Mãi khắc ghi lời căn dặn của cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Năm 1978, Đại tướng Võ Nguyên Giáp dự định vào thăm vùng kinh tế mới Ea Súp, nhưng do bận công tác đột xuất nên không thể thực hiện.
Để dặn dò, khen ngợi lực lượng thanh niên xung phong đang thực hiện nhiệm vụ nơi miền biên viễn, Đại tướng viết một bức thư gửi tới những người đang làm nhiệm vụ ấy. Bức thư ấy được ông Nguyễn Công Huân (SN 1934, tổ dân phố Thắng Lợi, thị trấn Ea Súp, huyện Ea Súp) gìn giữ như “báu vật”, là “kim chỉ nam” trong suốt quá trình làm việc, sinh sống.
Tốt nghiệp Trường Đại học Nông nghiệp I Hà Nội (nay là Học viện Nông nghiệp Việt Nam), tân kỹ sư Nguyễn Công Huân về công tác tại Huyện ủy Vũ Thư (tỉnh Thái Bình). Tại đây, ông Huân được cử học thêm ngành Xây dựng Đảng ở tỉnh Hải Dương, rồi trở thành Huyện ủy viên. Sau ngày đất nước giải phóng, Đảng và Nhà nước có chủ trương đưa người dân một số tỉnh phía Bắc vào Tây Nguyên xây dựng kinh tế mới. Năm 1976, ông Huân cùng hơn 4.500 thanh niên xung phong (thuộc 4 Trung đoàn) rời “quê hương năm tấn” Thái Bình vào huyện Ea Súp. Hành trang ông mang theo vỏn vẹn ít cơm nắm để ăn trong 6 - 7 ngày đi đường, cùng sức trẻ, khát khao cháy bỏng “thay da đổi thịt” vùng đất mới.
Nguyên Chủ tịch UBND huyện Ea Súp Nguyễn Công Huân (bên trái) rưng rưng khi đọc lại bức thư của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong Lịch sử Đảng bộ huyện Ea Súp. Ảnh: T.Dung |
Những ngày đầu nơi vùng kinh tế mới Ea Súp vô cùng khó khăn, ông và đồng đội vừa chống Fulro, vừa khai hoang đất sản xuất. “Là kỹ sư nông nghiệp, tôi nhận thấy vùng đất này có tiềm năng phát triển trồng trọt, chăn nuôi, nhưng trước mắt gặp khó khăn vì không chủ động được nguồn nước”, ông Huân nhớ lại.
Gia đình ông Huân có 7 người con, trong đó một người con hy sinh ở chiến trường tại Ba Tơ (Quảng Ngãi) vẫn chưa tìm thấy hài cốt. Hiện ông Huân vẫn đang sống trong căn nhà gỗ nhỏ, được làm từ năm 1986. Nhiều lần Huyện ủy Ea Súp mở lời hỗ trợ xây dựng nhà Tình nghĩa, ông Huân đều từ chối, với lý do: “Quê hương phát triển, nhưng vẫn còn không ít người dân khó khăn chưa có nhà ở kiên cố, thì tôi ở nhà mới làm gì”.
|
Năm 1977, huyện Ea Súp thành lập, ông Huân được bầu làm Phó Ban Chỉ huy công trường khai hoang trồng cây lương thực huyện. Khi ấy, người dân đối mặt với tình trạng không đủ lương thực, phải đào củ nần cho vào rọ ngâm dưới suối để đỡ chát rồi ăn thay cơm. Đồng bào J’rai sinh sống ở đây giỏi trồng lúa nhưng do khan hiếm nước nên chỉ trồng được một vụ và thường xuyên... mất mùa. Ông Huân cùng nhiều thanh niên xung phong tìm kiếm nguồn nước nhưng chỉ tìm được 2 giếng khơi.
Đang loay hoay, có phần hơi nản chí, thì bức thư dài ba trang giấy của Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết gửi thanh niên xung phong Thái Bình vào vùng kinh tế mới Ea Súp vào năm 1978 do Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Nguyễn Ngọc Trìu trao tận tay cho ông Huân đã tháo gỡ gánh nặng tư tưởng cho mọi người. Nội dung bức thư được đọc trước toàn thể Đảng ủy, lực lượng thanh niên xung phong và đồng bào Ea Súp. Lời lẽ trong thư thể hiện tầm nhìn chiến lược của một nhà quân sự lỗi lạc vừa chan chứa tình cảm yêu thương, dặn dò ân cần. Đại tướng gọi thanh niên xung phong làm kinh tế mới ở đây là “những người chiến sĩ dũng cảm”. Sau đó, bức thư được in ra thành nhiều bản để thanh niên xung phong giữ, đọc và hành động. Trong bức thư của Đại tướng có câu: “Ea Súp là một địa bàn xung yếu, có tiềm năng về kinh tế, có ý nghĩa về quốc phòng, trước mắt có những thuận lợi nhưng còn những khó khăn phải khắc phục”.
Bức thư của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ảnh: T.Dung |
Đây vừa là lời động viên, khích lệ song cũng là mệnh lệnh phải cố gắng nhiều hơn nữa và gắn bó với mảnh đất này, để rồi ông Huân cùng lực lượng thanh niên xung phong đã khai phá thành công trên 5.000 ha đồi rừng, sình lầy trở thành vùng trồng rau màu, trong đó có 800 ha lúa nước, đắp đập hình thành hồ Ea Súp hạ có dung lượng tưới 600 ha và điều tiết lũ; xây dựng hàng nghìn ngôi nhà, mở hàng trăm đường giao thông, hàng chục cây cầu, đập nước, kênh mương thủy lợi… Cuộc sống của người dân vùng biên giới Ea Súp bắt đầu đổi thay. Sau này, ông Huân được tín nhiệm giữ nhiều vị trí như: Trưởng Phòng NN-PTNT, Chủ tịch UBND huyện Ea Súp…, dù ở cương vị nào ông Huân đều ghi nhớ lời dặn dò của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong bức thư lịch sử đó, nhắc nhở thế hệ sau trong nhiều cuộc họp, các sự kiện lớn của địa phương.
Coi bức thư là báu vật, ông Huân luôn gìn giữ để định hướng cho mình. “Tôi thuộc làu bức thư và luôn mang theo bên mình. Khi cuộc sống ổn định hơn, tôi còn dành thời gian sưu tầm nhiều ảnh, tư liệu về Đại tướng Võ Nguyên Giáp và để ở vị trí trang trọng tại nhà mình. Tôi chỉ mang ra xem khi có khách quý, con cháu tập trung đông đủ tại nhà”, ông Huân bày tỏ.
Năm 2013, một người bạn của ông Huân đến nhà thăm, được ông cho xem bức thư của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Người bạn chia sẻ rằng “báu vật” ấy không chỉ có ý nghĩa với riêng cá nhân ông Huân, vì vậy ông đã tặng bức thư cho Bảo tàng Đắk Lắk lưu giữ.
Thùy Dung
Ý kiến bạn đọc