Multimedia Đọc Báo in

Chuyện ở Mường Phăng

08:26, 28/05/2020

Chúng tôi đến Mường Phăng (tỉnh Điện Biên) vào một ngày hè cách đây nhiều năm.

Nằm cách trung tâm thành phố Điện Biên Phủ hơn 30 km, Khu di tích Mường Phăng thuộc huyện Điện Biên tọa lạc trong một khu rừng nguyên sinh. Đây chính là nơi đặt Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ. Sở Chỉ huy đóng dọc theo một con suối nhỏ chạy quanh chân núi Pú Đồn, được bố trí thành hệ thống liên hoàn, bao bọc trước sau, có hầm hào, lán trại thuận tiện, vừa phù hợp tốc độ làm việc cho mặt trận, vừa bảo đảm bí mật an toàn tuyệt đối. Sở Chỉ huy nằm ở độ cao trên 1.000 m so với mặt nước biển, ẩn mình dưới tán rừng cổ thụ được nhân dân nơi đây gọi bằng cái tên thiêng liêng trìu mến: “Rừng Đại tướng”. Điều thú vị là bên cạnh “kênh thuyết minh chính thống” của Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Điện Biên, chúng tôi còn được nghe “kênh thuyết minh dân gian” từ những em bé dân tộc Thái ở Mường Phăng.

Du khách tham quan  Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Du khách tham quan Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Lúc chúng tôi vừa bước vào cửa rừng, không biết từ đâu có trên chục đứa trẻ xuất hiện, chừng từ 9 đến 13 tuổi, quần áo không mấy tinh tươm. Những đứa trẻ này giúp gia đình kiếm thêm thu nhập từ việc bán vỏ cây rừng, lá, rễ khô làm thuốc nam do người thân thu hoạch nơi rừng núi. Các em tích cực “tháp tùng” đoàn chúng tôi bách bộ hàng mấy cây số tham quan khu di tích với mớ “đặc sản” cây lá rừng cầm theo trên tay.

Ban đầu các em còn giới thiệu công dụng và mời chúng tôi mua hàng nhưng rồi đến trước mỗi di tích chúng tranh nhau say sưa kể những câu chuyện về Chiến dịch Điện Biên Phủ mà chúng được nghe từ ông bà, người cao niên địa phương. Hỏi thăm gia cảnh các cháu mới biết hóa ra chúng đều dở dang việc học bởi nhiều lý do khác nhau: đứa thì nhà xa trường, có trẻ do cha mẹ ly hôn, đứa thì mồ côi sớm, có đứa nhà quá đông con, lại có đứa cha mẹ mắc bệnh nan y… đời sống kinh tế quá khó khăn nên không có điều kiện đến trường lớp. Vậy mà chúng thuộc vanh vách từng sự kiện diễn ra nơi cánh rừng cổ thụ Mường Phăng này: Đây là nơi bác Giáp họp các tướng tá trước khi xung trận; này là hệ thống canh phòng Bộ Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ; kia là chỗ ăn nghỉ của bác Giáp…

Một chú bé trong đám độ mươi tuổi, mặt mũi lem luốc chỉ tay về khoảng rừng trống: “Chỗ kia cách đây nhiều năm, máy bay chở bác Giáp và gia đình về thăm Mường Phăng, bà con vui mừng lắm!”. Một bé gái khoảng mười hai, mười ba tuổi, có vẻ đàn chị trong đám, nói: “Lúc ấy mày còn nhỏ, biết gì mà chỉ chỗ bác Giáp đi máy bay về thăm”. Thằng nhỏ nhìn chúng tôi như khẳng định mình không nói xạo với khách, rồi hướng về phía cô chị: “Cha mẹ em nhiều lần dẫn qua đấy hái lượm lá thuốc đều kể cho em nghe mà!”. Tôi chợt ngộ ra rằng, nơi đại ngàn Mường Phăng này, mỗi gốc cây, hòn đá, căn hầm, khoảnh đất trống, lối nhỏ đi về đều như dẫn vào pho truyện cổ tích. Có lẽ từ tinh thần hiếu khách, các em miên man kể cho chúng tôi nghe hết chuyện này sang chuyện khác, khi thì chính sử, lúc là huyền sử, dã sử, truyền thuyết mà quên việc chào bán những món lá thuốc dân gian cầm theo trên tay.

Trời ngả sang chiều, chúng tôi cũng sắp rời Mường Phăng để về thành phố Điện Biên Phủ. Nhìn các cháu chưa bán được món rễ cây lá thuốc nào, một người trong đoàn tham quan cảm động xuất tiền ra tặng mỗi cháu một ít. Song bọn trẻ nhất loạt từ chối và bảo tiền bạc không tự công sức mình làm ra thì không nên nhận! Chúng tôi hỏi lại: “Ai dạy các cháu thế?”, chúng đồng thanh trả lời: “Bác Giáp!”.

Nguyễn Tường Văn


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.