Multimedia Đọc Báo in

Về bến Lộc An, nghe kể "Đoàn tàu không số"

08:27, 27/05/2020

Trong hàng chục bến bãi mà "Đoàn tàu không số" bí mật vận chuyển vũ khí vào chi viện cho chiến trường miền Nam thì bến Lộc An (nay thuộc xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) đã tiếp nhận ba chuyến tàu cập bến thành công vào các năm 1963, 1964 và 1965.

Nơi đây đã trở thành chứng tích lịch sử của tuyến đường vận tải chiến lược trên biển – “Đường Hồ Chí Minh trên biển”.

Trong bối cảnh đế quốc Mỹ đẩy mạnh chiến tranh ở miền Nam Việt Nam, ngày 23-10-1961, Trung ương Đảng và Quân ủy Trung ương đã quyết định thành lập Đoàn 759 với tên gọi “Đoàn tàu không số”. Ngày 29-1-1964, Đoàn 759 đổi tên thành Lữ đoàn 125. Đơn vị có nhiệm vụ bí mật vận chuyển vũ khí, đạn dược và cán bộ chi viện cho chiến trường miền Nam bằng đường biển. Thời kỳ đó, căn cứ của lữ đoàn là bến Bính (số hiệu là K20) ở Hải Phòng. Đơn vị sử dụng các tàu vận tải cỡ nhỏ thâm nhập miền Nam tại các căn cứ ở bến sông Gianh (Quảng Bình), Sa Kỳ (Quảng Ngãi), Vũng Rô (Phú Yên), Lộc An (Bà Rịa - Vũng Tàu), Thạnh Phong (Bến Tre) và Vàm Lũng (Cà Mau).

Du khách đến tham quan và chụp ảnh lưu niệm tại khu di tích bến Lộc An.
Du khách đến tham quan và chụp ảnh lưu niệm tại khu di tích bến Lộc An.

Sở dĩ Lộc An được chọn là một trong những điểm để Tàu không số cập bến vì nơi đây nằm cuối hạ nguồn nơi dòng sông Ray đổ ra cửa biển Lộc An, hai bên là rừng nguyên sinh ngập mặn, thuận lợi cho việc vận chuyển, cất giấu và chuyển tải vũ khí đến các căn cứ kháng chiến. Nhân dân trong vùng có truyền thống cách mạng, địch ít chú ý do địa hình rừng núi ngăn cách.

Để vận chuyển, bảo vệ và giao vũ khí thành công, các chiến sĩ trên Tàu không số ngày ấy đã vô cùng mưu trí, dũng cảm, sẵn sàng hy sinh, tuyệt đối không để địch phát hiện ra tuyến vận tải đặc biệt này. Những cán bộ, chiến sĩ được giao nhiệm vụ điều khiển Tàu không số đều là những người có kinh nghiệm đi biển, khôn khéo ngụy trang, luồn lách, giả tàu đánh cá, lợi dụng nước biển để giấu hàng, tránh sự phát hiện của địch. Khi đã cập bến an toàn, các cán bộ, chiến sĩ lập tức kết nối với lực lượng địa phương tìm cách vận chuyển vũ khí nhanh chóng để trang bị cho các đơn vị chủ lực, bảo vệ an toàn tàu và bến bãi.

Hạ nguồn sông Ray - nơi Đoàn tàu không số cập bến Lộc An để bàn giao vũ khí, đạn dược.
Hạ nguồn sông Ray - nơi Đoàn tàu không số cập bến Lộc An để bàn giao vũ khí, đạn dược.

Nhờ sự mưu trí, can trường ấy mà bến Lộc An đã đi vào lịch sử. Ngày nay, một Bia di tích đã được xây dựng tại địa điểm này để tưởng nhớ chiến công vang dội của những chiến sĩ "Đoàn tàu không số" năm xưa. Trên Bia di tích bến Lộc An có ghi: "Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, bến Lộc An là một trong những nơi tiếp nhận vũ khí của Đoàn 125 Hải quân. Nơi đây, cán bộ, chiến sĩ Tàu 41 và Tàu 56, Đoàn 125 Hải quân phối hợp với Đoàn vận tải 1.500 cùng quân, dân Bà Rịa – Vũng Tàu đã dũng cảm, mưu trí, sáng tạo vượt qua sự phong tỏa của địch, tổ chức 3 chuyến tàu cập bến thành công, vận chuyển được 109 tấn vũ khí, góp phần làm nên chiến thắng Bình Giã vang dội năm 1965, phá tan hàng loạt “ấp chiến lược”, mở rộng vùng giải phóng, đánh bại chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của Mỹ - ngụy…".

Bến Lộc An đã được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia vào năm 1995. Có dịp đến Bà Rịa – Vũng Tàu, du khách có thể tìm về bến Lộc An ngắm nhìn dòng sông Ray, nghe lại câu chuyện về "Đoàn tàu không số" để được sống lại những tháng năm lịch sử khốc liệt, hào hùng. Bến Lộc An đã trở thành niềm tự hào của vùng đất này và là một “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ mai sau.

Yến Ngọc


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.