Tìm về cội nguồn và niềm tự hào dân tộc
Trong tâm tưởng của mỗi người dân đất Việt, cứ đến Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương (10-3 âm lịch hằng năm), ai cũng muốn được thắp một nén nhang để tri ân công đức của tiền nhân và tự hào mình là con cháu của dòng giống Lạc Hồng.
Do năm nay là năm lẻ và cũng đang tuân thủ các quy định phòng, chống dịch Covid-19 nên Giỗ Tổ sẽ do tỉnh Phú Thọ chủ trì tổ chức, tuy nhiên lễ dâng hương kính cáo công đức của các Vua Hùng vẫn được duy trì, tiến hành tại khắp các tỉnh thành trên cả nước.
Tại Đắk Lắk, Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2021 được tổ chức trang trọng tại Đình Lạc Giao (TP. Buôn Ma Thuột), có đông đủ đại diện lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND, MTTQ Việt Nam tỉnh cũng như đại diện các cơ quan, đơn vị, ban, ngành cùng mọi tầng lớp nhân dân trên địa bàn thành phố đến dâng hương và chiêm bái. Đặc biệt là chúc văn ca ngợi công đức các Vua Hùng và những bậc tiền nhân có công dựng nước và giữ nước suốt chiều dài lịch sử hàng nghìn năm của dân tộc vẫn được xướng lên trên nền nhạc tế lễ trang nghiêm, thành kính và xúc động.
Có thể nói, bất kỳ ai là con cháu Lạc Hồng khi được chứng kiến buổi lễ và lắng nghe bản chúc văn trong Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương đều không khỏi bồi hồi xúc động, xen lẫn niềm tự hào vô bờ bến. Còn nhớ trong Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2019 được tổ chức tại Đình Lạc Giao, Nghệ sĩ Ưu tú Vũ Lân thay mặt Ban tổ chức xướng lên bản chúc văn (do Giáo sư Vũ Khiêu khảo soạn) đã lay động tâm can người dự lễ. Bản chúc văn là “Bản tổng kết lịch sử” hùng hồn mấy nghìn năm của cha ông ta với đầy đủ thăng trầm dâu bể, lẫn sắc thái tình cảm và ý chí quật cường, sắt son của con dân Bách Việt qua mỗi chặng đường gìn giữ, bảo vệ chủ quyền đất nước.
Tái hiện một nghi thức trong lễ hội Đền Hùng. Ảnh: Báo Phú Thọ |
Mỗi câu, mỗi đoạn của bản chúc văn xướng lên trên nền nhạc tế lễ trang nghiêm khiến mọi người như được sống lại và đắm chìm trong ký ức: “Trăm ngọn núi chầu về đất Tổ/ Mẹ trăm con xây dựng một cơ đồ/ Đất nước mở mang từ đây/ Trải mười tám đời Vua Hùng chói ngời một cõi…”. Trong khoảnh khắc này, dường như bao trùm không khí thiêng liêng khó diễn tả thành lời. Tất cả mọi người đều lặng phắc, nhưng trong sâu thẳm tâm can, ai cũng nhận ra rằng - mình đang được trở về với cội nguồn dân tộc, về với sự khởi đầu của bốn nghìn năm văn hiến. Cứ thế, cảm xúc ấy miên man theo dòng lịch sử trong mỗi đoạn chúc: “Nước Văn Lang một góc trời thịnh trị/ Trăm họ yên dân với cuộc sống thanh bình/ Thế rồi khi vận nước đang lên/ Giặc ngoại xâm rắp tâm bày gian kế, đặt mưu hèn/ Khiến Mỵ Châu cùng cha tuẫn tiết/ An Dương Vương thất thế để Âu Lạc tan tành/ Thành Cổ Loa ghi một mối hờn sừng sững...”.
Tiếng trống, tiếng chiêng lúc này bỗng dưng như chùng xuống và trong tâm cảm của bao người như đọng lại nỗi buồn đau. Thời kỳ Bắc thuộc kéo dài gần một nghìn năm bắt đầu - và trong thời gian nước ta bị đô hộ ấy, đã có biết bao anh hùng, liệt nữ đứng lên cùng muôn dân giành lại chủ quyền, độc lập cho dân tộc: “Ba tấc kiếm của Trưng Vương hào nữ/ Một tấc lòng vì nợ nước đứng lên/ Rồi Lý Bí, Lý Bôn đến Ngô Vương dựng lại sơn hà xã tắc/ Muôn đời con cháu lưu danh…”. Chiêng trống âm vang trở lại tựa như vó ngựa, đao kiếm tung hoành cùng tiếng reo hò thắng trận, khép lại gần một nghìn năm đô hộ ngoại bang. Một thời đại, một chiến công hiển hách được lịch sử muôn đời ghi tạc để con cháu hôm nay biết ơn và ngưỡng vọng.
Đinh Tiên Hoàng dẹp loạn mười hai sứ quân, thống nhất giang sơn, định đô ở Hoa Lư và đặt rường mối cơ bản cho chế độ phong kiến Trung ương tập quyền. Lê Hoàn Thập đạo Tướng quân đánh tan quân Tống, bảo vệ nền độc lập, chủ quyền dân tộc. Lý Công Uẩn lên ngôi Hoàng đế, dời đô từ Hoa Lư về Thăng Long, xây dựng một nước Đại Việt hùng cường. Nhà Trần với chiến công vang dội ba lần đại phá quân Nguyên, tiếp tục mở mang bờ cõi và xây dựng đất nước văn hiến, phồn vinh. Đến thời đại Hồ Chí Minh, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đã đánh đổ chế độ thực dân - phong kiến và các thế lực xâm lăng hùng mạnh nhất để thống nhất đất nước, mở ra trang sử chói lọi nhất trong lịch sử nước nhà: Xây dựng chủ nghĩa xã hội, từng bước hội nhập với thế giới để mưu cầu cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho toàn dân.
Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương hằng năm là ngày quốc lễ của dân tộc ta - đây cũng là dịp để bày tỏ, vun đắp truyền thống yêu nước, thương nòi cho thế hệ kế tiếp nhằm xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu mạnh, hạnh phúc và hùng cường, xứng đáng với công đức của các Vua Hùng và các bậc tiền nhân.
Đình Đối
Ý kiến bạn đọc