Multimedia Đọc Báo in

Hát Xẩm - một loại hình âm nhạc dân gian đặc sắc

21:32, 06/10/2011

Trong mạch nguồn âm nhạc dân gian, có một dòng chảy từ bao đời nay đã gắn bó với con người Việt Nam, đặc biệt là với cuộc sống dân dã, thị thành và kẻ chợ… đó là là hát Xẩm. Thể loại âm nhạc này trước đây được lưu truyền chủ yếu ở các tỉnh phía Bắc như: Bắc Giang, Hà Nội, Hà Đông, Hải Phòng, Thanh Hóa… với những hình thức biểu diễn rất độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa khu vực.

Theo các nghệ nhân, hát Xẩm được hình thành khoảng thế kỷ thứ 14. Từ khi ra đời đến khoảng nửa đầu thế kỷ 20, hát Xẩm được gọi với những tên khác nhau như hát rong, hát dạo…

Theo truyền thuyết, đời nhà Trần, vua cha có hai hoàng tử là Trần Quốc Toán và Trần Quốc Đĩnh. Do tranh giành quyền lực nên Trần Quốc Đĩnh bị Trần Quốc Toán hãm hại, chọc mù mắt rồi đem bỏ giữa rừng sâu. Tỉnh dậy, hai mắt mù loà nên Trần Quốc Đĩnh chỉ biết than khóc rồi thiếp đi. Trong mơ, bụt hiện ra dạy cho ông cách làm một cây đàn với dây đàn làm bằng dây rừng và gẩy bằng que nứa. Tỉnh dậy, ông mò mẫm làm cây đàn và thật lạ kỳ, cây đàn vang lên những âm thanh rất hay khiến chim muông sà xuống nghe và mang hoa quả đến cho ông ăn. Sau đó, những người đi rừng nghe tiếng đàn đã tìm thấy và đưa ông về. Trần Quốc Đĩnh dạy đàn cho những người nghèo, người khiếm thị. Tiếng đồn về những khúc nhạc của ông lan đến tận hoàng cung, vua vời ông vào hát và nhận ra con mình. Trở lại đời sống cung đình nhưng Trần Quốc Đĩnh vẫn tiếp tục mang tiếng đàn, lời ca dạy cho người dân để họ có nghề kiếm sống. Hát xẩm đã ra đời từ đó và Trần Quốc Đĩnh được suy tôn là ông tổ nghề hát Xẩm nói riêng cũng như hát xướng dân gian Việt Nam nói chung.

Đầu thế kỷ 20 Xẩm đã phát triển thành một nghề để những người dân nghèo kiếm sống nơi thành thị và được truyền dạy từ thế hệ này sang thế hệ khác. Xẩm thành thị ra đời, hối hả hơn, bóng bẩy hơn để phù hợp với cuộc sống nơi đây. Bên cạnh các loại xẩm chính tông như Xẩm chợ, Xẩm xoan, Xẩm thập ân.. nghệ nhân xẩm đã kết hợp, du nhập thêm các loại hình khác như Sa mạc, Trống quân, Cò lả...Việc kết hợp như vậy vừa làm phong phú hơn mượt mà hơn cho các câu hát xẩm, vừa phổ biến các loại hình khác rộng rãi trong dân gian. Theo thời gian, xẩm đã dần phát triển và định hình thành một nghệ thuật âm nhạc độc đáo với hệ thống làn điệu riêng. Bởi thế, tên những điệu hát này thường hay kèm theo chữ “xẩm”, như những làn điệu Xẩm xoan, Xẩm chợ… với tính chất lạc quan, khỏe khoắn, tươi vui, yêu đời.

Những nghệ nhân hát Xẩm dạo
Những nghệ nhân hát Xẩm dạo

Trong hệ thống làn điệu của Xẩm, có những làn điệu hấp dẫn, đặc sắc đến mức các bộ môn nghệ thuật khác như Chèo, Quan họ và thậm chí Ca trù đều phải “vay mượn”, như các điệu Xẩm huê tình, Xẩm chợ, Xẩm xoan... Bài Xẩm huê tình khi được các đào nương, kép đàn ca trù du nhập vào trong hình thức ca quán, thường gọi là điệu Xẩm cô đầu (hay Xẩm nhà trò). Nói vậy để thấy các nghệ sĩ giáo phường ca trù rất tôn trọng nghệ thuật Xẩm, họ vẫn giữ chữ “Xẩm” ở làn điệu này nhằm chỉ rõ gốc gác của làn điệu.

