Lênin nói về báo chí cách mạng
Năm 1917, Cách mạng Tháng Mười Nga thành công mở ra thời đại mới - thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn thế giới. Trong quá trình lãnh đạo phong trào cách mạng của giai cấp vô sản, V.I.Lênin đã nhận thấy ý nghĩa to lớn của báo chí hợp pháp đối với công tác cổ động và tổ chức của Đảng Cộng sản.
Lênin cho rằng, thành lập một đảng mà không tổ chức ra một tờ báo nhất định làm cơ quan đại diện đúng đắn cho đảng đó thì trong một chừng mực lớn, việc thành lập đó sẽ chỉ là lời nói suông thôi.
Lênin nhấn mạnh rằng, chỉ có thiết lập một cơ quan ngôn luận chung của đảng mới có thể làm cho chính bản thân nội dung công tác tuyên truyền và cổ động được mở rộng và sâu sắc thêm. Mục đích của báo đảng đó là thống nhất tư tưởng và phát triển nhất quán chủ nghĩa Mác và Ănghen trong giai cấp công nhân, kiên quyết bác bỏ những sửa chữa nửa vời, mơ hồ và cơ hội chủ nghĩa. Tuy nhiên, khi đứng trên quan điểm đã được xác định rõ ràng của mình là Chủ nghĩa Mác và Ănghen thì báo đảng cũng không hề gạt bỏ sự tranh luận trên tình đồng chí ra khỏi những cột báo của mình.
Lênin nói với những cán bộ trong ngành báo chí rằng, chúng ta phải làm hết sức mình để tất cả các đồng chí ở trong nước đều coi báo đảng là cơ quan của chính bản thân họ, và mỗi người sẽ cung cấp tin tức, kinh nghiệm, ý kiến, nhu cầu của mình cho báo đảng. Chỉ với điều kiện ấy, báo đảng mới trở thành một cơ quan ngôn luận dân chủ - xã hội thực sự. Chỉ có cơ quan ngôn luận như thế mới có khả năng hướng phong trào đi vào con đường thênh thang của cuộc đấu tranh chính trị; mở rộng phạm vi và mở rộng nội dung công tác tuyên truyền, cổ động và tổ chức của chúng ta. Tuy nhiên, vai trò của tờ báo không chỉ đóng khung ở chỗ phổ biến tư tưởng, giáo dục chính trị và thu hút những đồng minh chính trị. Tờ báo không những là người tuyên truyền tập thể và cổ động tập thể, mà còn là người tổ chức tập thể; nó giúp cho những người thường xuyên theo dõi nó quen với việc theo dõi chăm chú những biến cố chính trị, đánh giá ý nghĩa của những biến cố ấy đến các tầng lớp khác nhau trong nhân dân và vạch ra cho đảng cách mạng những phương pháp hợp lý để tác động đến những biến cố ấy.
V.I.Lênin luôn coi báo chí cách mạng là vũ khí tư tưởng trong đấu tranh cách mạng của quần chúng. Ảnh tư liệu |
Lênin khẳng định rằng, nhiệm vụ của báo chí không những là phổ biến những tin tức chính trị hằng ngày, giáo dục kinh tế cho quần chúng nhân dân mà còn phải đạt tới chỗ phục vụ quần chúng nhân dân, báo chí phải nêu lên hàng đầu những vấn đề lao động, cách đặt những vấn đề ấy phải mang tính chất thật là thực tiễn. Báo chí phải vạch ra những khuyết điểm trong đời sống kinh tế, phê phán thẳng tay những khuyết điểm đó, công khai vạch trần tất cả những “ung nhọt” trong đời sống kinh tế của chúng ta và do đó dựa vào dư luận xã hội của quần chúng lao động để chữa những ung nhọt đó. Người mong muốn rằng các báo sẽ giới thiệu cho toàn dân biết cách làm ăn kiểu mẫu của một số ít công xã lao động đã vượt qua những công xã khác trong nước, nói về việc nâng cao kỷ luật lao động của những công xã đó, sự hiểu biết về công việc của họ ăn khớp với các cán bộ lãnh đạo chuyên môn, những kết quả thực tế của họ về tăng năng suất lao động, tiết kiệm sức người, bảo vệ sản phẩm lao động. Báo chí cũng phải dành nhiều không gian để nói về đời sống mới, trong xây dựng nền kinh tế mới thực tế có đạt được thành tựu nào không? Nhiệm vụ của báo chí trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa cộng sản là phải thường xuyên dùng những gương điển hình, cụ thể, sinh động trong mọi lĩnh vực đời sống để giáo dục quần chúng.
Hãy gần gũi đời sống hơn nữa, hãy chú ý nhiều đến công việc thường ngày của quần chúng công nông, hãy xem họ sáng tạo ra cái mới như thế nào và hãy kiểm nghiệm kỹ hơn xem cái mới đó có tính chất cộng sản đến mức độ nào…
Thấm nhuần chủ nghĩa Mác – Lê nin, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất tâm đắc những quan điểm của Lênin về báo chí: “Trong thời đại ngày nay, không có tờ báo chính trị thì không thể có phong trào gọi là chính trị”, “chúng ta cần trước hết là tờ báo, không có nó thì không thể tiến hành một cách có hệ thống cuộc tuyên truyền, cổ động hết sức có nguyên tắc và toàn diện”; “Báo chí là người tuyên truyền, người cổ động, người tổ chức chung, người lãnh đạo chung”… Từ đó, báo chí cách mạng đã được khai sinh, phát triển và trở thành vũ khí sắc bén của cách mạng Việt Nam.
Thanh Nhi