Multimedia Đọc Báo in

Bàng Côn Đảo - di sản ghi dấu tích thời gian

08:46, 30/04/2021

Sau hơn 5 giờ đi tàu cao tốc, Côn Đảo hiện ra trước mắt chúng tôi là một màu xanh nguyên sơ với những cánh rừng, vạt đồi, triền biển.

Nữ cựu tù Côn Đảo Lê Thị Tâm đã có gần 10 năm bị địch bắt giam cầm tra tấn dã man ở “địa ngục trần gian” đề nghị: “Hãy đến nhà tù - nơi giam cầm tôi và đồng đội của tôi ở đó”. Đứng trước cây bàng cổ thụ ở trại giam Phú Hải, mắt bà Tâm rưng rưng xúc động. Ký ức đau thương ùa về trong tiềm thức: “Cây bàng này là người bạn của tôi. Nó chứng kiến bao đau khổ của những người tù”. Bà Tâm đưa tay chạm vào gốc cây bàng như nhớ lại quá khứ.

Mùa xuân năm 1966, bà Tâm bị đày ra Côn Đảo do “can tội không khai cánh 159” là ai. Trước khi đi, bà gửi con gái cho Cánh 159 (Biệt động thành Sài Gòn) nuôi. Những ngày ở lao tù, để “truyền tín hiệu” cho đồng đội thống nhất phương án đấu tranh, chính bà Tâm đã lấy tăm châm lên lá bàng khô những dòng chữ ký hiệu A-Z (phương án đấu tranh kêu la đòi thả tù binh) rồi chuyển cho những tù nhân khác. Lá bàng khô cũng là “mảnh vải” để bà vẽ hình con gái có ngôi sao gửi về đất liền báo tin là bà rất nhớ con và hẹn ngày đất nước thống nhất sẽ về gặp con. Gốc cây bàng ở nhà giam Phú Hải cũng là nơi kẻ địch tra tấn dã man nhiều người tù cách mạng.

Cây bàng cổ thụ trong trại giam Phú Hải.
Cây bàng cổ thụ trong trại giam Phú Hải.

Bà Tâm kể, ai đã từng bị giam cầm ở Côn Đảo cũng đều ăn lá bàng. Mỗi lần được cai ngục cho ra ngoài, người tù thường lén hái những lá bàng non và cả trái bàng xanh giấu trong người, ngậm trong miệng mang vào phòng giam chia cho đồng đội cùng ăn. Ban đầu, việc ăn lá bàng hay trái bàng chỉ đơn thuần vì người tù quá thiếu rau xanh. Sau đó, người tù nhận ra lá bàng có thể giúp vết thương bớt đau nhức, mưng mủ, chữa tiêu chảy. “Nhờ lá bàng mà nhiều người tù nhận được nhau. Lá bàng cũng là truyền đơn để đấu tranh chống lại chế độ hà khắc của nhà tù. Cả những bài thơ tình lãng mạn cũng viết lên lá bàng non”- bà Tâm hồi tưởng.

Có thể nói, bàng Côn Đảo đã trở thành “thương hiệu văn hóa”. Nói cách khác, nó là di sản chứng tích chiến tranh lịch sử trong cuộc chiến tranh vệ quốc của dân tộc Việt Nam ở thế kỷ 20.

Hiện nay Côn Đảo có 79 cây thuộc các họ bàng, điệp, bằng lăng, trong đó bàng chiếm nhiều nhất với 53 cây. Từng ấy cây bằng là ngần ấy dấu tích lịch sử ở nhiều vị trí khác nhau như: Trại tù Phú Hải, Chuồng cọp, trước Cầu tàu lịch sử 918, đường Lê Duẩn, Tôn Đức Thắng… 53 cây bàng cổ thụ có đường kính gốc 3 - 4 vòng tay người ôm, cao hàng chục mét, lá quanh năm xanh tốt vươn giữa trời xanh. Bàng Côn Đảo ra trái quanh năm, nhưng rộ nhất là vào tháng 7. Những ngày quả bàng chín rụng, người dân nhặt về chẻ lấy nhân làm mứt. Nhân hạt bàng tẩm gia vị, sấy khô là món đặc sản khoái khẩu của nhiều du khách.

Bà Phan Thị Tám, Trưởng Ban Quản lý di tích lịch sử huyện Côn Đảo cho biết, 53 cây bàng cổ thụ đều được công nhận là “Cây di sản Việt Nam”. Các cây này có tuổi đời từ 130 - 150 năm (tính từ năm thực dân Pháp bắt đầu xây dựng nhà tù năm 1862). “Ra Côn Đảo không đến nhà tù thì không hiểu lịch sử Côn Đảo, nhưng đến nhà tù mà không ngắm những cây bàng cổ thụ hàng trăm năm tuổi coi như thiếu đi sự lãng mạn của cả chuyến đi. Bởi bàng Côn Đảo không chỉ đơn thuần là cây xanh che bóng mát, chắn gió cát; là người bạn tâm tình của những người tù trong những năm bị giam cầm ở “địa ngục trần gian này” mà còn là “chứng tích hùng hồn” để giáo dục lòng yêu nước và khí phách đấu tranh của các tiền nhân cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau”- bà Tám chia sẻ.

Hàng bàng cổ thụ trước Cầu tàu lịch sử 918.
Hàng bàng cổ thụ trước Cầu tàu lịch sử 918.

46 năm trước, ngày 5-5-1975, tạm biệt Côn Đảo và những “người bạn bàng”, chuyến tàu V607 và V609 của Lữ đoàn 125 Hải quân đón 43 tù nhân trong Đoàn chiến thắng 2 trở về đất liền, chấm dứt những ngày đau khổ ở “địa ngục trần gian” mà bà Lê Thị Tâm (bí danh Mười Đào) là một trong những người trở về ngày ấy.

 Hôm nay, 46 năm sau ngày đất nước giải phóng, đi dưới những cây bàng cổ thụ rợp mát trên đường Trần Phú nơi từng mệnh danh là “địa ngục trần gian” năm nào, nước mắt bà Lê Thị Tâm trào ra. Bà không chỉ xúc động và kiêu hãnh bởi những ngày tháng hào hùng trong chốn lao tù vẫn đọng mãi trong tim; mà còn xúc động bởi những cây bàng vẫn sừng sững nơi đây như chứng tích lịch sử bi hùng của thế kỷ 20.

Mai Thắng


Ý kiến bạn đọc


(Video) Huyện Krông Pắc: Nhiều hoạt động nâng cao nhận thức, thúc đẩy bình đẳng giới
Tại huyện Krông Pắc, Dự án 8 về “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” được triển khai đã tác động tích cực đến đời sống, nâng cao nhận thức, thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” của phụ nữ nói riêng và người dân trong cộng đồng nói chung.