 Nhìn chung, dung lượng lời ca các bài Xẩm thường khá dài, đủ để chuyển tải nhiều nội dung khác nhau, mang đậm phong cách hát kể chuyện. Không tìm thấy những bài ca ngắn gọn ở đây. Điều này có thể hiểu được, bởi trong môi trường diễn xướng hỗn tạp đông người nơi đầu chợ, bến đò, góc phố.., sự “dài hơi” của những bài ca là điều tối cần thiết. Người ta sẽ không thể cảm nhận kịp những bài ca ngắn (kiểu cấu trúc ca khúc). Thế nên các nghệ sĩ xẩm luôn phải sáng tạo thật nhiều lời ca dài khác nhau để câu khách. Ngay đến câu ngâm sa mạc - một làn điệu mà chỉ cần một cặp lục bát là đủ một đơn vị tối thiểu, xẩm đã dùng để ngâm cả một chuyện thơ dài, như bài Anh khóa chẳng hạn, đến vài chục câu thơ lục bát. Tính kể chuyện - câu khách dường như là một sự thích ứng hoàn hảo trong bộ môn nghệ thuật này.

Làn điệu “trường thiên”, nổi tiếng nhất của Xẩm có lẽ là điệu xẩm thập ân. Nội dung kể về công ơn cha mẹ sinh thành dưỡng dục, từ lúc phôi thai, mang nặng đẻ đau, nuôi con khôn lớn cho đến lúc trưởng thành như thế nào... Với tính chất da diết, xoáy sâu vào lòng người, Xẩm thập ân được xem như làn điệu đặc trưng nhất của nghệ thuật Xẩm. Nó được coi như một trường ca giáo hiếu hoàn hảo. Nếu hát liền mạch đủ từ một ân đến mười ân, dễ phải đến nửa giờ đồng hồ. Trong những làn điệu man mác buồn, day dứt, còn phải kể đến điệu hà liễu - chuyên dùng cho những bài thơ tự sự, giãi bày nỗi niềm, thân phận của người phụ nữ trong xã hội xưa…

Bên cạnh những làn điệu riêng, trên đường phiêu diêu lang bạt kỳ hồ, Xẩm còn du nhập nhiều làn điệu dân ca khác, bên cạnh những làn điệu vay mượn ở những thể loại bạn như hát ví, trống quân, sa mạc, hành vân, lưu thủy... Điều đặc biệt, những làn điệu đó đều được “xẩm hóa” cho đúng với phong cách dân dã, giang hồ của các nghệ sĩ. Như điệu hát trống quân chẳng hạn, vốn là một điệu hát đối đáp trai gái trữ tình, Xẩm đã chuyên dùng làn điệu này để chuyển tải những nội dung châm biếm, đả kích những thói hư tật xấu trong xã hội, như bài Dâu lười hay Rể lười... Cũng có khi là cả một bài thơ cập nhật những sự kiện nóng hổi mang tính thời sự.

Về nhạc cụ, điều đáng nói trước nhất là cây đàn bầu. Theo truyền thuyết, nó được coi là nhạc cụ đặc trưng của Xẩm lúc ban đầu (thế nên người ta còn gọi nó là đàn xẩm). Một nhóm Xẩm thuộc loại “vai vế” trong vùng không thể thiếu được nhạc cụ này. Song, phần vì âm lượng hạn chế, phần vì khó học, khó chơi hơn đàn nhị nên không phải nhóm Xẩm nào cũng sử dụng đàn bầu. Theo thời gian, về cơ bản, một nhóm Xẩm thường phải có đàn nhị, sênh, phách và cặp trống mảnh (trống da một mặt). Tùy vào điều kiện nhân lực, họ cũng có thể chơi đủ cả đàn bầu hay đôi khi thêm vào chiếc trống cơm hoặc sáo. Nhưng với hoàn cảnh lang thang kiếm sống nay đây mai đó, nhiều khi chỉ cần một đàn nhị và cỗ phách đơn hay cặp sênh là đủ tiếng tơ đồng phụ họa. Khi trình diễn, bao giờ cũng có một người hát chính, những người còn lại chơi nhạc cụ đệm hoặc hát đỡ giọng khi cần.

Xẩm thuộc loại bộ môn mà khi biểu diễn nghệ nhân luôn phải vừa hát, vừa diễn tấu nhạc cụ cùng lúc. Ở đây, có lẽ tính chất o ép miếng cơm manh áo đã khiến người nghệ sĩ buộc phải rèn luyện tối đa để thích ứng với sự “tinh giảm biên chế”, nhưng vẫn đảm bảo sự phong phú về nghệ thuật. Vừa đàn vừa hát được xem như một tiêu chuẩn “có hạng” của một bác xẩm thực thụ.

Xẩm hoạt động theo từng gia đình đơn lẻ. Trong những dịp hội làng, họ cũng thường hay kết nhóm để tăng cường khả năng phối hợp nghệ thuật giữa chốn đông người. Trong từng vùng, các nhóm Xẩm lại kết thành phường hội với sự sắp đặt trên dưới rất có tổ chức. Trùm phường có nhiệm vụ bảo ban, điều hành các nhóm làm ăn sao cho có nền nếp, trật tự. Bên cạnh đó, họ cũng rất có ý thức trong việc tổ chức truyền nghề cho đám con em. “Lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều” là cái nết ăn, nết ở không thể thiếu để các nghệ sĩ có thể dựa dẫm, đùm bọc lẫn nhau trên mọi nẻo đường sinh nhai.

