Sắt son niềm tin với Đảng
Được vinh dự đứng trong hàng ngũ của Đảng từ rất sớm, trải qua bao năm tháng gian khổ, từng có mặt trong những giờ phút trọng đại của lịch sử đất nước, những bậc lão thành cách mạng năm xưa luôn mang trong mình một niềm tin mãnh liệt vào con đường mà Đảng và Bác Hồ đã chọn; và niềm tin ấy mãi là hành trang vô giá, trở thành động lực to lớn để họ cống hiến hết mình phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.
Đồng chí Lê Chí Quyết, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy:
Giữ vững khí tiết của người đảng viên cộng sản
Năm nay tôi đã 94 tuổi đời, 72 tuổi Đảng. Vinh dự được kết nạp Đảng ngay sau một trận đánh tại mặt trận An Khê năm 21 tuổi, 10 năm sau tôi đã là Tỉnh ủy viên; đến tháng 11-1964 là Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; đến tháng 5-1969 là Phó Bí thư Tỉnh ủy và cả giai đoạn sau giải phóng, thống nhất đất nước giữ cương vị Phó Bí thư Tỉnh ủy mấy nhiệm kỳ nữa cho đến tháng 10-1992 nghỉ hưu.
Còn nhớ những năm tháng “ở rừng”, tuy đói cơm, lạt muối, luôn phải đối mặt với hiểm nguy, mất mát, hy sinh, nhưng tất cả đều cùng chung chí hướng quyết tâm đánh thắng giặc. Tình đồng đội, đồng chí được gắn kết không chỉ trong bom đạn mà cả trong cuộc sống, sinh hoạt hằng ngày, không có ranh giới giữa cấp trên với cấp dưới.
Trong những giai đoạn chống Pháp, chống Mỹ, công tác phát triển Đảng có cái khó, nhưng cũng có điều thuận lợi. Khó khăn là bởi nguồn phát triển đảng viên rất ít. Tuy nhiên, mặt thuận lợi cơ bản, lớn nhất đó là được rèn luyện, thử thách trong thực tế đấu tranh. Qua một trận đánh, đồng chí nào kiên cường, đồng chí nào dũng cảm, đồng chí nào thà hy sinh chứ không khuất phục sẽ thấy được ý chí, bản lĩnh của người ấy. Thứ hai nữa là trong điều kiện khó khăn, thiếu ăn, thiếu mặc mà người cán bộ, chiến sĩ chịu đựng được gian khổ, không hoang mang, không dao động, chịu đựng được… trải qua thử thách đó cũng thấy được khí tiết của một con người. Đấy cũng chính là cơ sở để theo dõi, kèm cặp, đào tạo, đề bạt cán bộ thời kỳ ấy. Đặc biệt, khí tiết của một người chiến sĩ cách mạng, của một người đảng viên cộng sản luôn luôn được nhấn mạnh. Tôi nhớ mãi câu thơ của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Hồng Ưng (Bí thư Tỉnh ủy từ Đại hội I) khi giáo dục về khí tiết đã đọc: “Trong đoàn quân rợp bóng tiến dưới cờ/ Ai quay lại, ôi nhớp nhơ, tủi nhục/ Tiến lên anh, đừng bao giờ khuất phục!”. Chỉ ba câu thơ đó mà tôi nhớ suốt đời. Sau này, trong những dịp tuyên truyền, giáo dục lý tưởng cách mạng, tôi vẫn nhắc lại mấy câu thơ này.
Bên cạnh việc phát triển đảng viên từ các đồng chí đang công tác tại chỗ, thì một số lượng lớn nam, nữ thanh niên được huy động từ các tỉnh đồng bằng chi viện cho Tây Nguyên cũng là một nguồn phát triển đảng viên lúc bấy giờ. Dần dần khi đã có “nguồn” lớn rồi thì Trường Đảng được xây dựng (bây giờ gọi là Trường Chính trị), từ cái khung đó rồi tổ chức học tập, đào tạo, khi ấy mới bắt đầu đưa các anh em là đối tượng Đảng đi học cảm tình Đảng.
