Multimedia Đọc Báo in

80 năm Ngày thành lập Mặt trận Việt Minh

Quá trình xây dựng và phát triển Mặt trận Việt Minh tại Đắk Lắk

15:33, 18/05/2021

Ở Đắk Lắk, sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, do những điều kiện lịch sử cụ thể, ánh sáng và đường lối cách mạng đến với đồng bào các dân tộc chậm hơn nhiều nơi khác.

Mặc dù vậy, cuối năm 1940, trước yêu cầu của tình hình cách mạng, một số tù nhân tại Nhà đày Buôn Ma Thuột liên hệ với nhau thành lập Chi bộ Cộng sản đầu tiên tại Đắk Lắk, Chi bộ được tổ chức hoạt động, phát triển đội ngũ đảng viên theo Chính cương, Điều lệ của Đảng. Từ năm 1942 trở đi, các chiến sĩ cách mạng ở Nhà đày Buôn Ma Thuột đã được học tập Nghị quyết của Trung ương Đảng, Chương trình, Điều lệ của Mặt trận Việt Minh và đưa ra tuyên truyền, phổ biến cho các cơ sở bên ngoài.

Vận động, xây dựng Mặt trận Việt Minh

Tháng 3-1945, Nhật đảo chính Pháp. Ở Đắk Lắk, thực dân Pháp ở Buôn Ma Thuột đầu hàng, bọn ngụy quyền thấy Pháp thất bại nhanh chóng thì hoang mang cực độ, còn chính quyền do Nhật nắm thì không có cơ sở chính trị, bối cảnh đó đã giúp các chiến sĩ cộng sản đấu tranh thoát khỏi nhà tù, tiến hành công tác tuyên truyền chủ trương của Đảng, Mặt trận Việt Minh, vận động nhân dân tham gia, nắm và kiểm tra lại các cơ sở đã xây dựng được.

Chỉ trong vòng không đầy nửa tháng sau đó, phong trào Việt Minh ở Đắk Lắk phát triển nhảy vọt. Số lượng hội viên Việt Minh và những người được giác ngộ đi theo cách mạng ở thị xã Buôn Ma Thuột và một số đồn điền lên tới trên 200 người, các tổ chức hợp pháp của ta tiếp tục phát triển và hoạt động, gây tầm ảnh hưởng của Việt Minh đến nhiều địa phương trong tỉnh.

Đầu tháng 5-1945, Hội nghị thành lập Ban lãnh đạo lâm thời của tỉnh được triệu tập. Hội nghị phân công đồng chí Phan Kiệm làm Trưởng ban phụ trách công tác binh vận, đồn điền, nông thôn, kiêm chủ nhiệm Việt Minh tỉnh. Cuối tháng 5, đầu tháng 6-1945, các tổ chức Việt Minh như: Công nhân cứu quốc, Nông dân cứu quốc, Thanh niên cứu quốc, Công chức cứu quốc... được phát triển mạnh ở các vùng đồn điền và lan ra nhiều vùng nông thôn, thị xã.

Mặt trận Việt Minh đoàn kết nhân dân khởi nghĩa giành chính quyền

Ngày 14-8-1945, Nhật đầu hàng các nước Đồng minh, tin này truyền đi nhanh chóng khắp mọi nơi trong nước. Tại thị xã Buôn Ma Thuột, ngày 14-8-1945 Ban lãnh đạo lâm thời tỉnh triệu tập hội nghị và quyết định về việc chuẩn bị gấp cho khởi nghĩa toàn tỉnh.

Ngày 17-8-1945, sau khi được tin huyện Vạn Ninh và một số xã huyện Ninh Hòa (tỉnh Khánh Hòa) đã khởi nghĩa thắng lợi, Tỉnh bộ Việt Minh Đắk Lắk chủ trương tiến hành ngay cuộc khởi nghĩa ở đồn điền Ca Đa. Tại đây, Lệnh khởi nghĩa của Tổng bộ Việt Minh lần đầu tiên được công bố trước quần chúng.

Sự ảnh hưởng của khởi nghĩa đồn điền Ca Đa, một loạt đồn điền và buôn làng dọc đường 26 đã gây một khí thế phấn khởi lớn trong nhân dân thị xã, thúc đẩy phong trào cách mạng cả tỉnh lên cao. Cơ sở cách mạng, nhiều tổ chức quần chúng và đồng bào nhân dân thị xã hưởng ứng phong trào Việt Minh.

