Multimedia Đọc Báo in

Những sắc màu văn hóa

Lời dặn cô dâu, chú rể trước ngày cưới của người Mông

20:47, 08/05/2011

Dân tộc Mông rất nền nếp, khắt khe trong việc hỏi cưới, dựng vợ gả chồng. Ngày xưa, con trai phải qua tuổi 25 mới được phép cưới vợ, còn con gái sớm cũng phải qua tuổi 20. Muốn lập gia đình, người con trai phải biết làm ăn, ngoài chuyện nương rẫy còn phải biết đan gùi, đan nia, đan rổ... người con gái phải rành dệt khố, kéo chỉ, dệt váy... từ lúc tìm hiểu yêu đương đến lúc thành thân, người Mông phải tiến hành nhiều nghi lễ khác nhau.

Lễ cưới chính thức thường diễn ra sau 1-3 năm, kể từ khi làm lễ dạm hỏi. Trong lễ cưới, hai bên gia đình chọn ông mai là một già làng có uy tín làm chủ lễ, tiến hành các lễ nghi và thay mặt gia đình có lời giáo dục cô dâu chú rể về ăn ở, cách sống, cư xử sau khi đã nên vợ, nên chồng.

Cô dâu chú rể ngồi bên nhau, vừa uống chén rượu cưới vừa để tâm lắng nghe những lời dặn dò, khuyên răn của ông mai. Ông ân cần đọc những câu thơ chứa đựng nội dung giáo dục sâu sắc, bày tỏ tâm tình với đôi vợ chồng trẻ, mọi người dự lễ vừa nghe vừa góp ý thêm. Lời giáo dục ấy đề cập nhiều vấn đề, nêu lên ý thức xây dựng, giữ gìn hạnh phúc gia đình, trong quan hệ gia đình phải thuận vợ, thuận chồng. Trong quan niệm hôn nhân của người Mông, những hành vi sau đây là tối kỵ, luôn bị phê phán, xử phạt: vợ chồng bất hòa, cãi cọ nhau, xé chiếu, xé chăn, làm rách quần áo, nhất là đánh nhau gây thương tích. Dù có tức giận đến mấy cũng không được cãi nhau trong bữa cơm, hai vợ chồng trót có xô xát thì cấm không được “khóc dai", không được nguyền rủa nhau, không được thách đố nhau, nhất là không được chửi rủa, xúc phạm đến cha mẹ, họ hàng hai bên; không được tự ý bỏ về nhà cha mẹ đẻ hoặc sang nhà người khác nói xấu nhau. Nếu có chuyện gì mâu thuẫn, hai vợ chồng phải thưa với cha mẹ hoặc báo với chủ làng để phân xử, giải quyết. Nếu việc bất hòa giữa hai vợ chồng không dàn xếp được thì có quyền ly thân, nếu không thể làm lành được thì trong thời gian 3 năm, người chồng mới được phép quay về nhà bố mẹ đẻ (vì trong hôn nhân người Mông, con trai lấy vợ phải ở rể).

Lời dạy bảo quan trọng nhất là đôi vợ chồng trẻ phải sống chung thủy, không được ngoại tình. Trong ăn ở phải tuân thủ theo tục lệ của hai gia đình, mọi việc phức tạp phải hỏi ý kiến của người lớn tuổi và các già làng, ai tự tiện làm trái với những tục lệ gia đình đều phải chịu phạt theo phong tục. Vợ chồng ăn ở phải biết tôn trọng nhau, đi đâu, làm việc gì cũng phải trao đổi cho nhau biết, không được lén lút, bàn bạc làm ăn mua bán phải có sự nhất trí của vợ chồng, con dâu, con rể phải tôn trọng và giữ uy tín cho hai gia đình, không được làm những điều phi pháp trái với đạo lý, phong tục, ảnh hưởng đến hai gia đình.

Vấn đề con cái cũng được già làng nhắc nhở trước. Vợ chồng sinh con đẻ cái phải nuôi dưỡng chăm sóc tốt, không được chửi mắng, đánh đập chúng, cha mẹ không được cãi vã to tiếng với nhau vì bức xúc chuyện nuôi con gặp khó khăn. Khi con cái ốm đau phải thưa với cha mẹ hoặc hai bên gia đình trong nhà để bàn bạc tìm cách thuốc thang chữa trị, có cãi nhau, giận hờn đến mấy cũng không được chửi vợ chồng hoặc con mình là “ma lai" vì đồng bào Mông rất sợ bị nghi là ma lai.

Việc giáo dục đôi vợ chồng trẻ là một nghi lễ bắt buộc trong một lễ cưới chính thức của vợ chồng người dân tộc Mông. Đây là những lời dạy bảo nhẹ nhàng, thâm thúy của những người có trách nhiệm đối với con cháu khi bước vào cuộc sống gia đình, nó có ý nghĩa như phổ biến luật tục về hôn nhân, gia đình và những thành viên trong cộng đồng phải có trách nhiệm thực hiện. Đi kèm với lời khuyên răn nói trên là những lời nhắc nhở, răn đe, nếu ai vi phạm sẽ bị hình phạt tùy theo mức độ. Bản thân cha mẹ và các già làng cũng không được vi phạm những điều gì mà mình đã từng khuyên răn con cháu không nên làm.

Theo Vietbao


Ý kiến bạn đọc