Từ vùng kinh tế mới Thuần Mẫn
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, vùng Tây Nguyên nói chung và tỉnh Đắk Lắk nói riêng vẫn chưa yên tiếng súng.
Tổ chức phản động Fulrô có vũ trang hoạt động chống phá quyết liệt khiến tình hình an ninh chính trị luôn bất ổn; nhân dân thiếu đói triền miên; địa bàn rộng, công tác quản lý và tổ chức đời sống xã hội gặp nhiều khó khăn. Yêu cầu ổn định an ninh chính trị và đời sống nhân dân đặt ra vấn đề cần thành lập khu hành chính mới để quản lý mọi mặt đời sống, khai thác tiềm năng để phát triển kinh tế - xã hội.
Trên cơ sở chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, nhất là Chỉ thị số 460/TTg ngày 23-9-1978 của Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức lực lượng thanh niên xung phong (TNXP) xây dựng kinh tế ở các tỉnh và thành phố miền Nam, Tỉnh ủy và UBND tỉnh Đắk Lắk và tỉnh Nghĩa Bình lúc bấy giờ đã thống nhất chủ trương thành lập Tổng đội TNXP Nghĩa Bình đi xây dựng vùng kinh tế mới (KTM) Thuần Mẫn, Đắk Lắk.
Năm 1978, Tổng đội TNXP Thuần Mẫn chính thức được thành lập trực thuộc tỉnh Nghĩa Bình (đến năm 1979 trực thuộc tỉnh Đắk Lắk) gồm hơn 3.000 chiến sĩ thuộc 11 huyện, thị của tỉnh Nghĩa Bình, trong đó có hơn 60 đảng viên. Nhiệm vụ của Tổng đội TNXP Thuần Mẫn là khai hoang, xây dựng cơ bản, xây dựng hạ tầng kinh tế kỹ thuật đón dân Nghĩa Bình đi xây dựng KTM; đồng thời thực hiện công tác quy hoạch, xây dựng 3 xã mới để tiến đến thành lập huyện mới.
Ngày 31-3-1979, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Lắk ra Quyết định số 6A thành lập Đảng bộ cơ sở Khu kinh tế Thuần Mẫn; UBND tỉnh ra quyết định thành lập Ban kiến thiết vùng KTM để triển khai thực hiện. Đến ngày 10-4-1979, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Lắk ra Quyết định số 07 cắt 4 xã phía Bắc của huyện Krông Búk gồm: Ea Khăl, Ea H’leo, Dliê Yang và Ea Sol cùng với Khu kinh tế Thuần Mẫn hợp thành khu vực Thuần Mẫn; thành lập Ban cán sự Đảng khu vực Thuần Mẫn gồm 7 đồng chí, do đồng chí Bùi Tự (Ama Chứ) làm Bí thư. Ngày 24-5-1979, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ra quyết định chuyển giao cơ sở đảng của Đảng bộ 4 xã về trực thuộc Ban cán sự Đảng khu vực Thuần Mẫn để lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ của khu vực hành chính mới.
Công trình điện gió ở huyện Ea H'leo. Ảnh: Hoàng Gia |
Khó khăn lớn nhất lúc bấy giờ là cơ sở vật chất kỹ thuật chưa có gì; an ninh chính trị rất phức tạp; địa bàn quá rộng, dân cư thưa thớt, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số vẫn quen với đời sống du canh du cư, thiếu đói thường xuyên xảy ra. Tổng đội TNXP Thuần Mẫn vừa thực hiện nhiệm vụ xây dựng vừa phối hợp với các đơn vị vũ trang tham gia truy quét bọn phản động Fulrô. Nhiệm vụ chính trị trọng tâm của Ban cán sự Đảng khu vực Thuần Mẫn là: Giải quyết khắc phục nạn đói, dịch bệnh; tổ chức khai hoang sản xuất lương thực, thực hiện định canh định cư, ổn định đời sống nhân dân.
Khắc phục khó khăn, Đảng ủy, Ban kiến thiết và Tổng đội TNXP đã thực hiện nhiệm vụ khai hoang, sản xuất, xây dựng cơ bản, đón dân; thành lập được 2 xã mới là Ea Wy và Cư Mốt, tiến hành bàn giao đất sản xuất, nhà ở, giếng nước cho người dân ổn định cuộc sống.
Ngày 7-9-1979, Đại hội Đảng bộ khu vực Thuần Mẫn được tổ chức. Đại hội ra Nghị quyết đề nghị kiện toàn tổ chức đảng khu vực Thuần Mẫn. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ra Quyết định 09 bổ sung, kiện toàn Ban cán sự Đảng gồm 15 đồng chí, do đồng chí Ama Đam (Nguyễn Tiễn) làm Bí thư. Đại hội Đảng khu vực Thuần Mẫn được xem là Đại hội lần thứ I của Đảng bộ huyện Ea H’leo.
Xuất phát từ tình hình thực tế và đề nghị của tỉnh Đắk Lắk, ngày 3-4-1980 Hội đồng Chính phủ ra Quyết định số 110/CP phê duyệt đề nghị của tỉnh chính thức thành lập huyện Ea H’leo, với diện tích tự nhiên là 135.100 ha, gồm 4 xã hiện có và 2 xã KTM, dân số khoảng 15.000 người, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ và khoảng 2.000 người dân các tỉnh Bình Định và Quảng Ngãi đi xây dựng KTM.
Trên cơ sở hệ thống chính trị được kiện toàn và đi vào hoạt động, phong trào định canh định cư, phát triển kinh tế được đẩy mạnh. Từ chỗ nghèo đói, huyện Ea H’leo bước đầu vươn lên ổn định sản xuất và đời sống; hệ thống ruộng nước, nương rẫy, thủy lợi được hình thành; quốc phòng – an ninh được củng cố. Đến năm 1985, huyện Ea H’leo cơ bản giải quyết được vấn đề Fulrô trên địa bàn; an ninh chính trị được giữ vững; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ổn định, từng bước được cải thiện.
Trong những năm qua, mọi lĩnh vực đời sống – xã hội của huyện Ea H’leo không ngừng đổi mới, ngày càng khởi sắc. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng nông – lâm – công nghiệp – dịch vụ; trong đó, chú trọng chuyển đổi cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, đẩy mạnh phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ. Quốc phòng – an ninh được tăng cường; hệ thống chính trị được xây dựng vững chắc. Sau 40 năm thành lập, huyện Ea H’leo đang không ngừng phấn đấu vươn lên để trở thành một huyện phát triển giàu mạnh, năng động của tỉnh Đắk Lắk.
Võ Văn Tập
(Nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Bí thư Huyện ủy và Chủ tịch UBND huyện Ea H’leo, nguyên Đại đội trưởng TNXP Tổng đội Thuần Mẫn)
Ý kiến bạn đọc