Quân dân Đắk Lắk góp sức làm nên thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp
Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp mà đỉnh cao là Chiến dịch Điện Biên Phủ là chiến thắng của chủ nghĩa yêu nước, ý chí bất khuất, kiên cường của dân tộc Việt Nam.
Với tinh thần cả nước ra trận, quân và dân ta đã liên tục tiến công, giáng cho địch nhiều thất bại nặng nề, buộc chúng rơi vào thế bị động đối phó trên khắp các chiến trường.
Trên chiến trường Tây Nguyên, với những thắng lợi từ năm 1950 - 1953, nhất là qua hoạt động hè 1950 với chiến dịch Nguyễn Huệ trên chiến trường Nam Tây Nguyên, Đắk Lắk đã tạo một bước chuyển biến mạnh mẽ, cơ sở địch hậu vào sâu các hướng quan trọng nhất của tỉnh như dọc các trục đường 26, 14, quanh thị xã Buôn Ma Thuột và ngay cả trong nội thị, đồn điền, Đắk Mil, Lắk... đã được mở rộng. Chiến tranh du kích phát triển lên một bước mới ở khu tam giác M’Đrắk, Cheo Reo, Buôn Hồ, nhiều vùng lõm cũng đã hình thành trong lòng địch. Về mặt tác chiến của các lực lượng vũ trang trong tỉnh có bước chuyển biến quan trọng, từ chỗ đánh du kích lẻ tẻ đã tiến lên đánh tập trung cỡ đại đội trở lên; từ chỗ đánh phục kích, địa lôi, giao thông đã tiến lên phối hợp đánh đồn, diệt viện, gây cho địch những tổn thất nặng nề.
Lá cờ "Quyết chiến - Quyết thắng" của Quân đội Nhân dân Việt Nam tung bay trên nóc hầm tướng De Castries. Ảnh tư liệu |
Những thắng lợi của quân dân ta và Lào trong những năm 1950 - 1953 đã đẩy thực dân Pháp vào thế nguy, những thất bại về quân sự và những khó khăn về kinh tế càng đẩy Pháp lệ thuộc vào đế quốc Mỹ. Để xoay chuyển tình hình, chính phủ Pháp cử tướng Nava sang làm Tổng chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp ở Đông Dương, ra đời Kế hoạch Nava.
Trước tình hình đó, Bộ Chính trị họp bàn nhiệm vụ quân sự (9-1953), chủ trương mở cuộc tấn công chiến lược Đông - Xuân 1953 - 1954. Chú trọng giành địa bàn chiến lược Tây Nguyên, phá âm mưu bình định miền Nam của địch, Hội nghị Liên khu ủy và Đảng ủy Bộ Tư lệnh liên khu (12-1953) đã quyết định: tập trung toàn bộ lực lượng chủ lực cho nhiệm vụ tiến công lên Tây Nguyên, các chiến trường sau lưng địch phải tích cực đẩy mạnh chiến tranh du kích, bồi dưỡng lực lượng của ta, phối hợp với các chiến trường toàn quốc để phát triển và củng cố thế chủ động trên chiến trường Liên khu V, kết hợp mở rộng và củng cố căn cứ địa, bảo vệ vùng tự do; đồng thời giữ vững và phát triển đấu tranh ở các vùng du kích, xây dựng và phát triển cơ sở, đẩy mạnh đấu tranh của nhân dân ở vùng tạm chiếm.
Theo đó, quân và dân các dân tộc tỉnh Đắk Lắk bước vào Đông - Xuân 1953 - 1954 với một khí thế mới. Ban Cán sự tỉnh Đắk Lắk đã quyết định họp liên tịch với Tỉnh ủy Phú Yên bàn phương án phối hợp với các lực lượng để chống cuộc hành quân lớn của địch từ trên xuống, phân công bố trí các lực lượng vũ trang tuyên truyền, vũ trang công tác trên các hướng từ dưới lên để mở rộng và củng cố các cơ sở chính trị, cơ sở du kích trong lòng địch. Các đại đội bám sát đường 26, 14, 7 sẵn sàng đánh địch, củng cố hậu cứ an toàn cho tỉnh.
Ngày 20-1-1954, Pháp thực hiện một bước cuộc hành quân Atlante đổ bộ lên Tuy Hòa, Phú Yên. Tuy nhiên, khi vừa đặt chân lên Tuy Hòa, quân địch đã bị quân và dân Phú Yên chặn đánh. Giữa lúc quân địch bị sa lầy ở Phú Yên, đêm 26-1-1954, chủ lực ta bắt đầu nổ súng đánh địch ở Bắc Tây Nguyên. Sau mấy ngày chiến đấu, cụm phòng thủ then chốt của địch ở bắc Kon Tum (Măng Đen, Măng But, Kon Plông) bị đập tan. Ngày 7-2-1954, thị xã Kon Tum và toàn tỉnh Kon Tum đã được giải phóng hoàn toàn. Ngày 18-2-1954, quân và dân Đắk Lắk đã tiêu diệt đồn Ma Tê, 25 quân ngụy đầu hàng, sau đó quân ta đột nhập vào thị xã Cheo Reo, phá phà Ainu, diệt hai xe của địch. Cuối tháng 3-1954, ta tiến công lên đường 14, tây Cheo Reo, diệt cứ điểm Hoành Chăm, đánh các cứ điểm Blek, buôn Jê, địa lôi chiến trường Hoành Chăm đi Cheo Reo.
