Đất thiêng Vị Xuyên
Nằm ở lưng chừng núi Nậm Ngặt (xã Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang), Nhà tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ hy sinh tại Mặt trận Vị Xuyên được xây dựng trên điểm cao 468, nơi đã ghi dấu những trận đánh ác liệt trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc.
Cách thành phố Hà Giang hơn 20 km, chúng tôi men theo những con đường gấp khúc và quanh co bám vào vách núi dựng đứng để lên thăm điểm cao 468, thuộc thôn Nậm Ngặt, nơi tọa lạc của Nhà tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ hy sinh tại Mặt trận Vị Xuyên. Điểm cao 468 cũng chính là nơi diễn ra các trận đánh ác liệt trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc và nhiều cán bộ, chiến sĩ đã anh dũng hy sinh. Nếu Quảng Trị là bản tráng ca anh hùng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước thì Vị Xuyên, Thanh Thủy là bản hùng ca về cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc.
Ngược dòng thời gian, rạng sáng ngày 17-2-1979, Trung Quốc nổ tiếng súng đầu tiên mở màn cho cuộc chiến trên địa bàn 6 tỉnh (Cao Bằng, Lạng Sơn, Hoàng Liên Sơn, Hà Tuyên, Lai Châu, Quảng Ninh) và kéo dài suốt 10 năm sau đó ở biên giới Việt – Trung. Mặt trận Vị Xuyên, Hà Giang trở thành vùng chiến sự ác liệt nhất trong cuộc chiến chống xâm lấn biên giới. Với phương châm “một tấc không đi, một ly không rời” cùng lời thề sắt son “Sống bám đá chết hóa thành bất tử”, quân ta đã anh dũng chiến đấu và đổ biết bao xương máu để giành chiến thắng, bảo vệ từng tấc đất thiêng của Tổ quốc. Trong số đó có hàng nghìn chiến sỹ mãi mãi nằm lại nơi mảnh đất biên cương này.
Đoàn khách dâng hương tại Nhà tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ hy sinh tại Mặt trận Vị Xuyên. |
Từ Nhà tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ hy sinh tại Mặt trận Vị Xuyên, chúng tôi không khỏi xúc động, nghẹn ngào khi được nghe về những trận chiến khốc liệt tại điểm cao 468 và các điểm lân cận. Từ trên điểm cao 468 nhìn ra phía Tây sông Lô là các điểm cao 1509 (hay còn gọi là núi Đất) phân chia Trung Quốc và Việt Nam. Tiếp theo là đỉnh 772 (hay còn gọi là “đồi thịt băm”, “cối xay thịt”) ghi dấu trận đánh ngày 12-7-1984 khiến hơn 1.000 chiến sỹ của ta ngã xuống. Kế đến là cao điểm 685 (hay còn gọi là “lò vôi thế kỷ”), tại nơi này hằng ngày Trung Quốc bắn vào hàng nghìn quả đạn pháo, sức nung nóng lên đến hơn 1000 độ C khiến người hay cỏ cây đều không thể sống sót…
Do tính chất ác liệt của cuộc chiến và địa hình núi cao, thung sâu, đạn pháo cày xới, địa hình, địa vật thay đổi, vì thế trên tuyến biên giới huyện Vị Xuyên ước tính còn hàng nghìn liệt sỹ chưa được tìm thấy để cất bốc, quy tập đưa các anh trở về với đất mẹ quê hương. Theo thống kê của Ban Liên lạc cựu chiến binh Mặt trận Vị Xuyên, từ năm 1984 đến 1989, có hơn 4.000 bộ đội Việt Nam hy sinh, hàng nghìn người bị thương, hơn 2.000 liệt sỹ chưa tìm thấy hài cốt.
Ông Tạ Viết Trường, người ngày đêm trông coi, nhang khói tại Nhà tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ hy sinh tại Mặt trận Vị Xuyên chia sẻ, hiện nay các đội truy tìm hài cốt liệt sỹ với hàng trăm người vẫn rà, phá bom mìn mỗi ngày để truy tìm hài cốt liệt sỹ còn thất lạc xung quanh điểm cao 468. Tuy nhiên công tác tìm kiếm vô cùng khó khăn vì địa hình hiểm trở và đã thay đổi nhiều so với trước kia.
Đường lên Nhà tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ hy sinh tại Mặt trận Vị Xuyên trên điểm cao 468. |
Để các đồng đội đã khuất có nơi “đi về” và an ủi gia đình có con em hy sinh quanh khu vực này, ngày 11-9-2013, Ban Liên lạc Cựu chiến binh Sư đoàn 356 đã tổ chức họp mặt tại thành phố Yên Bái và quyết định xây Đài hương tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ chưa tìm thấy hài cốt. Công trình do Ban liên lạc Hội bạn chiến đấu Mặt trận Vị Xuyên xây dựng với diện tích hơn 1.100m2, trong đó có một nhà tưởng niệm, đường dẫn lên nhà bia “Quyết tử vì Tổ quốc quyết sinh”, nhà sắp lễ... và các công trình phụ trợ.
Được khởi công từ tháng 7-2015, ngôi nhà chung cho các Anh hùng liệt sỹ được khánh thành ngày 25-6-2016 trong sự xúc động của các cựu chiến binh, nhân dân và chính quyền địa phương. Nhà tưởng niệm đã trở thành địa chỉ lịch sử - văn hóa, góp phần tưởng nhớ, tri ân các Anh hùng liệt sỹ hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc; đồng thời giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.
Đứng trên đài hương nhìn xuống, thung lũng Nậm Ngặt xanh ngát màu xanh của cây cối, lác đác những nếp nhà sàn êm ấm, yên bình. Dưới chân núi, dòng suối Thanh Thủy lững lờ trôi. Cuộc sống thanh bình, hạnh phúc đã phủ lên mảnh đất thiêng liêng từng ghi dấu một thời bom đạn, đau thương này.
Khả Lê
Ý kiến bạn đọc