Những ngày đầu sau giải phóng, dù công việc bộn bề nhưng ai nấy đều phấn khởi bởi đã giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Tất cả đều hăng hái, bắt tay vào việc hàn gắn vết thương chiến tranh, phát triển kinh tế, xây dựng đời sống. Tuy nhiên, thời gian đầu, đường sá bị chia cắt hết nên lương thực, vật tư từ Sài Gòn, Nha Trang không lên được. Vấn đề đặt ra trước mắt là làm sao giải quyết lương thực, đảm bảo nhu cầu thiết yếu cho sinh hoạt của nhân dân. Tỉnh ủy lúc bấy giờ đã giải quyết tình thế cấp bách theo các hướng: Một là “kêu cứu” Trung ương và Khu ủy Khu V xin viện trợ lương thực, thực phẩm. Thứ hai là xin phép cấp trên cho UBND tỉnh khui các kho lương thực, thực phẩm của địch để lại mà mình đã niêm phong để giải quyết. Thứ ba là trưng mua các kho lương thực, thực phẩm của các nhà kinh doanh, buôn bán, xin được mua chịu, có biên bản, có hội đồng đàng hoàng để giải quyết cho nhân dân rồi sau này Tỉnh ủy, UBND tính toán và hoàn trả lại số tiền ấy...
Bên cạnh việc ổn định đời sống, tập trung sản xuất, phát triển kinh tế thì một nhiệm vụ cũng rất quan trọng đó là ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Khi ấy bọn phản động ngụy quân, ngụy quyền, bọn ác ôn ngoan cố không chịu cải tạo và cả Fulrô vẫn còn lẩn trốn, đang rục rịch ngóc đầu hoạt động, chống phá cách mạng trở lại. Trước tình hình đó, Thường vụ Tỉnh ủy đã trực tiếp chỉ đạo, thành lập Ban Chỉ đạo 03, 04 để tập trung giải quyết vấn đề bọn phản động, Fulrô, kiên quyết trừng trị, trấn áp thẳng tay, không để hoành hành. Khi ấy đồng chí Huỳnh Văn Cần đang là Bí thư Tỉnh ủy và tôi là Phó Bí thư Tỉnh ủy liên tục đi rừng, lội suối, bám sát cơ sở để chỉ đạo các địa phương giải quyết Fulrô, phản động. Có những đợt đi cả tuần lễ, hoặc gần nửa tháng ròng; công việc giao cho Văn phòng tổng hợp, nếu thuộc thẩm quyền của Bí thư và Phó Bí thư thì sẽ đợi đến lúc về giải quyết. Suốt 240 km đường biên giới, tôi và đồng chí Huỳnh Văn Cần cứ lặn lội như thế, ngủ tại các đồn biên phòng, đốc thúc anh em củng cố, lập hàng rào hàng trăm cây số, cắm thêm các đồn biên phòng, xây dựng một con đường cơ động xe ô tô đi được để vận chuyển lương thực, vũ khí tiếp tế cho các đồn biên phòng mà nếu như khi cần đánh thì có đường xe vận chuyển. Tháng 10-1992 tôi nghỉ hưu thì cũng trong tháng 10 năm đó Fulrô đầu hàng, giao nộp vũ khí cho đại diện Liên hiệp quốc…
Đến nay, trải qua nhiều kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh, chứng kiến sự đổi thay tích cực, tôi rất vui mừng, phấn khởi và tin tưởng vào những quyết sách đúng đắn cùng sự quyết tâm, đồng lòng của toàn Đảng bộ, quân và dân các dân tộc trong tỉnh sẽ đưa Đắk Lắk phát triển bền vững. Riêng đối với công tác xây dựng Đảng trong tình hình hiện nay, theo tôi, chúng ta phải đẩy mạnh công tác chính trị tư tưởng và đấu tranh xây dựng chi bộ, tự phê bình, phải giữ vững khí tiết, phẩm chất đạo đức cách mạng của người đảng viên; đẩy mạnh công tác kiểm tra và phải xử lý nghiêm minh trường hợp sai phạm. Cán bộ là khâu then chốt của các tổ chức Đảng, do đó đánh giá, bổ nhiệm và đề bạt cán bộ phải là người vừa có đức, vừa có tài...
