Đồng chí Nguyễn Hữu Thọ với cách mạng Việt Nam (Bài 3)
Bài 3: Xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và những cống hiến của đồng chí Nguyễn Hữu Thọ
Đóng góp trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa
Trên cương vị Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Việt Nam (1981 - 1987) đồng thời trên cương vị là Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (1989 - 1994) cho tới những năm cuối đời, đồng chí Nguyễn Hữu Thọ đã có những đóng góp to lớn vào việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Là Chủ tịch Quốc hội, điều đồng chí Nguyễn Hữu Thọ lo lắng trước tiên là làm sao cho nhân dân “được ăn no, mặc ấm, được học hành” như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn. Đồng chí đã nhận thấy rõ một thực tế là nhân dân ta vừa ra khỏi cuộc chiến tranh lâu dài và gian khổ, lại vừa buộc phải đương đầu với hai cuộc chiến tranh ở biên giới của Tổ quốc và vẫn đang đứng trước những nguy cơ, thách thức mới; trong khi tất cả các lĩnh vực sản xuất công nghiệp, nông nghiệp đều giảm sút, lạm phát gia tăng, đời sống của nhân dân gặp nhiều khó khăn. Trực tiếp đi thực tế khảo sát ở cơ sở và nhận thấy rằng cung cách điều hành, quản lý trì trệ, cơ chế làm việc quan liêu, bảo thủ kéo dài, chậm được cải tiến, đổi mới cũng là một trong những nguyên nhân gây nên khó khăn về kinh tế - xã hội của đất nước cũng như ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân, đồng chí Nguyễn Hữu Thọ đã có những quan điểm, những đề xuất quan trọng về quản lý kinh tế - xã hội, quản lý đất nước bằng pháp luật.
Quyền Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam Nguyễn Hữu Thọ ký Lệnh công bố Hiến pháp mới tháng 12-1980. Ảnh tư liệu |
Trên cương vị Chủ tịch Quốc hội, đồng chí Nguyễn Hữu Thọ đặc biệt quan tâm đến vấn đề đổi mới hoạt động của Quốc hội. Đồng chí dành nhiều thời gian, công sức vào việc chỉ đạo hoạt động của các ủy ban của Quốc hội, đặc biệt là Ủy ban Pháp luật. Đồng chí cho rằng Ủy ban Pháp luật phải được kiện toàn một cách nhanh chóng, phải thêm một số tiểu ban để soạn thảo các bộ luật cần thiết chưa có hoặc không còn phù hợp; việc quản lý điều hành các lĩnh vực đời sống xã hội bằng các luật là phương thức bảo đảm dân chủ cao nhất.
Đồng chí Nguyễn Hữu Thọ rất quan tâm đến vấn đề dân chủ, thực hiện dân chủ và xây dựng pháp luật. Ngay từ những năm 1980 - 1981, đồng chí đã đề cập đến vấn đề soạn thảo và ban hành Bộ luật Dân sự vì đây là bộ luật lớn, quan trọng nhất sau Hiến pháp. Với Bộ luật Dân sự, những quy định dân chủ về quyền lợi và nghĩa vụ của công dân sẽ được thể chế hóa theo cơ chế dân chủ xã hội chủ nghĩa. Đồng chí Nguyễn Hữu Thọ bàn nhiều đến việc xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa. Đồng chí cho rằng hệ thống pháp luật, các bộ luật cũng như nền dân chủ của một quốc gia phải được xây dựng, phải qua thực tiễn kiểm nghiệm, sàng lọc và bổ sung dần tới chỗ hoàn chỉnh; nền dân chủ của một đất nước phải gắn với thể chế chính trị, gắn với quyền lợi đất nước, đặc điểm riêng của dân tộc đó.
Lý luận về vai trò, nhiệm vụ lãnh đạo của Đảng cũng luôn được đồng chí Nguyễn Hữu Thọ phân tích, làm rõ trong các bài viết của mình. Đồng chí khẳng định Đảng thực hiện vai trò lãnh đạo Nhà nước cũng phải nằm trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật. Quan điểm lý luận về Đảng lãnh đạo mà đồng chí Nguyễn Hữu Thọ phân tích vừa khẳng định tính dân chủ, khoa học trong khoa học lãnh đạo, đồng thời thể hiện tính Đảng, tính giai cấp đúng đắn.
Là người có tri thức về luật học, đồng chí Nguyễn Hữu Thọ rất chú trọng tới những vấn đề thực hiện quyền dân chủ của nhân dân thông qua Quốc hội và HĐND các cấp. Trên cương vị Chủ tịch Quốc hội, đồng chí đã nhìn thấy những yếu kém trong hoạt động của bộ máy Nhà nước để từ đó đưa ra những vấn đề có tính chỉ đạo để HĐND các cấp, từ cấp tỉnh đến cấp xã phải tập trung giải quyết, thực hiện nhằm xây dựng HĐND thực sự là cơ quan quyền lực của nhân dân ở cấp cơ sở, thực sự là công cụ làm chủ của nhân dân lao động.
Phấn khởi, tin tưởng vào đường lối đổi mới của Đại hội VI của Đảng, đồng chí Nguyễn Hữu Thọ càng trăn trở với việc đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội. Trong thời gian chuẩn bị cho việc bầu cử Quốc hội khóa VIII, đồng chí đã tập trung phân tích những mặt yếu kém, tồn tại của Quốc hội khóa VII và đưa ra một số phương hướng khắc phục. Để Quốc hội thực sự đảm đương vai trò là cơ quan quyền lực cao nhất, đồng chí đã làm rõ quan niệm đúng đắn về Đảng lãnh đạo Quốc hội và Nhà nước như thế nào, Quốc hội khác Mặt trận như thế nào... Ngay cả những hoạt động của các đại biểu Quốc hội, nội dung và phương thức điều hành của một kỳ họp Quốc hội cũng được đồng chí quan tâm.