Một buổi biểu diễn hát xẩm của các nghệ sĩ Trung tâm phát triển nghệ thuật âm nhạc Việt Nam tại Hà Nội
Một buổi biểu diễn hát xẩm của các nghệ sĩ Trung tâm phát triển nghệ thuật âm nhạc Việt Nam tại Hà Nội

Từ một môi trường diễn xướng là hát rong, đã phát sinh ra một loại hình nghệ thuật chuyên biệt quả là một hiện tượng đặc biệt trong văn hóa nghệ thuật Việt Nam. Ở đây, cần hiểu rõ tư cách của người hát Xẩm. Họ là những nghệ sĩ chân chính, làm đẹp cho đời và kiếm sống bằng chính tài năng nghệ thuật của mình. Xẩm hoàn toàn không phải là những người ăn mày. Họ sống bằng những đồng tiền thù lao tự nguyện của mọi người chứ không bao giờ ngửa tay van xin bố thí.

Nhìn trên diện rộng, Xẩm cũng giống như tất cả mọi nghệ sĩ chuyên nghiệp, chỉ khác ở chỗ, sân khấu của họ chính là đường phố, là gốc đa, bến nước, sân đình... hoặc đơn giản chỉ là một góc chợ quê nghèo. Thù lao không tính trước kiểu “bán vé” mà “tự do thả nổi”, ai muốn trả bao nhiêu thì… tùy!

Như vậy, đã có một thời, Xẩm là món ăn tinh thần của quần chúng lao động. Với bản chất nghệ thuật ngẫu hứng ứng diễn, hát Xẩm có nội dung nghệ thuật rất phong phú và đa dạng. Nó đề cập đến nhiều vấn đề ở mọi khía cạnh, trong mọi tình huống của cuộc sống, từ công cha nghĩa mẹ, tình yêu, tình vợ chồng, tình huynh đệ cho đến những tình cảm riêng tư của mỗi con người, hay những vấn đề mang tính thời sự cập nhật, đả kích và phê phán những thói hư tật xấu của xã hội đương thời. Không chỉ phục vụ cho đám đông ngoài xã hội, người nghệ sĩ xẩm còn sẵn sàng phục vụ theo yêu cầu, nhiều thì trong dịp cưới xin, ma chay, giỗ kỵ.., ít thì đơn giản chỉ là “nhờ bác xẩm đánh tiếng dùm” với cô nàng thôn nữ đang đứng bên đàng... Thế thôi!

Từ thập niên 60 trở lại đây, vì nhiều nguyên nhân khác nhau do điều kiện môi trường và xã hội, đặc biệt là do những quan niệm sai lầm, các phường Xẩm dần tan rã và không hoạt động nữa. Họ được quy tụ lại trong những hợp tác xã vót tăm tre, hay bện… chổi rơm. Các nghệ nhân xẩm tài danh bước dần vào tuổi xế chiều, rồi lần lượt ra đi, vĩnh viễn đem theo những giá trị nghệ thuật đặc sắc mà họ đã từng lưu giữ và thực hành. Đời sống xã hội của nghệ sĩ xẩm không còn nữa.

Trong các trường đào tạo nghệ thuật âm nhạc của ta, nhạc cổ truyền dân tộc vốn chỉ được giảng dạy với một dung lượng hạn chế, theo kiểu “mỗi thứ một tí”, trong số đó tuyệt nhiên không có nghệ thuật Xẩm.
Gần đây, khi xu hướng hội nhập quốc tế mạnh mẽ thì nhu cầu lưu giữ những giá trị truyền thống, mang bản sắc dân tộc được đặt ra như một việc làm cấp thiết. Nhiều nghệ nhân Hà Nội với lòng say mê âm nhạc truyền thống đã tập hợp nhau lại tự tổ chức những buổi biểu diễn, giới thiệu hát xẩm trước cửa chợ Đồng xuân vào mỗi tối Chủ nhật. Việc làm này đã duy trì được một nét đẹp trong nền văn hóa Hà Nội hiện nay. Đây là một tín hiệu vui chứng tỏ loại hình nghệ thuật dân gian này đang dần đi vào công chúng của đất Hà Thành, trở thành loại hình âm nhạc đường phố Hà Nội.

Những loại hình văn hóa dân gian như hát xẩm không chỉ đơn thuần mang ý nghĩa về mặt văn hóa, mà lớn lao hơn, chính là sự thể hiện rõ nét của đời sống, là biểu hiện của tư tưởng, tâm hồn ông cha ta.

(Theo Quê hương online)

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tăng cường kiểm tra, bảo đảm an toàn thực phẩm
Vệ sinh an toàn thực phẩm đang là vấn đề nóng, được xã hội đặc biệt quan tâm. Nhằm đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người dân, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều cố gắng trong công tác quản lý, kiểm tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý những cơ sở sản xuất, buôn bán thực phẩm không an toàn.