H’Bia H’Bia Plêô – một khan nổi tiếng của đồng bào Êđê M’Dhur
Sử thi H’Bia H’Bia Plêô được chúng tôi sưu tầm ở xã Krông Jing (M’Drak) do Ama H’Ril kể, Y Wơn dịch. Đây là một sử thi nổi tiếng được lưu truyền trong các buôn làng của đồng bào Ê đê M’Dhur.
Chuyện kể rằng, ở một buôn nọ có hai anh em chàng Chim Mta và H’Bia H’Bia Plêô mồ côi cha mẹ phải sống trong một túp lều nhỏ ở cuối buôn, họ kết nghĩa anh em với chàng Y Rít (cũng mồ côi cha mẹ từ lúc còn nhỏ) phải ở với bà Sun. Hằng ngày chàng Chim Mta thường rủ chàng Y Rít đi rừng, đi rẫy. Đôi bạn này làm gì cũng làm chung, đi đâu cũng đi cùng, kiếm được thức ăn gì họ cũng đều chia sẻ cho nhau.
Một hôm hai chàng Chim Mta và Y Rít lên rẫy sớm, còn nàng H’Bia Plêô ở nhà lo việc cơm nước. Khi nấu cơm xong, nàng H’Bia Plêô chuẩn bị nấu canh thì không còn lá yao để nấu canh bột, nàng liền qua nhà bà Sun để xin lá yao nhưng bà Sun cũng không có. Bà chỉ cho nàng một ít trứng nhỏ do bà nhặt được ở bờ suối khi đi lấy nước. H’Bia Plêô không biết đó là trứng rắn nên mang về nấu canh chuẩn bị bữa cơm trưa. Gần trưa, do khát nước chàng Chim Mta về nhà uống nước, thấy nồi canh ngon quá, đang lúc đói chàng liền húp một hơi hết luôn cả nồi canh. Nàng H’Bia Plêô đành đi nấu nồi canh khác.
Chiều hôm ấy, chàng Chim Mta cảm thấy nóng nực trong người. Chàng liền ra sông tắm, tắm xong về nhà chàng lại thấy ngứa ngáy khó chịu vô cùng, nhất là ở trên đầu. Chàng nhờ em gãi trên đầu để tìm chấy rận, nhưng có con chấy rận nào đâu. Thình lình trên đầu chàng mọc một cái mào giống mào gà. Mào đó trồi lên cao dần giống cái mào của rắn thủy thần. Nàng H’Bia Plêô thấy thế khóc thương anh.
Theo yêu cầu của chàng Chim Mta, nàng H’Bia Plêô dẫn ra một khúc sông, rồi gọi thủy thần xin cho anh mình ở nhờ kẻo ở trên đất liền chàng không sao sống được. Chia tay em gái để chàng Chim Mta nhảy xuống sông, nhưng H’Bia Plêô khóc lóc thương anh không cho Chim Mta xuống nước. Cứ mỗi lần chàng Chim Mta định nhảy xuống sông là nàng H’Bia Plêô khóc lóc thảm thiết. Nhiều lần như vậy làm cho Chim Mta không thể nào nhảy xuống sông được, cuối cùng chàng lấy cái giỏ xúc tép úp lên đầu em gái mình cho biến thành tổ mối, và cắm cây giáo một bên biến thành cây kơ nia và chàng đi xuống sông. Vừa xuống đáy sông chàng đã đứng ngay trước một buôn làng của thủy thần. Chàng vào gặp thủy thần để xin ở nhờ, nhưng thủy thần không cho mà đòi đánh nhau, ai thắng sẽ ở trong lâu đài của thủy thần và làm chủ cả buôn làng. Hai bên đánh nhau suốt bảy ngày đêm, cuối cùng chàng Mta đã giết chết thủy thần. Chàng được phong là Yang Mta, tất cả của cải, nhà cửa, nô lệ đều thuộc về chàng. Từ đó chàng trở thành người giàu sang nhất vùng, các thủy thần xung quanh đều kính nể.
Còn ở trên mặt đất thì nàng H’Bia Plêô vẫn nằm trong tổ mối bên gốc cây kơ nia, cạnh bờ sông. Một hôm có hai chàng mù và điếc rủ nhau đi săn. Buổi trưa nắng họ nghỉ lại bên gốc cây kơ nia bên cạnh tổ mối. Họ phát hiện có tiếng nói ở trong tổ mối, chàng điếc nhìn qua lỗ nhỏ thấy một cô gái xinh đẹp đang kẹt trong đó. Hai người về báo cho M’tao biết. M’tao kéo các nô lệ đi xem thì thấy cô gái trong tổ mối rất xinh đẹp. Ông sai tôi tớ dùng rìu, dao phá tổ mối, nhưng bao nhiêu rìu dao đều bị gãy. Ông sai voi đến đá tổ mối, 7 con voi khỏe cũng bị què chân. Cuối cùng phát hiện ra chỉ còn chàng Y Rít là chưa đến phá tổ mối. Chàng được nàng H’Bia Plêô mách bảo trong giấc mơ là dùng chiếc kim khâu cắm lên đỉnh tổ mối rồi lấy tay đào là tổ mối đổ sập. Chàng Y Rít làm đúng như trong giấc mơ và cứu được nàng H’Bia Plêô ra khỏi tổ mối. Nhưng M’tao lại bắt nàng H’Bia Plêô về nhà của hắn hòng ép nàng làm vợ bé. Nàng H’Bia Plêô ra điều kiện với M’tao: Nếu ông kéo anh trai Chim Mta dưới sông lên bờ được thì tôi sẽ lấy ông làm vợ, bằng không ông phải để cho tôi được tự do.