Đồng chí Ama H’Oanh (Tô Tấn Tài), nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy:
Phải trọng dân, gần dân, vì dân phục vụ
Cuối năm 1959 tôi được phân công vào xây dựng cơ sở vùng H10 (huyện Lắk) để nối thông vùng cơ sở với đông bắc Lâm Đồng và tây Ninh Thuận, khai thông hành lang Nam - Bắc, Đông Trường Sơn. Các ban Đảng hồi đó đóng trong rừng, toàn bộ bộ phận làm công tác đều dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Ban cán sự - sau khi tổ chức Đại hội Đảng thì mới gọi là Ban Chấp hành. Mọi công tác hồi đó, anh em được Đảng phân công đều hăng hái làm, không do dự, phân vân gì cả. Đặc biệt, cán bộ, chiến sĩ đều được quán triệt phải gắn bó với quần chúng, với nhân dân, nhất là ở vùng Tây Nguyên là phải biết làm công tác dân tộc. Chính vì vậy, khi được phân công về vùng nào là phải tổ chức dạy tiếng của đồng bào ở vùng đấy. Như ở trung tâm của Đắk Lắk thì học tiếng Êđê, ở Lắk thì học tiếng M’nông, lên phía Quảng Đức cũng học tiếng M’nông, nhưng là nhánh M’nông khác. Tới đâu anh em cũng đều động viên nhau thi đua học tập tiếng của đồng bào, bởi nói được tiếng thì sẽ hiểu được dân, dân họ cũng mến, dễ giao tiếp. Và chúng tôi cũng coi học tiếng của đồng bào là một tiêu chí để rèn luyện, cùng với nhân dân thắng địch. Người dân ngày ấy cũng rất khổ, đói cơm lạt muối, nhưng luôn hết lòng vì cách mạng; đóng góp sức người, sức của, che chở cho cán bộ, chiến sĩ…
Thời gian sau đó, khi đã vào căn cứ Đắk Tuôr, Tỉnh ủy đã có nhiều ban, nhưng mỗi ban chỉ vài người và chủ yếu đi công tác thực tế ở các huyện. Việc phát triển đảng viên trong quần chúng, người dân địa phương tuy có khó khăn nhưng vẫn triển khai được. Lúc đầu một buôn, một xã chỉ có vài người thì tổ chức sinh hoạt đơn tuyến, hằng tháng hẹn ngày, hẹn địa điểm hỏi thăm từng người, giao nhiệm vụ. Đến khi xây dựng phong trào đã lên cao, nhất là từ những năm 1961 - 1965 trở đi, thì phát triển được nhiều đảng viên và tổ chức chi bộ địa phương...
Cuối năm 1974 đầu năm 1975, để chuẩn bị cho trận chiến lớn giải phóng Buôn Ma Thuột, hồi đó tôi là Ủy viên Ban Thường vụ, Bí thư H6 (thị xã Buôn Ma Thuột), được Thường vụ Tỉnh ủy giao xây dựng phương án phối hợp với bộ đội, vào nội thị phát động quần chúng nổi dậy để ủng hộ cho quân chủ lực tiến vào giải phóng. Anh em chúng tôi tổ chức đội hình (gọi là lực lượng chính trị của địa phương phối hợp), theo sau bộ đội chủ lực. Tới đêm mùng 9, sáng 10-3 quân ta đánh vào Buôn Ma Thuột, sau khi đã làm chủ được tình thế, tối ngày 11 lực lượng chúng tôi mới vào được và sáng ngày 12 mới tỏa ra đi phát động quần chúng, triển khai theo các đường phố, thâm nhập vào dân từ đó giáo dục, cũng như làm tư tưởng để cho dân hiểu rõ... Khi đã ổn định được tình hình, chúng tôi vận động dân đi sơ tán, giãn dân về nông thôn để tổ chức sản xuất. Mặt khác kêu gọi các đối tượng phản động ra trình diện, khai báo; tổ chức các đội công tác để đi phát động quần chúng chống Fulrô. Đó là những ngày tháng bộn bề công việc.
