Nhớ một thời lửa đạn
Tuổi thơ của tôi gắn liền với những năm tháng đế quốc Mỹ đánh phá miền Bắc. Sự kiện đầu tiên ghi dấu trong ký ức của tôi về chiến tranh đó là trận máy bay Mỹ ném bom bi vào giữa làng tôi làm nhiều người chết và bị thương.
Lúc đó tôi vừa học xong vỡ lòng lên lớp 1. Một đứa trong lớp, nhà ở gần lớp học, nó đi đường tắt trong làng về nhà nên trúng bom chết; còn lại tất cả chúng tôi về nhà theo đường cái quan nên thoát chết. Sau đó hợp tác xã làm một chiếc nhà hầm cho bọn trẻ chúng tôi học, bên cạnh là mấy chiếc hầm chữ A để trú khi máy bay ném bom.
Hằng ngày, chúng tôi đi học về là ở nhà không được đi đâu, canh chừng hễ nghe tiếng máy bay là xuống hầm. Nhà ai cũng có hầm chữ A để tránh bom, ăn cơm cũng dọn mâm ngay cửa hầm để vào hầm cho nhanh. Ban đêm cả nhà đều xuống hầm ngủ, trẻ con học bài cũng thắp đèn dầu học trong hầm. Những ngày nắng ráo, bọn trẻ con được bố mẹ cho ra khoảnh đất cao ráo đầu làng ngủ đêm để sơ tán bớt người, phòng khi máy bay đánh bom vào làng, nếu người lớn chết thì còn trẻ con. Máy bay địch đêm đêm bay qua làng chụp ảnh, đèn chớp chớp sáng lóa, lũ trẻ chúng tôi nghịch ngợm hò nhau chổng mông lên trời. Sau máy bay không chụp ảnh chớp nháy nữa mà thả dù pháo sáng, đường làng sáng trưng ghê rợn không ai dám ra đường.
Một lần chúng tôi đang học trong nhà hầm thì nghe tiếng máy bay và tiếng bom nổ rất lâu. Cô giáo cho nghỉ học sớm. Mọi người xôn xao nói bên làng Xuân Lai bị ném bom chết nhiều lắm! Làng Xuân Lai cách làng tôi chỉ một con hói (sông nhỏ). Sau này lớn lên tôi thường nghe cha mẹ tôi nhắc đến trận bom kinh hoàng đó. Mọi người giải thích về nguyên nhân trận bom: Máy bay trinh sát của địch bay thấp chụp ảnh ở làng Xuân Lai phát hiện thấy có nhiều người mặc quần dài biết chắc đó là cán bộ (dân hồi đó nghèo thường chỉ mặc quần cộc) nên bắn pháo hiệu cho máy bay đến đánh bom. Lúc này trong làng có một đơn vị bộ đội đang trú quân. Cha tôi kể, lúc đó cha tôi là trung đội trưởng dân quân của Hợp tác xã Xuân Hạ (thuộc xã Xuân Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình) gồm hai làng Xuân Lai và Mai Hạ; sau khi ngớt bom trung đội dân quân mỗi người một chiếc băng ca sang tiếp ứng thì thấy hầm sập, hầm bị bom đào rất nhiều, cả bộ đội và dân chết nhiều người không toàn thây! Sau này ta xây dựng hỏa lực phòng không, dân quân cũng được huấn luyện bắn máy bay, nên địch không dám bay thấp chụp ảnh, do thám nữa.
Đại đội nữ pháo binh Ngư Thủy anh hùng trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Ảnh tư liệu |
Trước mặt làng tôi có một cánh đồng lớn đi qua – “nhất Đồng Nai, nhì hai huyện” (Lệ Thủy, Quảng Ninh); đi băng qua cánh đồng khoảng 3 cây số là tới vùng trung du, nơi có đường tàu và đặc biệt là có một binh trạm của Đoàn 559 lừng danh. Và cách đường tàu không xa là đường mòn Hồ Chí Minh huyền thoại. Quê tôi là nơi hẹp nhất trên bản đồ Việt Nam – chỉ 50 km đường chim bay. Huyện Lệ Thủy là địa bàn cuối cùng của miền Bắc tiếp giáp với tuyến lửa Vĩnh Linh (Quảng Trị). Đây cũng là nơi tập kết dừng chân của các đơn vị bộ đội, thanh niên xung phong trước khi vào Nam và sau khi chiến đấu trở về miền Bắc. Chính vì vậy mà hằng ngày máy bay địch quần thảo ném bom, pháo của Hải quân Mỹ (Hạm đội 7) ở ngoài biển câu vào. Chúng điên cuồng đánh phá để chặn đường chi viện của hậu phương miền Bắc xã hội chủ nghĩa cho tiền tuyến lớn miền Nam. Đại đội nữ pháo binh Ngư Thủy bắn cháy tàu khu trục Mỹ ra đời trong hoàn cảnh đó…
Thời đó, ngoài bộ đội, thanh niên xung phong dừng chân khi vào Nam hay ra Bắc, làng tôi được chọn làm nơi “ẩn náu” của nhiều cơ quan của huyện như: Bệnh viện huyện và Huyện đội. Nguyên cuối làng tôi có một cái lòi tre ngà rậm rịt chim chóc rất nhiều, phải gọi rừng tre mới đúng. Người ta dọn dẹp các khoảng trống trong lòi tre đặt cơ quan làm việc; cán bộ, nhân viên thì về ở trong nhà dân, vui và tình cảm lắm...
Những ngày chiến tranh ác liệt, bọn trẻ con chúng tôi rất thích nghe mấy từ “đình chiến” hay “ngừng bắn” – nghĩa là những ngày đó máy bay địch không hoạt động, chúng tôi được lên khỏi hầm, ban đêm rủ nhau đốt đuốc đi chơi quanh làng, ngoài đồng cho bõ những ngày nằm hầm.
Đã hơn nửa thế kỷ trôi qua, nhưng ký ức về chiến tranh vẫn in hằn trong tâm trí tôi. Tôi thật may mắn vì đã chứng kiến một phần lịch sử thương đau nhưng hào hùng của dân tộc qua nhát cắt một làng quê bình dị. Và quan trọng hơn, đó là khói lửa chiến tranh đã dạy cho những đứa trẻ như tôi từ ngày ấy thấm thía ý nghĩa của Hòa bình, Tự do...
Dương Thế Hoàn
Ý kiến bạn đọc