Văn hóa rượu cần và bảo tàng ché cổ
Biên Hòa, Bình Dương, những trung tâm gốm sứ nổi tiếng của cả nước từ lâu đã góp phần hình thành nên văn hóa rượu cần của cả khu vực Trường Sơn-Tây Nguyên. Trong các sản phẩm gốm sứ, ché vừa là sản phẩm dân dụng vừa là loại hình đồ gốm mang tính thẩm mỹ cao và được tiêu thụ mạnh ở miền Tây và cao nguyên miền Thượng.
Rượu cần, người Cơtu gọi buốh, người Êđê gọi là kpiê ché, người M’nông gọi là yang n’ranh. Rượu cần được đựng trong những chiếc ché hay ghè bằng sành, sứ do người Kinh ở đồng bằng làm ra. Với đồng bào miền núi, ché rượu cần là một loại tài sản quý. Những gia đình khá giả luôn có một vài bộ ché lớn nhỏ khác nhau được cất giữ cẩn thận trong nhà. Cùng với trâu, bò, cồng chiêng, đồ trang sức, ché cũng là thước đo sự giàu có của mỗi gia đình. Người ta sắm ché chẳng những để ủ rượu cần mà để dành như vật gia bảo, có thể làm sính lễ trong cưới hỏi, đền bù khi xử phạt, thanh toán nợ nần, làm quà biếu tặng bạn bè, người thân, sui gia.
Hầu hết các dân tộc ở vùng Trường Sơn-Tây Nguyên đều làm ra rượu cần để uống. Người Cơtu làm rượu cần từ nếp than, nếp đỏ, sắn, ngô, kê, bo bo (ý dĩ)... Các loại lương thực này sau khi nấu chín, mang ủ cho lên men rồi cho vào ché để một thời gian sẽ thành rượu. Người ta gọi là rượu cần vì dùng cần để hút hoặc rượu ghè, rượu ché vì chúng được đựng trong ghè, ché. Ngày xưa người Cơtu làm men bằng gạo, lá trầu rừng, củ riềng, vỏ quế phơi khô giã mịn trộn đều rồi nặn thành bánh men. Bánh men được phơi khô cho cứng và bảo quản được lâu hơn, khi nào dùng thì giã bánh men thành bột trộn với cơm rượu rồi ủ một thời gian trong ché. Men càng để lâu ủ rượu càng ngon.
Thiếu nữ Tây Nguyên đang thưởng thức rượu cần. |
Với nhiều tộc người, ché là hiện vật rất linh thiêng, nơi trú ngụ của các vị thần linh. Khi tiến hành các lễ nghi cúng sức khỏe, ăn mừng lúa mới, cưới gả, đồng bào không quên lấy huyết gà bôi vào miệng ché để làm phép, thông báo và mời thần ché cùng dự tiệc với gia chủ. Giá trị văn hóa to lớn của các ché rượu cần có thể thấy ở nhiều phương diện, từ tiêu dùng, thỏa mãn nhu cầu cuộc sống đến cuộc sống tâm linh, sinh hoạt văn hóa, nếp sống, lối ứng xử của cộng đồng. Do đó, lễ hội truyền thống dân tộc hiển nhiên phải có rượu cần, càng nhiều càng tốt. Người đến dự lễ hội thường vác theo một vài ché rượu để tặng chủ lễ, vì thế, có những lễ hội, ché rượu cần lớn nhỏ, cũ mới đặt la liệt trong nhà và ngoài sân.
Ché làm từ gốm Biên Hòa, Bình Dương ngoài kiểu dáng đẹp còn đầy ắp mô típ trang trí hoa lá như mai, mẫu đơn, lựu, hoa hồng, sen, trúc, thủy tiên, trầu cau; động vật như rùa, ve sầu, hổ, ngựa, gà, chim, cá; người như bát tiên, mục đồng và các đề tài khác như mây, rồng. Vẻ đẹp của chiếc ché cũng gợi sức sáng tạo nghệ thuật dân gian các dân tộc thiểu số. Nhiều bức vẽ, phù điêu, tượng trang trí trên nhà, hoa văn trên trang phục, đồ dùng sinh hoạt, công cụ lao động... của người miền núi được mô phỏng theo các mô típ trên chiếc ché.