Giờ đây, khi nhìn lại chặng đường đã qua, tuy có mặt này, mặt khác chưa như mong muốn, nhưng phải khẳng định chúng ta đã đạt được nhiều kết quả thắng lợi. Điều có thể thấy rõ nhất là kinh tế - xã hội phát triển, đời sống người dân ngày một nâng lên, bộ mặt từ thành phố đến nông thôn đều thay đổi, khởi sắc. Tuy nhiên, bên cạnh việc chăm lo phát triển kinh tế, chúng ta cũng cần dành sự quan tâm lớn tới lĩnh vực văn hóa - xã hội. Đối với công tác xây dựng Đảng, tổ chức đội ngũ cán bộ vẫn phải chú ý đến việc giáo dục quan điểm phục vụ nhân dân, người cán bộ cần biết lắng nghe dân, tôn trọng dân, học dân, việc gì cũng phải bàn, lấy ý kiến của nhân dân… và phải lấy đó là tiêu chí, coi đó là hoạt động thường xuyên, tạo thành nền nếp thì mới càng được dân tin, dân mến.
Đồng chí Châu Khắc Chương, nguyên Trưởng Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy:
Đoàn kết một lòng chung tay xây dựng Đắk Lắk ngày càng phát triển
Sau thời gian học ở Trường Tuyên giáo Trung ương, năm 1964 tôi được lệnh tập trung vào Nam. 7 người trong đoàn phải băng rừng, lội suối, đi đường Trường Sơn ròng rã suốt 4 tháng với bao gian khổ, hiểm nguy. Đầu năm 1965, tôi vào đến Đắk Lắk, được phân công công tác tại Ban Tuyên huấn tỉnh và giảng dạy ở Trường Đảng. Cuối năm 1965, địch đánh phá ác liệt căn cứ của ta ở cánh Bắc, các cơ quan đầu não của tỉnh chuyển vào cánh Nam (khu căn cứ H9, huyện Krông Bông hiện nay).
Lúc ấy, tôi là Phó Ban Thường trực Ban Tuyên huấn tỉnh, đồng thời phụ trách Báo Cờ Giải Phóng. Công tác tuyên truyền lúc bấy giờ tập trung vào 4 vùng: vùng căn cứ, vùng mới giải phóng, vùng tranh chấp và vùng bị chiếm. Tùy đặc điểm, tình hình của mỗi vùng, cán bộ tuyên huấn phải viết thư kêu gọi, truyền đơn, băng rôn, khẩu hiệu, bồi dưỡng đội công tác, cán bộ cốt cán để tuyên truyền, kêu gọi binh lính ngụy, hạ sĩ quan không bắn giết gia đình, vợ con, đồng bào mình, kêu gọi người dân lập làng “3 sông, 2 núi” để đánh trả, ngăn địch lấn chiếm, động viên nhân dân thi đua lao động sản xuất, ăn sạch, ở sạch, phòng chống bệnh tật, tham gia các lớp xóa mù chữ.
Do không có giấy nên những nội dung tuyên truyền phần lớn đều được viết lên tấm bảng đan bằng tre hoặc viết chữ ngược lên tấm đá mài nhẵn rồi dùng mực ép lên giấy cho nổi chữ. Hoạt động trong điều kiện vô cùng khó khăn, thiếu thốn nên Báo Cờ Giải Phóng có khi xuất bản mỗi tháng 1 số hoặc 2, 3 tháng mới ra được 1 số.