Từ ngày 10 đến ngày 21-4-1954, phối hợp với Trung đoàn chủ lực 803, quân và dân ta lần lượt đánh địch ở Ta Khê, tập kích vào buôn Ma Bép, cứ điểm Ainu và phục kích địch ở buôn Kting, hệ thống phòng ngự của địch từ Cheo Reo xuống Bà Lá bị sụp đổ. Với những hoạt động phối hợp của quân và dân ta trên mặt trận Tây Nguyên, Phú Yên và Bình Định, địch phải đình chỉ cuộc hành quân Atlante, một bộ phận quan trọng của kế hoạch Nava bị thất bại thảm hại.
Bị tấn công dữ dội, quân Pháp ở căn cứ An Khê (Gia Lai) trên đường 19 ra đầu hàng. Ảnh tư liệu |
Giữa lúc quân và dân Bắc Tây Nguyên và các chiến trường cả nước đang giành được những thắng lợi thì ngày 7-5-1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng đã cổ vũ, động viên các phong trào đấu tranh ở Tây Nguyên dâng cao, tiếp thêm sức mạnh cho toàn dân, trong đó có quân và dân Đắk Lắk phát huy những thắng lợi, đẩy mạnh tấn công địch và hoạt động vùng sau lưng địch.
Ngày 1-6-1954, một tiểu đoàn quân ngụy (D504) cùng một đại đội pháo 105 và một trung đội xe bọc thép chia làm ba cánh tấn công xuống Tuy Bình. Hai đại đội độc lập 13 và 11 cùng phối hợp với hai tiểu đoàn chủ lực (D365 và 59) chặn đánh địch trên cả ba hướng: Buôn Thô, Ea Riêng và Tuy Bình, tuyến phòng ngự của địch dọc đường 26 bị đập tan, huyện lỵ M’Đrắk bị bao vây. Phía Cheo Reo, ngày 15-7, đại đội Độc Lập 21 và một bộ phận của Trung đoàn 96 tập kích vào thị xã Cheo Reo, cắt đứt đường 7, đồn Bà Lá bị cô lập buộc địch phải tiếp tế bằng đường không. Ngày 17-7, Trung đoàn 803 cắt đứt đường 26 tại khu vực M’Đrắk mở đường lên hướng Buôn Ma Thuột. Binh đoàn cơ động 40 (GM 40) trên đường rút và tăng cường cho Buôn Ma Thuột, đến đèo Chư Drêk trên đường 14 thì gặp Trung đoàn 108 của ta. Sau hơn hai giờ chiến đấu ác liệt, quân ta phá hủy 62 xe, giết chết tại trận 300 tên, bắt sống 200 tên khác, đường 14 bị cắt đứt.
Các đội công tác ở tây bắc Buôn Hồ dọc đường 14, Buôn Ma Thuột, Bản Đôn, Đắk Mil và Lắk tích cực hoạt động gấp rút chuẩn bị chiến trường cho các hoạt động sắp tới, từ đông đến tây Buôn Hồ, từ ngoại thị vào nội thị Buôn Ma Thuột, ở Bản Đôn, Đắk Mil và Lắk. Cơ sở ta mở rộng rất nhanh, phía bắc ta bắt liên lạc với Gia Lai, Kon Tum, phía tây nam với cơ sở Đông Miên Campuchia, phía đông nam với Lâm Viên và Đồng Nai Thượng.
Ngày 20-7-1954, khi Hiệp định Giơnevơ được ký kết cũng là lúc các đội công tác của ta đang hoạt động mở rộng cơ sở hầu khắp nơi trong tỉnh. Theo lệnh của Bộ Tổng tư lệnh của ta, ngày 1-8 là ngày ngừng bắn trên khắp các chiến trường trong cả nước, tranh thủ thời gian này, các tổ đội công tác của ta đẩy mạnh tuyên truyền, phát huy thắng lợi của kháng chiến và thắng lợi của Hiệp định Giơnevơ. Ở khu du kích M’Đrắk, Cheo Reo, các buôn, xã tổ chức mít tinh mừng thắng lợi, nhiều nơi tổ chức những đoàn người kéo đến phía đông M’Đrắk, Bà Lá đòi địch phải trả chồng con về với buôn làng.
Có thể khẳng định, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk và các tổ chức Đảng chiến khu VI, Liên khu ủy V, Đảng ủy Bộ Chỉ huy quân sự Nam Trung Bộ, nhân dân các dân tộc trong tỉnh đoàn kết kháng chiến, bảo vệ thành quả Cách mạng Tháng Tám, bảo vệ chính quyền, xây dựng đời sống mới và đóng góp to lớn cho cuộc kháng chiến chống Pháp của dân tộc.
Cẩm Trang
Ý kiến bạn đọc