Người Thượng sẵn sàng bỏ tiền của, tài sản để sắm đủ các loại ché. Qua các thế hệ, họ tích lũy được nhiều loại ché cổ vài trăm năm tuổi. Ché túc ché tang của người Êđê, ché rlung của người M’nông là các loại ché quý có thể đổi bằng nhiều tiền, trâu, bò, cồng chiêng. Các loại ché có màu men đẹp, lạ, có hoa văn rồng và hoa văn hình học, hoa lá được đồng bào rất ưa thích. Ché còn có nhiều kiểu dáng cao thấp, to nhỏ, tròn dài khác nhau. Ché “mẹ bồng con” là loại ché đặc biệt, trên miệng ché có gắn những chiếc ché con, là sản phẩm quí giá không phải nhà nào cũng có được. Người Cơtu thích các loại ché có nắp để bảo quản rượu được lâu dài. Các loại ché đều có giá trị ngang giá khác nhau, ché rlung nhỏ đổi một con trâu nghé, ché vừa đổi được con trâu choi, ché lớn đổi được con trâu lớn có bộ sừng dài.
Ché là hiện vật góp phần làm nên văn hóa rượu cần Tây Nguyên, bản sắc của người miền Thượng. Có thể nói rằng, vùng Trường Sơn-Tây Nguyên chính là một bảo tàng ché cổ khổng lồ nhất của cả nước. Ngay cả Bình Dương, Biên Hòa cũng không thể tìm ra nhiều ché cổ như miền Thượng, bởi vì trước đây họ sản xuất ra thì mang đi tiêu thụ hết. Hiện nay, các loại ché rượu cần vẫn còn lưu giữ ở các bản làng, một số được đưa về các bảo tàng tỉnh, nhà truyền thống địa phương và cũng là hiện vật không thể thiếu trong các bộ sưu tập của những người chơi đồ cổ.
Nhiều nhà văn hóa, bảo tàng học hình thành ý tưởng thành lập các bảo tàng về gốm sứ, trong đó có bộ sưu tập về các loại ché cổ. Trong không gian bảo tàng gốm sứ sẽ có những ngôi nhà rông, nhà dài, nhà trệt mái vòm của Tây Nguyên, Trường Sơn với dãy ché cổ sắp hàng hoặc treo trên những chiếc giá, bên cạnh những dàn chiêng cổ, tái hiện các lễ hội truyền thống với cảnh uống rượu cần, đánh chiêng; triển lãm các tác phẩm điêu khắc lấy đề tài từ chiếc ché cổ; những bộ trang phục với mô típ hoa văn quen thuộc trên chiếc ché xưa...
Tuy nhiên, trước nạn buôn bán, săn lùng đồ cổ, hiện vật dân tộc học, cán bộ làm công tác sưu tầm ở các bảo tàng thường đi sau đến muộn hơn những lái buôn đồ cổ. Nhiều ché cổ quí giá được âm thầm chuyển đổi chủ sở hữu, từ vật gia bảo của người miền núi đã biến thành món hàng kiếm lời của các con buôn. Nhà nước cần có biện pháp gìn giữ, bảo tồn ché và văn hóa rượu cần. Các bảo tàng địa phương cần tích cực sưu tầm và phối hợp triển lãm, trưng bày bộ sưu tập ché cổ của đồng bào trong các lễ hội lớn như Festival cồng chiêng, Festival gốm sứ, Ngày hội văn hóa các dân tộc Tây Nguyên... nhằm giới thiệu đến công chúng một nét đặc trưng của văn hóa tộc người Trường Sơn-Tây Nguyên và sự sáng tạo độc đáo của các làng gốm ở Bình Dương, Biên Hòa.
Ý kiến bạn đọc