 

Căn nhà số 57 Lý Thường Kiệt nơi ghi dấu những sự kiện lịch sử trọng đại của cách mạng Đắk Lắk. Ảnh: Bảo tàng Đắk Lắk
Căn nhà số 57 Lý Thường Kiệt, thị xã Buôn Ma Thuột. Ảnh: Bảo tàng Đắk Lắk

 

Tối ngày 19-8-1945, tại nhà số 57 đường Lý Thường Kiệt, thị xã Buôn Ma Thuột, Ban lãnh đạo lâm thời của tỉnh triệu tập hội nghị khẩn cấp và quyết định thời điểm giành chính quyền ở cấp tỉnh. Sáng ngày 22-8-1945, Ban lãnh đạo lâm thời của tỉnh họp Hội nghị mở rộng, Hội nghị đã quyết định: Khởi nghĩa giành chính quyền ở thị xã vào ngày 24-8-1945 và thành lập UBND cách mạng lâm thời tỉnh.

Lệnh khởi nghĩa được truyền về các cơ sở. Tối 23-8-1945 truyền đơn của Việt Minh đã xuất hiện ở thị xã kêu gọi quần chúng tham gia khởi nghĩa giành chính quyền.

15 giờ, ngày 24-8-1945, cuộc mít tinh giành chính quyền được tổ chức trọng thể tại sân vận động thị xã. Tham dự mít tinh có lực lượng vũ trang của các đồn điền, nhân dân lao động trong thị xã và các xã: Lạc Giao, Lạc Sa, thanh niên, học sinh, viên chức, nhân sĩ trí thức người dân tộc và toàn bộ lực lượng bảo an binh có vũ trang khoảng 500 binh lính. Đặc biệt hơn 3.000 đồng bào các dân tộc Êđê, M’nông, Gia Rai từ các buôn làng ven thị xã về dự sớm nhất. Một đại biểu của Việt Minh bước lên lễ đài, tuyên bố xóa bỏ chế độ thống trị của Nhật và tay sai, giành toàn bộ chính quyền về tay nhân dân.

Mặt trận Việt Minh tham gia xây dựng chính quyền, đoàn kết nhân dân kháng chiến chống Pháp

Sau khi giành được chính quyền, thực hiện chủ trương của Chính phủ Cách mạng lâm thời, Tỉnh bộ Việt Minh và UBND cách mạng lâm thời tỉnh đã thực hiện một loạt chủ trương biện pháp trên các mặt chính trị, kinh tế, quân sự và văn hóa xã hội.

Ngày 23-9-1945, khi thực dân Pháp gây hấn ở Sài Gòn, Tỉnh bộ Việt Minh thi hành một số biện pháp, trong đó có thành lập lực lượng vũ trang chính của tỉnh. Ngày 25-11-1945, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị: “Kháng chiến kiến quốc”. Chấp hành Chỉ thị, Tỉnh bộ Viêt Minh và UBND cách mạng tỉnh đã phát động toàn dân chuẩn bị tinh thần kháng chiến đến cùng chống thực dân Pháp, cứu nước.

Cuối tháng 11-1945, quân Pháp theo đường 14 đánh lên Tây Nguyên và tấn công Đắk Lắk. Đến ngày 14-12-1945, quân Pháp được máy bay, đại bác yểm trợ tấn công và chiếm thị xã Buôn Ma Thuột. Mặc dù đã kiên cường chiến đấu giữ từng tấc đất, chặn từng bước tiến của địch, nhưng cuối cùng toàn bộ tỉnh Đắk Lắk rơi vào tay giặc. Sau khi trở lại chiếm đóng, thực dân Pháp đã lập lại bộ máy cai trị cũ với một vài thay đổi nhỏ về mặt hình thức.

Đầu năm 1947, Ban cán sự tỉnh Đảng bộ Đắk Lắk được thành lập gồm: đồng chí Nguyễn Khắc Tính làm Bí thư; đồng chí Nguyễn Trọng Ba là Ủy viên phụ trách quân sự; đồng chí Ama Khê là Ủy viên phụ trách Mặt trận. Vào lúc này ở Đắk Lắk trong điều kiện chưa lập lại Ủy ban Việt Minh các cấp, nhưng trước yêu cầu cấp thiết của cuộc kháng chiến, Phòng Quốc dân thiểu số chỉ đạo củng cố lại các Ủy ban Việt Minh và các đoàn thể Việt Minh ở các làng, xã để tập hợp, vận động đồng bào tham gia kháng chiến.

Ngày 15-1-1948, Đảng chủ trương mở rộng hơn nữa Mặt trận Dân tộc Thống nhất, thành lập Mặt trận Liên Việt, Việt Minh là bộ phận trụ cột trong Liên Việt. Ở Đắk Lắk do điều kiện cụ thể chưa hình thành Mặt trận Liên Việt nên phong trào quần chúng vẫn do các tổ chức Mặt trận Việt Minh phụ trách. Dưới sự tổ chức của Mặt trận Việt Minh, phong trào “thi đua kháng chiến, kiến quốc” đã được đẩy mạnh.

