Multimedia Đọc Báo in

"Vành đai diệt Mỹ" Khu 5 - một hình thức đánh giặc sáng tạo

08:11, 29/04/2021

Đầu năm 1965, đứng trước nguy cơ sụp đổ hoàn toàn của chế độ Sài Gòn, đế quốc Mỹ quyết định đưa quân đội vào tham chiến ở chiến trường miền Nam nhằm cứu nguy cho quân ngụy, tìm diệt các lực lượng vũ trang cách mạng miền Nam.

So sánh tương quan lực lượng, Mỹ - ngụy đông hơn ta gấp nhiều lần, trang bị hiện đại, sức cơ động chiến đấu cao, âm mưu, thủ đoạn thâm độc, tàn bạo. Khu 5 trở thành nơi đầu tiên đụng đầu với quân đội Mỹ và là địa bàn có đông lực lượng quân Mỹ và quân đồng minh nhất so với các nơi khác.

Trước tình hình đó, Khu ủy và Bộ Tư lệnh Khu 5 thống nhất chủ trương tổ chức lại lực lượng và thế trận chiến tranh nhân dân trên địa bàn toàn khu, trước hết ở các địa phương có căn cứ quân sự Mỹ, bảo đảm cho lực lượng vũ trang và nhân dân có điều kiện bám trụ để tiến công quân Mỹ ngay tại căn cứ xuất phát hành quân, nghĩa là đánh gần, đánh quần lộn, đánh hiểm, đánh sâu vào căn cứ quân sự Mỹ. Ngay sau đó, hệ thống làng xã, thôn ấp chiến đấu hình thành và phát triển trong những năm “chiến tranh đặc biệt” trước đây, được tổ chức lại thành “vành đai” bao vây, áp sát những căn cứ quân sự Mỹ.

Một đội nữ du kích tại “vành đai diệt Mỹ”. Ảnh tư liệu
Một đội nữ du kích tại “vành đai diệt Mỹ”. Ảnh tư liệu

Thế trận chiến tranh nhân dân kiểu “vành đai” không phải là một tập hợp đơn giản các làng xã, thôn ấp chiến đấu sẵn có, mà là sự gắn bó chặt chẽ trên các phương diện (như hệ thống tổ chức lãnh đạo, chỉ huy; hệ thống công sự, trận địa; bố trí và phối hợp giữa các lực lượng; công tác bảo đảm hậu cần, thông tin, liên lạc...) đủ tạo nên sức mạnh và tính bền vững của thế trận này. Chiến đấu và công tác trên mặt trận này trước hết và chủ yếu là các tổ, các đội săn cơ giới, bắn máy bay, bắn tỉa, pháo cối mang vác, trinh sát... được tổ chức gọn, trang bị vũ khí “nhẹ” để cơ động linh hoạt, thực hiện các cuộc tập kích, phục kích chớp nhoáng vào sâu căn cứ Mỹ hoặc nhằm vào các toán lính và xe cơ giới Mỹ lùng sục bên ngoài hàng rào căn cứ. Bên cạnh đó, lực lượng đấu tranh chính trị, binh vận bao gồm đông đảo phụ nữ mà nòng cốt là các nữ dân quân, du kích làm nhiệm vụ bảo đảm hậu cần cho lực lượng chiến đấu, che giấu và cứu chữa thương binh, bệnh binh, cắm chông, đặt bẫy, đào công sự hầm hào, chặn đầu các đoàn xe hoặc các toán lính Mỹ khi chúng càn quét, cày ủi ruộng vườn... Cuối cùng, mặt trận “vành đai” được tổ chức thành các tuyến hoặc các khu vực tùy điều kiện địa hình từng nơi, có hệ thống công sự, trận địa, hầm bí mật, hào giao thông bảo đảm cho việc bám trụ địa bàn, sản xuất, chiến đấu của lực lượng vũ trang và nhân dân.

Đi đôi với xây dựng làng, xã chiến đấu, xây dựng các tuyến chông, mìn, xây dựng các đơn vị dân quân du kích, bộ đội địa phương, ta còn cài cắm các tổ chức tự vệ mật ở các thôn xóm xung yếu, huy động lực lượng tiêu diệt quân Mỹ, Hàn Quốc vừa có tác dụng kìm chế chân địch, khiến cho địch bị động lúng túng, vừa tạo điều kiện cho các lực lượng đánh tiêu diệt, tiêu hao sinh lực và phương tiện chiến tranh của địch. Đó chính là sự kế thừa và phát huy truyền thống nghệ thuật quân sự đặc sắc của dân tộc “lấy ít địch nhiều”, “lấy yếu chống mạnh”, lấy ý chí thông minh, sáng tạo để chiến thắng kẻ thù có quân đông, vũ khí trang bị hiện đại.

Ngay sau ngày xuất hiện các “vành đai diệt Mỹ” ở Chu Lai, Đà Nẵng, An Khê thuộc địa bàn Khu 5, hình thức tổ chức thế trận này nhanh chóng được các địa phương miền Nam vận dụng sáng tạo tùy theo điều kiện địa hình cụ thể và tình hình thực tế của mỗi nơi. Các “vành đai diệt Mỹ” chẳng những góp phần ghìm chân một bộ phận quan trọng sinh lực quân Mỹ mà còn là địa bàn tập kết lực lượng quân sự, chính trị, là bàn đạp xuất phát tiến công của quân dân miền Nam trong dịp Tết Mậu Thân 1968.

Ngọc Diệp

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.