Sau giải phóng năm 1975, ta tiếp quản được Xí nghiệp in, có máy móc phục vụ việc in ấn. Từ năm 1976 - 1996, tôi làm Phó Hiệu trưởng, Hiệu trưởng Trường Đảng, Trưởng Ty Văn hóa - Thông tin, Trưởng Ban Tuyên huấn tỉnh. Nhiệm vụ công tác tuyên huấn sau giải phóng chủ yếu tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân ổn định cuộc sống, tăng gia sản xuất, xây dựng buôn làng, cùng chống lại cái đói, rách, đau ốm, bệnh tật, mù chữ; kêu gọi những người từng lầm đường lạc lối trở về.
Hơn 40 năm làm công tác tuyên huấn, tôi khẳng định làm tuyên huấn chính là xây dựng con người, phải làm sao để phát triển mặt thiện, hạn chế mặt ác. Vì vậy, cán bộ tuyên huấn quan trọng nhất là luôn giữ mình trong sạch, giữ nghĩa tình thủy chung, gần dân, trọng dân. Sau 45 năm ngày Chiến thắng Buôn Ma Thuột, giải phóng tỉnh Đắk Lắk, tôi thấy có hai điều vui mừng lớn đó là: 49 dân tộc đang sinh sống trên địa bàn tỉnh đều đoàn kết một lòng chung tay xây dựng tỉnh nhà ngày càng phát triển; kinh tế của tỉnh phát triển về mọi mặt, quốc phòng - an ninh được giữ vững, ổn định, hệ thống chính trị ngày càng được củng cố, nội bộ đoàn kết, vai trò lãnh đạo của Đảng được tăng cường, phát huy. Tuy nhiên, trước tình hình trong nước và thế giới còn tiềm ẩn nhiều vấn đề phức tạp, mỗi cán bộ, đảng viên phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm, kiên quyết đấu tranh phê bình, tự phê bình. Các cán bộ tuyên huấn, tuyên giáo phải không ngừng rèn luyện, học tập, nâng cao trình độ, tu dưỡng bản thân, tích cực đi cơ sở, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng căn cứ nắm bắt tình hình, tâm tư, nguyện vọng của bà con để tuyên truyền, vận động cho phù hợp, hiệu quả.
Đồng chí Nguyễn An Vinh, nguyên Bí thư Tỉnh ủy:
Cán bộ cần mạnh dạn đổi mới tư duy, thích ứng với thời đại công nghệ 4.0
Đầu năm 1969, theo tiếng gọi của Đảng, tôi từ Bắc Thái được tập trung vào Trường “105” để chuẩn bị chi viện cho chiến trường miền Nam (đi B). Là một kỹ sư nông nghiệp, tháng 9-1969, tôi được giao phụ trách nông nghiệp, công nghiệp, thủy lợi của tỉnh Đắk Lắk với vai trò là Phó Ban Thường trực Ban Sản xuất tỉnh, Chánh Văn phòng của UBND cách mạng lâm thời tỉnh.
Lúc bấy giờ, hoạt động của Ban Sản xuất chủ yếu ở vùng giải phóng và vùng căn cứ thuộc các xã Cư Drăm, Yang Mao, Cư Pui (H9 - huyện Krông Bông). Tôi cùng anh em trong Ban tìm cách liên hệ với cơ sở của ta tại các đồn điền, trong vùng chưa giải phóng, vùng địch tạm chiếm để mua giống về cung cấp, hướng dẫn bà con dân tộc thiểu số tại
chỗ gieo trồng; đắp các đập chứa nước nhỏ để đưa nước vào đồng ruộng. Có thời điểm, tôi cùng anh em phải băng rừng, lội suối xuống tận Phú Yên mua gạo, muối, vải, nhu yếu phẩm, mỗi lần đi và về mất hàng tháng trời. Nhờ vậy, người dân ở vùng Krông Bông, Lắk đã có giống, thủy lợi nhỏ để phát triển mạnh cây lúa IR8 – loại giống nhập từ Philippines về, tự túc được lương thực cho người dân và cung cấp một phần cho bộ đội. Cũng nhờ có bà con người dân tộc thiểu số tại chỗ yêu thương, che chở, đùm bọc, sẵn sàng “nhường cơm sẻ sắn” mà cán bộ, bộ đội mới hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Sau giải phóng năm 1975, tôi là Quyền trưởng Ty Nông – Lâm tỉnh, cùng đoàn Dân – Chính đi tiếp quản tập kết ở Trường Bồ Đề và rạp Hòa Lạc (khu vực đối diện chùa Khải Đoan bây giờ). Tiếp quản xong các kho lương thực, vải, chúng tôi lấy nhu yếu phẩm cấp phát cho dân để sớm ổn định đời sống.