Đối với Đắk Lắk, thời gian từ sau khi vỡ mặt trận Buôn Hồ (6-1946), bước vào cuộc toàn quốc kháng chiến cho đến cuối năm 1949 là thời gian ta khôi phục xây dựng các cơ quan chỉ đạo, xây dựng lực lượng, củng cố căn cứ bàn đạp từ đó tiến vào nội địa bám đất giành dân đi đôi tác chiến chống địch càn quét, từng bước phát động chiến tranh du kích chống địch nhằm biến hậu phương của địch thành tiền phương của ta.

Đại hội toàn quốc thống nhất Việt Minh - Liên Việt (từ 3 đến 7-3-1951) thống nhất Mặt trận Việt Minh và Mặt trận Liên Việt thành một mặt trận duy nhất là Mặt trận Liên hiệp Quốc dân Việt Nam (gọi tắt là Mặt trận Liên Việt). Ở Đắk Lắk lúc này chưa thành lập Mặt trận Liên Việt cấp tỉnh nhưng ở một số huyện như Buôn Hồ, M’Drắk, Cheo Reo đã thành lập được Mặt trận Liên Việt cấp huyện trên cơ sở Mặt trận Việt Minh. Thời gian này, Mặt trận và các đoàn thể Việt Minh đã hướng dẫn, tổ chức nhân dân thi đua sản xuất, xây dựng phát triển kinh tế, phát triển hậu cần phục vụ kháng chiến, phát triển phong trào du kích, mở mang trường lớp, cơ sở y tế…

Từ Đông Xuân năm 1952 - 1953 đến Xuân Hè năm 1954 cục diện chiến trường Đắk Lắk thay đổi, phong trào du kích phát triển rầm rộ ở hầu khắp, lực lượng vũ trang ta nhiều lần tấn công, phục kích tiêu diệt địch và giành nhiều thắng lợi. Ngày 7-5-1954, quân và dân ta giành chiến thắng ở Điện Biên Phủ, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Ngày 20-7-1954, Hiệp định Giơnevơ được ký kết. Ngay khi có lệnh ngừng bắn, các đội công tác đã đi các buôn làng tuyên truyền về thắng lợi của nhân dân ta. Quần chúng ở khắp nơi phá ấp trở về buôn cũ sinh sống.

Tóm lại, kể từ năm 1940, với những nỗ lực của các chiến sĩ cộng sản bị giam cầm tại Nhà đày Buôn Ma Thuột, đường lối cách mạng của Đảng, Điều lệ, Chương trình hành động của Việt Minh được tuyên truyền rộng khắp trong đồng bào các dân tộc, công nhân các đồn điền ở Đắk Lắk. Hàng trăm công chức, viên chức, sĩ quan, binh lính cũng đã gia nhập Việt Minh, hàng chục ủy ban Việt Minh đã được thành lập. Phong trào Việt Minh đã thổi bùng ngọn lửa cách mạng. Dưới sự tổ chức và lãnh đạo của Mặt trận Việt Minh, khởi nghĩa từng phần thắng lợi ở các đồn điền và kết thúc bằng cuộc khởi nghĩa đánh đổ chính quyền Pháp - Nhật vào ngày 24-8-1945, giành toàn bộ chính quyền về tay nhân dân.

Những năm đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1946 - 1950), dù tổ chức Mặt trận Việt Minh chưa kiện toàn có hệ thống, nhưng thông qua các ủy ban Việt Minh và đoàn thể Việt Minh ở các làng, xã đã làm động lực khơi dậy truyền thống cách mạng, động viên ý chí của cán bộ, chiến sĩ, đồng bào các dân tộc trong việc gây dựng lực lượng và tổ chức lại phong trào cách mạng trong vùng địch hậu.

Năm 1951, cuộc kháng chiến bước vào giai đoạn mới, Mặt trận Liên Việt được hình thành ở Đắk Lắk, kế tục vai trò của Mặt trận Việt Minh. Dù trong điều kiện chưa thành lập tổ chức Mặt trận Liên Việt cấp tỉnh nhưng nhiều huyện đã thành lập Ủy ban Mặt trận Liên Việt huyện, tổ chức các cuộc Đại hội nhân dân, xây dựng vùng căn cứ, động viên sức người sức của phục vụ kháng chiến, phát động đấu tranh phá tề trừ gian và đẩy mạnh phong trào chiến tranh du kích, góp phần vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

(Hết)

Báo Đắk Lắk Điện tử  (Tài liệu Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đắk Lắk)

 


Ý kiến bạn đọc