Khúc tráng ca đá núi
Đi trên con đường độc đạo cheo leo sườn núi vượt đèo Mã Pì Lèng (tỉnh Hà Giang), giữa một bên là vách đá cao vút xám xịt, một bên là vực thẳm hun hút như chạm đáy dòng sông Nho Quế xanh ngắt, cảm thấy mình quá bé nhỏ trước thiên nhiên hùng vĩ, trước sự cống hiến, hy sinh của những người đã xuyên đá làm nên con đường này.
Bảo tàng thanh niên xung phong (TNXP) làm đường Hạnh Phúc trên cao nguyên đá Đồng Văn trưng bày nhiều thông tin, hình ảnh, hiện vật về quá trình làm con đường này hơn 60 năm trước. Đó là bức trường thành đá xám xịt, nhọn hoắt lạnh lùng ngăn cách thông thương, là con đường mòn như sợi chỉ vắt ngược non cao, là công trường tấp nập rừng người rừng đá, là những dụng cụ thô sơ như cuốc, xẻng, xà beng, búa, choòng dùng để mở đường…
Nhưng nổi bật hơn cả, đọng lại lâu hơn cả là hình ảnh những TNXP, những người đã trực tiếp bám đá suốt 6 năm trời ròng rã, làm nên con đường Hạnh Phúc huyền thoại, đem lại cuộc sống mới cho đồng bào vùng cực Bắc của Tổ quốc. Hầu hết họ đều còn rất trẻ, nhiều người ở các tỉnh đồng bằng đang ngồi trên ghế nhà trường nhưng vẫn hăng hái đăng ký tham gia TNXP mở đường vùng cao với tâm nguyện vừa muốn biết đất nước mình dài rộng đến đâu, vừa muốn cống hiến sức trẻ cho Tổ quốc nên dù khó khăn đến mấy cũng không nản lòng.
Tượng đài ghi công thanh niên xung phong mở đường trên đỉnh Mã Pì Lèng. |
Trong suốt 6 năm (1959 - 1965), chỉ với dụng cụ lao động thô sơ, hơn 1.000 TNXP đến từ các tỉnh Việt Bắc và đồng bằng cùng dân công đã thực hiện trên 2,2 triệu ngày công, bạt núi san đá, đào đắp gần 3 triệu mét khối đất đá để làm nên con đường ô tô với chiều dài 185 km, băng qua hàng nghìn đồi cao dốc đứng, vực thẳm hang sâu, nối từ Hà Giang lên 4 huyện vùng cao phía Bắc. Khó có thể nói hết những khó khăn, gian lao, nguy hiểm mà những người mở đường phải đối mặt, trong hoàn cảnh thiếu thốn đủ bề, trong điều kiện địa hình hiểm trở, khí hậu khắc nghiệt.
Khó khăn, gian lao nhất là khi làm khoảng 20 km đường cuối cùng, vượt đèo Mã Pì Lèng, nơi có địa hình hiểm trở và địa chất phức tạp nhất trong toàn tuyến. Khi Ban chỉ huy công trường quyết định thành lập đội thanh niên cảm tử để mở đoạn đường qua những vách đá trên đỉnh đèo Mã Pì Lèng, dù biết hiểm nguy khó lường vẫn có hơn 100 người tình nguyện đăng ký. 20 người được chọn đều bảo đảm tiêu chuẩn về sức khỏe, ý chí can trường và giàu kinh nghiệm mở đường, có nhiệm vụ khai thông đường công vụ xuyên đèo làm cơ sở cho lực lượng chủ lực mở đường. Với hàng tấn dây thừng được giăng như mạng nhện trên vách núi, hằng ngày những chiến sĩ cảm tử này treo mình vào đó suốt 8 tiếng đồng hồ, dùng choòng và búa cậy từng viên đá, đục từng lỗ để gài mìn phá đá. Công việc đầy hiểm nguy, bất trắc đến độ chỉ huy công trường đã phải chuẩn bị sẵn những thứ phòng khi hữu sự, tổ chức tuyên thệ và làm lễ truy điệu cho các thành viên đội cảm tử trước khi ra công trường. Cứ như vậy, ròng rã 11 tháng đu dây bám vách núi, họ cần mẫn mở từng xăng-ti-mét đường, góp phần khai thông đoạn cuối cùng trong tuyến đường xuyên núi.
Xuyên suốt quãng đường 185 km vượt núi băng đèo là khúc tráng ca đá núi thấm đẫm mồ hôi, công sức, cả máu và nước mắt của hàng nghìn TNXP. |
Không chỉ gian nguy vất vả trên công trường, TNXP còn phải vượt qua nhiều khó khăn, thiếu thốn trong sinh hoạt, khẩu phần ăn kham khổ, nước uống khan hiếm. Đã vậy, họ còn phải chống chọi với bệnh sốt rét hoành hành khi muỗi, vắt rừng dày đặc chực chờ hút máu bất kể lúc nào. Suốt quá trình mở đường và cả thời gian sau đó, không biết bao nhiêu TNXP đã bị sốt rét rừng, sốt rét ác tính quật ngã.
Một đoạn đường hiểm trở nhìn từ Tượng đài TNXP trên đỉnh Mã Pì Lèng. |
Con đường Hà Giang - Đồng Văn - Mèo Vạc hoàn thành là một chiến công hiển hách, một biểu tượng đẹp của lực lượng TNXP. Đá lở, vực thẳm, sốt rét ác tính… đã cuốn đi những năm tháng thanh xuân, níu bước 14 người vĩnh viễn nằm lại giữa trập trùng đá xám. Có những hy sinh khó nói hết bằng lời, nhưng mọi sự hy sinh cho Tổ quốc đều được tưởng vọng xứng đáng. 14 TNXP ngã xuống trong quá trình làm đường đã được Nhà nước truy tặng Bằng Tổ quốc ghi công, được công nhận liệt sỹ. Tượng đài ghi công TNXP mở đường trên đỉnh đèo khắc họa những gương mặt kiên nghị, rạng ngời niềm tin như nắng mai sáng bừng vùng đá xám, như cuộc sống mới đã về với cao nguyên đá hôm nay.
Ý kiến bạn đọc