Biểu tượng tình hữu nghị đặc biệt Việt – Lào
50 năm đã trôi qua nhưng không khí của những ngày Trường Sơn sục sôi đỏ lửa ở mặt trận Đường 9 - Nam Lào vẫn còn sống động trên từng trang sử và trong trí nhớ của những chiến sĩ năm xưa.
Thắng lợi của chiến dịch đã tạo thế và lực mới góp phần quan trọng đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta đi đến thắng lợi cuối cùng.
Liên minh chiến đấu đặc biệt Việt Nam - Lào
Đầu năm 1971, sau 2 năm triển khai chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, với âm mưu tạo ra bước ngoặt mới cho cuộc chiến tranh, Mỹ - ngụy đã huy động lực lượng mở ba cuộc hành quân lớn đánh vào tuyến vận tải chiến lược đường Trường Sơn của ta, trong đó cuộc hành quân “Lam Sơn 719” đánh vào khu vực Đường 9 - Nam Lào có quy mô lớn nhất nhằm mục đích cắt đứt tuyến chi viện chiến lược của đối phương và thử nghiệm hiệu lực của công thức: Quân đội Việt Nam cộng hòa + cố vấn Mỹ + hỏa lực và hậu cần Mỹ. Địch đã huy động lên tới 42.000 quân, lúc cao nhất đạt mức 55.000 quân (có 15.000 quân Mỹ), bao gồm 3 sư đoàn với tổng số 47 tiểu đoàn bộ binh, 460 xe tăng, xe bọc thép, 280 khẩu pháo, 600 máy bay. Ngoài ra, còn có 9 tiểu đoàn thuộc 2 binh đoàn cơ động (GM 30 và GM 33) quân phái hữu Lào ở phía tây đánh sang. Cuộc hành quân được sự hỗ trợ tối đa của pháo binh và không quân Mỹ.
Lãnh đạo Quân khu 5 (bên trái) trao tặng trang thiết bị vật tư y tế cho Bộ CHQS tỉnh Salavan và Sê Kông (Lào). |
Trên cơ sở lường định và đánh giá chính xác âm mưu của đối phương, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương quyết định mở chiến dịch phản công lớn tiêu diệt quân địch ở Đường số 9 - Nam Lào. Lực lượng tham gia chiến dịch gồm có: 5 sư đoàn bộ binh (308, 304, 320, 324, 2); 4 tiểu đoàn xe tăng, thiết giáp (177, 197, 241, 491); 4 trung đoàn pháo binh (368, 38, 45, 84); 4 trung đoàn phòng không (230, 237, 241, 491); 3 trung đoàn công binh (7, 83, 219), một số tiểu đoàn đặc công của Bộ; một số lực lượng chiến đấu tại chỗ của Đoàn 559; Mặt trận B4, B5; một số tiểu đoàn, đại đội độc lập chủ lực Bộ và địa phương Quân giải phóng nhân dân Lào.
Thực hiện quyết tâm của trên, đồng bào các dân tộc Việt - Lào không quản mưa rừng, thác lũ, ngày đêm sát cánh cùng với các đơn vị bộ đội chủ lực, thanh niên xung phong bạt núi, mở đường, truy bắt lực lượng thám báo địch, bảo vệ sự an toàn và bí mật ý định chiến lược của ta; tích cực tham gia xây dựng các trận địa bắn máy bay và vận chuyển các loại vũ khí, đạn dược, hàng hóa khác vào các vị trí tập kết chiến dịch đúng kế hoạch.
Dựa vào thế trận đã bố trí sẵn sàng, liên quân Việt Nam - Lào kiên cường giáng trả quyết liệt các mũi tiến công của địch; đẩy lui và làm chậm bước tiến quân của chúng; tập trung lực lượng và hỏa lực tiêu diệt một bộ phận lớn quân địch. Đến ngày 23-3-1971, trải qua hơn 50 ngày chiến đấu gian khổ, ác liệt, được sự ủng hộ, phối hợp chiến đấu hiệu quả của quân dân các bộ tộc Lào, chiến dịch phản công Đường 9 - Nam Lào đã kết thúc thắng lợi, tác động mạnh mẽ đến cục diện chung chiến trường ba nước Đông Dương, đánh bại một bước chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của Mỹ và mở ra những triển vọng tốt đẹp đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta đến toàn thắng. Chiến thắng của quân và dân hai nước Việt Nam - Lào trong chiến dịch Đường 9 - Nam Lào đánh bại cuộc hành quân "Lam Sơn 719" của Mỹ-ngụy đã thể hiện tình đoàn kết gắn bó keo sơn giữa quân và dân hai nước cũng như sự đoàn kết và liên minh chiến đấu đặc biệt Việt Nam - Lào.
Tô thắm tình hữu nghị
Ngày 19-8-1948, Quân tình nguyện Việt Nam (thuộc Khu 5) từ Nghĩa Hành, Quảng Ngãi hành quân sang Hạ Lào để thực hiện nghĩa vụ quốc tế. Và ngày này đã trở thành ngày truyền thống của mối đoàn kết hữu nghị giữa Quân khu 5 Việt Nam và quân dân Hạ Lào.
Sau khi tham gia đánh bại cuộc hành quân "Lam Sơn 719", Sư đoàn 2 đã theo đường Trường Sơn hành quân xuống phía Nam giúp bạn Lào giải phóng cao nguyên Bolaven, sau đó tiến công địch ở Bắc Tây Nguyên trong xuân hè 1972.
Các chiến sĩ quân Giải phóng trong chiến dịch phản công Đường 9 - Nam Lào. Ảnh tư liệu |
Trong giai đoạn cách mạng hiện nay, Quân khu 5 Việt Nam với Sư đoàn Bộ binh 5 và Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) các tỉnh Nam Lào thường xuyên tổ chức các hội nghị liên tịch. Quân khu 5 tiếp tục giúp bạn Lào về công tác xây dựng cơ bản, huấn luyện quân sự, công tác kỹ thuật, phát triển kinh tế; bạn Lào tạo điều kiện thuận lợi cho ta sang tìm kiếm, quy tập, hồi hương về nước hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh tại Lào trong các thời kỳ chiến tranh. Ghi nhận những đóng góp to lớn của Quân khu 5 trong xây dựng Tượng đài Liên minh chiến đấu Việt Nam - Lào tại huyện Paksong (tỉnh Champasak), tháng 6-2018 Chủ tịch nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào đã trao tặng Huân chương Lao động hạng II cho Bộ Tư lệnh Quân khu 5.
Tháng 7-2018, Quân khu 5 đã kịp thời triển khai lực lượng tìm kiếm cứu nạn, hỗ trợ tiền, lương thực, thực phẩm, thuốc men giúp nhân dân bạn khắc phục hậu quả sự cố vỡ đập thủy điện Xepian-Xe Namnoy trên địa bàn tỉnh Attapeu. Năm 2020, Bộ Tư lệnh Quân khu 5 và Bộ CHQS các tỉnh, thành phố thuộc Quân khu đã tổ chức trao tặng vật tư, trang thiết bị y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 cho một số đơn vị thuộc Quân đội Lào và Quân đội Hoàng gia Campuchia, với tổng trị giá hàng hóa trao tặng hơn 4,7 tỉ đồng.
Kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Đường 9 - Nam Lào, bằng những việc làm thiết thực, cụ thể, lực lượng vũ trang Quân khu 5 tiếp tục vun đắp mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, tình đoàn kết đặc biệt và sự hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam, vì lợi ích của nhân dân mỗi nước, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.
Đỗ Diệp
Ý kiến bạn đọc