Những cống hiến của đồng chí Nguyễn Hữu Thọ đối với lĩnh vực xây dựng Hiến pháp, pháp luật, xây dựng Nhà nước của dân, do dân, vì dân không chỉ có giá trị về mặt lý luận, mà còn có ý nghĩa thực tiễn sâu sắc và mang tính thời sự trong bối cảnh tình hình hiện nay.
Xây dựng Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc
Ngay từ những năm tháng đầu tiên tham gia cách mạng, đồng chí Nguyễn Hữu Thọ là hiện thân tiêu biểu cho sự đoàn kết các tầng lớp nhân dân. Tên tuổi đồng chí gắn liền với giới trí thức, sinh viên, học sinh Nam Bộ, với những cuộc vận động lạc quyên cứu đói giúp đồng bào, là biểu tượng cho tình tương thân, tương ái. Tên tuổi của đồng chí đặc biệt gắn liền với hoạt động của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Khi cả nước thống nhất bước vào thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, những cống hiến của đồng chí Nguyễn Hữu Thọ đối với công tác xây dựng, củng cố Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là vô cùng to lớn.
Trước tiên là việc tổ chức Đại hội Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam (diễn ra từ ngày 31-1 đến ngày 4-2-1977 tại TP. Hồ Chí Minh), với sự tham gia của tổ chức Mặt trận trên cả hai miền Nam – Bắc: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam. Là một trong những người chủ trì Đại hội, đồng chí Nguyễn Hữu Thọ đã kêu gọi các giới trí thức, tôn giáo, đồng bào các dân tộc bày tỏ ý chí kiên định, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Sau 5 ngày làm việc khẩn trương, Đại hội Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam đã đi đến thống nhất các tổ chức mặt trận toàn quốc được hợp thành một mặt trận chung và lấy tên là Mặt trận Tổ quốc. Đồng chí Nguyễn Hữu Thọ được đề nghị tham gia trong Ủy ban Trung ương Mặt trận và đồng chí đã dành nhiều thời gian tham gia công tác Mặt trận.
Sau Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ II, chương trình hành động đề ra những biện pháp công tác mới để thúc đẩy công tác Mặt trận đã được ban hành nhưng mức độ chuyển biến vẫn chưa đáp ứng yêu cầu và nhiệm vụ cách mạng và vai trò của Mặt trận. Để chuẩn bị cho Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ III – Đại hội đổi mới tổ chức và công tác Mặt trận, nhiều đợt sinh hoạt chính trị trong các tổ chức thành viên, các cấp Mặt trận được tổ chức, nhiều vấn đề quan trọng về tổ chức, hoạt động và công tác Mặt trận đã được các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam bàn thảo. Đồng chí Nguyễn Hữu Thọ đã trực tiếp tham dự và chỉ đạo những hội nghị quan trọng bàn về đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong thời kỳ mới. Quán triệt những quan điểm Đại hội VI của Đảng, Đại hội III Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xác định, Mặt trận Tổ quốc không chỉ đơn thuần là tổ chức quần chúng, mà là một thành viên quan trọng của hệ thống chính trị của Nhà nước Việt Nam. Tại Đại hội này, đồng chí được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (khóa III).
Đồng chí Nguyễn Hữu Thọ cho rằng Mặt trận phải trở thành nơi tập trung trí tuệ, sáng tạo của mọi tầng lớp nhân dân, là trung tâm đoàn kết của tất cả mọi người Việt Nam yêu nước, không phân chia thành phần giai cấp, tôn giáo, tín ngưỡng, không phân biệt người sống ở trong nước hay đang sống ở nước ngoài.
Tại Đại hội VI Mặt trận Tổ quốc, đồng chí được bầu làm Chủ tịch danh dự của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Khi nói về công lao, cống hiến của đồng chí Nguyễn Hữu Thọ với sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc, đồng chí Lê Quang Đạo, Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khóa IV đã khẳng định: “Phải thừa nhận rằng Mặt trận Tổ quốc Việt Nam từ sau Đại hội lần thứ III có bước tiến mới, đã xác lập được rõ hơn vị thế của mình trong hệ thống chính trị và đã đem lại nhiều kinh nghiệm mới cho công tác Mặt trận”, “Luật sư đã nêu một tấm gương sáng bất diệt của một nhà trí thức Việt Nam yêu nước, một nhà lãnh đạo Mặt trận tiêu biểu cho khối đại đoàn kết dân tộc”.
Ghi nhận công lao, cống hiến của đồng chí Nguyễn Hữu Thọ, tại lễ kỷ niệm 65 năm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất (17-11-1995), Tổng Bí thư Đỗ Mười đã khẳng định: “Luật sư Nguyễn Hữu Thọ… nhà trí thức tiêu biểu, nhà hoạt động chính trị nổi tiếng, người chiến sĩ từng trải thử thách trên mặt trận đấu tranh chống xâm lược vì độc lập dân tộc, vì công lý và công bằng xã hội, đã có những đóng góp quý báu vào sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc trong mấy thập kỷ qua”.
Theo Ban Tuyên giáo Trung ương
Ý kiến bạn đọc