M’tao hí hửng kéo cả bầy nô lệ và nhiều trai làng khỏe mạnh ra bờ sông làm đủ mọi cách nhưng không tài nào kéo được Yang Mta lên bờ. Sau bảy ngày đêm ăn chực nằm chờ ở bờ sông, tốn bao nhiêu công sức nhưng không tài nào thực hiện được yêu cầu của nàng H’Bia Plêô, lão Mtao đành để cho nàng được tự do.
Chàng Y Rít đêm đó nằm mơ thấy Yang Mta về bảo: Bạn muốn kéo mình lên bờ thì dùng sợi tóc của bạn với tóc của em gái ta H’Bia Plêô kết lại thành dây thì mới kéo mình lên được. Sáng hôm sau chàng Y Rít đến gặp nàng H’Bia Plêô và kể lại giấc mơ tối qua. Thế là hai người đi ra bờ sông làm theo giấc mơ. Quả nhiên Yang Mta được kéo lên bờ. Anh em gặp nhau mừng rơi nước mắt. Sau đó, nàng H’Bia Plêô đưa anh trai mình (mặt người hình rắn) về ở nhờ chòi của nàng H’lui. Hằng ngày H’lui thay nàng mang cơm cho Yang Mta và đưa Yang Mta ra sông tắm. Một hôm nàng H’lui ngủ lại chòi của mình, đến nửa đêm Yang Mta nằm ở cuối nhà lột xác thành chàng trai khỏe mạnh đẹp trai đến nằm cạnh nàng. Nhiều đêm như vậy, nàng H’lui sinh nghi, sau đó nàng giả vờ ngủ say và bắt được chàng từ vỏ rắn biến thành. Nàng giữ vỏ rắn không cho chàng chui vào. Yang Mta van xin mãi nàng mới thả cho chàng ra để chui vào vỏ rắn như cũ.
Sau khi xin phép mẹ, và xin phép nàng H’Bia Plêô, nàng H’lui đưa Yang Mta ra sông tắm. Ở đây chàng tự lột vỏ rắn biến thành chàng trai trẻ đẹp. Chàng hóa phép cho nàng H’lui cũng trẻ đẹp hơn xưa, đồng thời hóa phép thành hai con voi có kẻ hầu người hạ trở về buôn làng. Về nhà chàng hóa những cái chòi rách nát thành những ngôi nhà dài lộng lẫy, của cải, nô lệ đông như bầy kiến. Rồi chàng cho người rước em gái H’Bia Plêô và bạn Y Rít cùng mọi người thân về ở trong những ngôi nhà lộng lẫy ấy và tổ chức lễ cưới linh đình suốt bảy ngày đêm. Đám cưới của em gái H’Bia Plêô và bạn Y Rít cũng được tổ chức ở nơi đây. Khách muôn phương: người Êđê, người M’nông, người Bih, người Ja Rai, người Ba Na đến mừng đông như ngày hội, chật cửa trước, đầy cửa sau, rộn ràng, náo nhiệt.
Từ đó chàng Chim Mta trở thành tù trưởng giàu mạnh nhất vùng, chàng sống hạnh phúc cùng nàng H’lui và hai người em của mình là H’Bia Plêô và Y Rít cùng với buôn làng.
Trong buôn có gia đình ông Ôh Hroh 7 người con gái, Ah H’ra 4 người con gái thấy H’lui lấy chồng rắn (biến thành người) trở thành giàu có nên bảo cha mình ra rừng tìm rắn thần về làm chồng. Người cha vào rừng bắt con trăn về, đến đêm con trăn nuốt hết 7 cô gái vào bụng. Sáng dậy người cha mở cửa thấy cảnh tượng này, sợ quá vội chạy đến nhờ chàng Chim Mta giúp. Chàng Chim Mta dùng phép cứu được các cô gái sống lại.
Từ đó trong buôn làng của tù trưởng Mta, mọi người sống bình đẳng, hạnh phúc, không ai có lòng tham lam độc ác như gia đình ông Ôh Hroh 7 người và Ah H’ra 4 người kia nữa. Tất cả đều coi tù trưởng Mta là người anh hùng biết sống vì buôn làng.
Sử thi H’Bia Plêô thể hiện giàu ngôn ngữ hình tượng, giàu chất thơ, có sức lôi cuốn người đọc đến kỳ lạ. Nó là một trong những khan anh hùng của người Êđê Mdhur ở vùng núi Krông Jing, huyện M’Drak hiện nay vẫn đang được lưu truyền trong cuộc sống cộng đồng.
Trương Bi
Ý kiến bạn đọc