Tháng 6-1975, tỉnh thành lập Ủy ban Kế hoạch - Thống kê, tôi là Ủy viên Thường trực của Ban, sau đó làm Phó Chủ tịch UBND thị xã Buôn Ma Thuột, Phó Bí thư Thị ủy, Chủ tịch UBND thị xã. Tôi đã chỉ đạo khai hoang, xây dựng các cánh đồng, đề xuất, xây dựng công trình thủy lợi Ea Kao (hồ Ea Kao hiện nay) dẫn nước tưới cho các cánh đồng ở xã Ea Kao, Hòa Phú, Hòa Khánh và một phần xã Hòa Xuân, giải quyết được vấn đề lương thực cho người dân các xã phía Nam của thị xã.
Cuối năm 1979 đến tháng 2-2001, tôi đảm trách nhiều nhiệm vụ, trong đó có thời gian là Quyền Chủ tịch UBND tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy. Gắn bó với tỉnh Đắk Lắk, tôi nhận thấy nông - lâm nghiệp luôn là thế mạnh của tỉnh. Tôi đã quan tâm chỉ đạo mở rộng sản xuất, xây dựng các công trình thủy lợi Krông Búk hạ, Ea Súp, hồ Ea Nhái, hồ buôn Triết; định canh định cư cho đồng bào dân tộc thiểu số; mở rộng các vùng kinh tế mới để đưa lao động các tỉnh lên Đắk Lắk lập nghiệp; tập trung phát triển khu vực kinh tế quốc doanh bằng cách xây mới, mở rộng các nông – lâm trường nhằm tạo việc làm cho người dân. Bên cạnh đó, tôi cùng lãnh đạo tỉnh tập trung xây dựng, phát triển đô thị Buôn Ma Thuột, các thị trấn, huyện lỵ, mở rộng hệ thống giao thông, tạo sự thay đổi mạnh mẽ về bộ mặt của tỉnh, đời sống người dân, cơ cấu sản xuất...
80 năm tuổi đời, bằng với tuổi của Đảng bộ tỉnh, tôi rất vui mừng và tự hào trước sự đổi thay, phát triển của tỉnh. Các thế hệ cán bộ, lãnh đạo tỉnh luôn đoàn kết, đồng lòng cùng xây dựng Đắk Lắk ngày càng giàu đẹp. Đặc biệt là tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII tổ chức vào trung tuần tháng 10-2020, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã đưa ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, đột phá về mọi mặt; trong đó tập trung phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, phát triển công nghiệp chế biến sâu, nâng cao giá trị sản xuất, sản phẩm xuất khẩu để hội nhập quốc tế nhanh, sâu rộng, bền vững, góp phần nâng cao thu nhập, mức sống của người dân. Để đưa Nghị quyết vào cuộc sống, tôi mong muốn cán bộ lãnh đạo tỉnh đi cơ sở nhiều hơn để nắm bắt tình hình thực tế, đưa ra những đề xuất đột phá, hữu ích; không ngừng tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, mạnh dạn đổi mới tư duy, học hỏi, nắm bắt kiến thức khoa học - kỹ thuật, công nghệ mới nhằm hoàn thiện mình, thích ứng với thời đại công nghệ 4.0.
