặc biệt việc học hành cho trẻ em luôn được quan tâm chăm lo với lớp học có hệ thống giao thông hào chạy đến tận cửa lớp... Bao trùm không gian là tinh thần lạc quan, ý chí mạnh mẽ và tình yêu cuộc sống của quân và dân nơi đây.

a
Đường vào vùng giải phóng nép dưới ngút ngàn tre xanh

 

a

Khung cảnh lao động sản xuất ở vùng giải phóng

 

a
Tái hiện công việc đan lát

 

a
Cuộc sống, sinh hoạt của người dân vùng giải phóng có đủ điều kiện vệ sinh thiết yếu

 

a 
Mô hình lớp học vùng giải phóng

Nối tiếp là không gian vùng giải phóng bị kẻ thù đánh phá ác liệt vào những năm 1965 - 1968, tái hiện cảnh làng quê điêu tàn và cuộc sống đau thương của người dân trong chiến tranh. Tất cả sự sống đều bị bom đạn tàn phá, nhà cửa, chùa chiền cháy sập, ruộng vườn tan hoang, quân dân Củ Chi bắt đầu cuộc sống chiến đấu, nên phải chuyển xuống lòng đất. Khu ủy Sài Gòn - Gia Định đã họp để triển khai chỉ thị thành lập “Vành đai diệt Mỹ” trên đất Củ Chi, như hầm bảo vệ, hội trường, bếp Hoàng Cầm... Qua không gian này toát tinh thần quật khởi của quân dân Củ Chi trong cuộc chiến đấu giữ gìn mảnh đất quê hương với một tinh thần lạc quan vào sự thắng lợi tất yếu của cách mạng.

a
Trạm giao liên hoạt động quy củ

 

a
Du khách tìm hiểu lối xuống địa đạo

 

a
Tìm hiểu chứng tích nhà dân bị bom đạn tàn phá

Tiếp theo là không gian tái hiện vùng trắng ở Củ Chi những năm 1969 – 1972, khi chiến tranh đến đỉnh điểm của sự ác liệt, vùng đất Củ Chi trở thành khu tự do oanh kích của địch. Chúng đã ném xuống hàng trăm tấn chất độc hóa học, hàng trăm ngàn tấn bom, pháo để tàn phá vùng đất này, biến nơi đây thành một vùng đất trắng hoang tàn không nhà, không cửa, không còn sự sống trên mặt đất… chỉ có những xác xe tăng, máy bay, xe ủi. Cuộc sống và sinh hoạt của quân dân du kích Củ Chi và các đơn vị lực lượng võ trang được chuyển xuống lòng đất, nhưng vẫn tiếp diễn các hoạt động vừa bảo đảm an toàn cho người dân vừa tham gia đánh trả kẻ địch...

a
Vùng trắng Củ Chi chỉ có hố bom và xác xe tăng, máy bay...

 

a
Mô hình buổi họp trong hầm triển khai chỉ thị thành lập “Vành đai diệt Mỹ” 

 

a
Mô hình vót chông đặt bẫy kẻ thù

 

a
Xưởng quân giới tự tạo vũ khí đánh địch

Có thể nói, những không gian liên hoàn trong Khu tái hiện vùng giải phóng Củ Chi đã giúp du khách có cái nhìn đầy đủ hơn về vùng đất thép thành đồng Tổ quốc trong cuộc kháng chiến giữ nước, thêm khâm phục tinh thần yêu nước, sức sống mãnh liệt của quân dân nơi đây đã góp phần cùng quân dân cả nước đi đến ngày toàn thắng.

Hoa Hồng


 

 

 

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.