Tháng Tám mùa thu - lại nhớ Tân Trào
Tân Trào là một xã thuộc huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang. Tân Trào xưa kia có tên là Kim Long, khi cao trào kháng Nhật cuộn dâng khí thế mới đổi là Tân Trào.
Tháng 5-1945, Bác Hồ rời Pác Pó (Cao Bằng) về đây để chỉ đạo cách mạng Việt Nam đang trên đà phát triển, chuẩn bị cho bước nhảy vọt. Các bậc tiền bối cách mạng thực hiện đúng ý của Bác khi chọn địa điểm: “Thuận đường tiến, tiện đường thoái”. Tân Trào có sông Phó Đáy án ngữ, có núi Hồng che chở, có đường liên lạc thuận lợi sang Thái Nguyên, xuống Phú Thọ về xuôi… Đặc biệt là thế trận lòng dân, Tân Trào nằm trong vùng cơ sở cách mạng phát triển sớm, thuận lợi cho một trung tâm lãnh đạo tổng khởi nghĩa.
Lán Nà Lừa từ chân đèo De đi lên chỉ vài trăm mét, dưới tán rừng tre thân nhỏ, không có gai. Lán nhỏ khoảng hơn mười mét vuông, liếp tre ngăn đôi, một nửa là nơi Bác nghỉ ngơi, một nửa dùng để làm việc và tiếp khách. Chợt liên hệ tới lều cỏ ven hồ Ra-dơ-líp của Lênin khi Người chỉ đạo Cách mạng Tháng Mười Nga, có cái gì đó rất tương đồng. Tương đồng của sự gian nan thời kỳ trứng nước của cách mạng. Tương đồng của sự bền bỉ, sự giản dị để dẫn đến sự tương đồng vĩ đại: lãnh đạo cách mạng thành công, đều “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
Hai ống bương to, dài hơn nửa mét có quai đeo vào vai. Đã bao lần Bác tự xuống suối lấy nước vừa rèn luyện thể lực vừa rèn luyện tinh thần, việc nhỏ mà nhân cách lớn. Bà Lương Thị Khanh ở xã Tân Trào được đón Bác về nhà, trước khi Bác chuyển lên lán Nà Lừa, thấy Bác bận nhiều việc, không phút nghỉ ngơi nên muốn đỡ việc giặt giũ cho Bác. “Nhưng ông cụ từ chối, vì Cụ không muốn làm phiền nhân dân. Hôm sau, tôi lại nói, lần này Cụ không nỡ từ chối. Tôi đem áo của Cụ đi giặt, phơi khô, rồi khâu vá lại những chỗ bị rách và đứt chỉ”, bà Khanh hồi tưởng lại. Cũng ở lán Nà Lừa, lúc lâm bệnh tưởng không qua khỏi, Bác đã “giối giăng” lại cho đồng chí Võ Nguyên Giáp: “Lúc này thời cơ thuận lợi đã tới, dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”. May mắn làm sao có cụ lang người Tày xem mạch cho Bác rồi lặn lội lên đỉnh núi Hồng lấy một thứ củ về đốt cháy, hòa vào cháo loãng để Bác ăn, vài lần thì khỏi bệnh. Đến tận bây giờ cũng chưa ai biết tên tuổi cụ lang ấy. Nhân dân vĩ đại biết nhường nào, công cứu lãnh tụ cũng là cứu dân tộc mà không cần ai biết đến mình. Đấy là đêm trước của cách mạng, còn mệt mỏi nhưng Bác đã chỉ đạo Hội nghị toàn quốc của Đảng ngày 14 và 15-8-1945, thành lập Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc và lập Bộ Tư lệnh Giải phóng quân Việt Nam ngày 15-8-1945, tổ chức Quốc dân đại hội ngày 16-8-1945. Lán Nà Lừa là trái tim, khối óc của cách mạng trong những ngày sôi động ấy.