Cựu du kích Y Ser Ksơr (buôn Dliêya, xã Dliêya, huyện Krông Năng):
Hạnh phúc nhất là được hiến dâng tuổi thanh xuân cho cách mạng
Dù đã trải qua 76 mùa rẫy nhưng tôi vẫn không thể nào quên những tháng ngày kháng chiến gian khổ và hào hùng của dân tộc. Với tôi, hạnh phúc nhất là được đóng góp tuổi thanh xuân cho cách mạng.
Khi thực dân Pháp đánh chiếm Tây Nguyên (tháng 6-1946), quân ta phải rút về phía Đông Bắc, dựa vào vùng rừng núi Cư Jú - Dliêya để củng cố chính quyền và ổn định tình hình. Năm 1947, Ủy ban Chỉ huy Tây Nguyên được thành lập để chỉ đạo các hoạt động quân sự ở Tây Nguyên. Vùng Cư Jú - Dliêya với địa thế rừng núi hiểm trở và có tầm chiến lược nên được Ủy ban Kháng chiến tỉnh chọn xây dựng căn cứ kháng chiến trong cả hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ.
Tôi sinh ra và lớn lên ở buôn Dliêya A, từ nhỏ đã chứng kiến buôn làng thường xuyên bị giặc đánh phá, cướp bóc nên nung nấu quyết tâm một ngày nào đó được theo chân chiến sĩ cách mạng đánh đuổi giặc, bảo vệ buôn làng.
Vốn thông minh, nhanh nhẹn, khỏe mạnh và đặc biệt là thông thuộc địa hình nên khi vừa tròn 17 tuổi ông được bộ đội dạy những kiến thức cần thiết và giao cho nhiệm vụ liên lạc, đưa tin thư, dẫn đường cho bộ đội. Hằng ngày, tôi đi đưa thư cho bộ đội từ khắp vùng Dliêya rồi sang cả Gia Lai, Kon Tum và Phú Yên, dù phải lội suối, băng rừng hết sức hiểm trở nhưng ông luôn hoàn thành nhiệm vụ. Ngày đó, bộ đội đóng quân tận trong rừng thẳm, hoang vu, cách nơi dân ở tập trung để tránh địch theo dõi, phát hiện, nhưng vẫn giữ mối liên hệ chặt chẽ với dân. Người dân nơi đây không quản hiểm nguy luôn tìm mọi cách để nuôi giấu, bảo vệ bộ đội; bộ đội hỗ trợ người dân buôn Dliêya A thành lập lực lượng du kích, từ hàng chục rồi đến hàng trăm người, chia làm nhiều tổ chặn đánh địch ngay từ chân núi, không để chúng vào buôn. Người người, nhà nhà làm hố chông, đào hầm, hào để chống địch với phương châm “mỗi người dân là một chiến sĩ”, tràn đầy quyết tâm đánh giặc.
Trải qua nhiều trận đánh địch, tôi vẫn nhớ trận ở núi Cư Jú (thuộc địa bàn buôn Bir, xã Ea Hiao, huyện Ea H’leo) vào một ngày tháng 3-1965. Trong trận đó, quân địch huy động nhiều xe tăng cùng lính đánh bộ được trang bị vũ khí hiện đại, tối tân tấn công vào căn cứ của ta. Do chênh lệch lực lượng quá lớn, nhiều bộ đội của ta đã anh dũng hy sinh, trong đó có cả du kích địa phương, nhưng những người ở lại đã kiên cường đẩy lùi được quân địch. Trong trận đánh đó, tôi bị thương nặng ở vùng mặt, về sau dần dần bị mờ 1 mắt và bị giảm thính lực. Với chiến công trong kháng chiến chống Mỹ, tôi vinh dự được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương chống Mỹ hạng Nhất, hạng Ba.
Lan Anh - Nguyễn Xuân - Thế Hùng (thực hiện)
Ý kiến bạn đọc