Di tích lịch sử Đình Tân Trào. Ảnh: Duy Tiến |
Đình Tân Trào vẫn mái lá như xưa, vẫn gian thờ ở giữa và hai bên là sàn cao rộng đủ chỗ ngồi cho đại biểu dự Quốc dân đại hội. Thắp hương lên bàn thờ và cả phiến đá thiêng trước cửa đình, nhìn khói hương lan tỏa mà rưng rưng suy cảm. Mái đình nào cũng đọng tâm linh người dân Việt nhưng đình Tân Trào lại chứng kiến sự kiện có một không hai: Thảo luận Tổng khởi nghĩa giành chính quyền và bầu ra Ủy ban Giải phóng dân tộc. Bác được bầu làm Chủ tịch, thay mặt Ủy ban Giải phóng dân tộc đã tuyên thệ: “Trước lá cờ thiêng liêng của Tổ quốc, chúng tôi nguyện kiên quyết lãnh đạo nhân dân tiến lên, ra sức chiến đấu chống quân thù, giành lại độc lập cho Tổ quốc. Dù phải hy sinh đến giọt máu cuối cùng, quyết không lùi bước. Xin thề!”.
Quốc dân đại hội chính thức chỉ diễn ra trong một ngày rưỡi: chiều ngày 16 và 17-8 (ấy là chưa kể còn dành thời gian dự lễ xuất phát của Giải phóng quân), thế mà hoàn thành bao nhiêu việc trọng đại, khẩn trương biết nhường nào. Ngoài việc quan trọng nhất là quyết định Tổng khởi nghĩa và bầu Ủy ban Giải phóng dân tộc còn nghe báo cáo về phong trào công nhân (Hoàng Quốc Việt trình bày), tình hình nông hội (Trần Đức Thịnh trình bày) và một điều đáng chú ý trong hoàn cảnh thời gian ngặt nghèo, dầu sôi lửa bỏng mà còn nghe báo cáo về văn hóa cứu quốc của Nguyễn Đình Thi.
Cụ Nguyễn Lương Bằng đã kể lại trong cuốn Hồi ký Bác Hồ: “Đoàn đại biểu nhân dân Tân Trào đem gạo, đem gà đến mừng đại hội, một ông già người Tày dắt một con bò đến tặng. Đồng bào ta bị chiến tranh bòn nát đến xương tủy, ai nấy đều tiều tụy, rách rưới. Đáng thương nhất là các em bé thiểu số gầy gò, vàng vọt. Chúng ở truồng tồng ngồng, theo người lớn đến chào Quốc dân đại hội. Bác đến gần các cháu, chỉ vào chúng và nói với các đại biểu: - Nhiệm vụ của chúng ta là phải làm sao cho các em bé có cơm no, có áo ấm, được đi học, không lam lũ mãi thế này”. Thật cảm động, thật ân tình. Làm cách mạng là vì dân. Gắn bó với dân, gần gũi với dân nên cách mạng thắng lợi.
Ngày 16-8-1945 là lễ xuất quân của Quân giải phóng Việt Nam tại gốc đa Tân Trào có hàng trăm đại biểu dự Quốc dân đại hội và nhân dân Tân Trào chứng kiến, đổ về xuôi làm nên Khởi nghĩa Tháng Tám thắng lợi trên cả nước. Tại lễ xuất quân đã đọc Bản Quân lệnh số 1 của Ủy ban Khởi nghĩa, ấy là lời hịch non sông, bừng bừng khí thế, trong đó có những câu:
“Hỡi quân dân toàn quốc!...
Giờ tổng khởi nghĩa đã đến!
Cơ hội có một cho quân dân Việt Nam vùng dậy giành lấy quyền độc lập của nước nhà!...
Chúng ta phải hành động cho nhanh, với một tinh thần vô cùng quả cảm, vô cùng thận trọng!
Tổ quốc đang đòi hỏi những hy sinh lớn lao của các bạn!
Cuộc thắng lợi hoàn toàn nhất định sẽ về ta!”
Đoàn quân tiến về xuôi, ngày 19-8 khởi nghĩa ở thủ đô Hà Nội. Ngày 23-8 ở Huế, Đắk Lắk; ngày 25-8 ở Sài Gòn. Chỉ một tuần lễ, khởi nghĩa thành công trên cả nước để có ngày 2-9-1945 Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập tại vườn hoa Ba Đình, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, chấm dứt ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm, xóa bỏ chế độ phong kiến hàng nghìn năm để xây dựng nước Việt Nam mới.
Tân Trào có tới 185 điểm di tích lịch sử. Rời Tân Trào lại nhớ câu: “Núi không phải tại cao, nổi tiếng là bởi có tiên. Sông không phải tại sâu, linh thiêng là bởi có rồng”. Núi Hồng, sông Phó Đáy có tiên rồng đến ở làm nên Tân Trào đất thiêng, thủ đô cách mạng.
Hữu Chỉnh
Ý kiến bạn đọc