Multimedia Đọc Báo in

Bản sắc văn hóa Việt trong môn võ Vovinam

16:17, 22/01/2012

Ra đời năm 1938, môn võ Vovinam (Việt Võ Đạo) đã phát triển theo từng nhịp thăng trầm cùng vận mệnh đất nước. Dù ở bất kỳ thời điểm nào, Vovinam cũng chứng tỏ được sự lôi cuốn, sức hút đối với mọi người bởi không chỉ là những đường quyền uyển chuyển đẹp mắt, kết tinh tinh hoa của nhiều môn võ khác nhau mà còn bởi ở môn võ này thể hiện được triết lý sống và mang đậm bản sắc văn hóa của con người Việt Nam.

Trước hết phải nói đến sự ra đời của Vovinam với sáng tổ môn phái là cố võ sư Nguyễn Lộc. Ông Nguyễn Lộc trưởng thành trong hoàn cảnh quê hương Việt Nam lúc bấy giờ bị chi phối bởi hai khuynh hướng: một bên là hy sinh dấn thân vào con đường cách mạng cứu nước, bên kia là buông mình theo lớp vỏ văn minh hào nhoáng của phương Tây mà những thú vui sa đọa, những phong trào thể thao của lớp thượng lưu trưởng giả được thực dân Pháp khuyến khích để ru ngủ tầng lớp thanh niên. Là một thanh niên yêu nước, ông Nguyễn Lộc vô cùng đau lòng trước tình hình đất nước. Theo ông, một trong những yếu tố góp phần đưa cuộc cách mạng giải phóng dân tộc thành công là cần phải xây dựng cho người thanh niên một lòng yêu nước sâu sắc, một tinh thần tự hào dân tộc, một ý thức cách mạng, ý chí quật cường và nghị lực, những điều đó phải được chứa đựng trong một thân thể khỏe mạnh, sức lực dẻo dai, chịu đựng gian khổ, có khả năng tự vệ và chiến đấu. Vì thế ông có ước vọng góp phần hun đúc và cống hiến cho Tổ quốc những con người có đạo đức, ý chí, quyết thắng trước sự hèn yếu, bạc nhược về tâm hồn lẫn thể xác. Mang hoài bão ấy, tuy bản thân được thừa hưởng một nền tảng võ học cổ truyền rất phong phú nhưng ông không thỏa mãn với sở học đó. Ông đã đi khắp mọi miền đất nước, sưu tầm, học hỏi khảo cứu tinh hoa của võ học Việt Nam và nhiều nước trên thế giới. Bằng óc sáng tạo, phương pháp phân tích và tổng hợp sắc sảo, ông đã xây dựng một hệ thống đòn thế chiến đấu dựa trên tinh hoa của võ và vật dân tộc mang đậm bản sắc của người Việt. Khu vực bờ đê sông Hồng từ Bến phà Đen đến Viện Bác cổ, Nhà hát Lớn Hà Nội đều có dấu chân ông chạy nhảy, đi quyền, múa côn từ khi mặt trời chưa tỉnh giấc. Khoảng mùa thu năm 1938, khi việc nghiên cứu hoàn thành, ông mang ra huấn luyện thể nghiệm cho một số thân hữu cùng lứa tuổi. Trong thời gian này, Vovinam lại được ông tiếp tục điều chỉnh, bổ sung về lý luận lẫn kỹ thuật. Ngót một năm sau, ông đem lớp môn sinh đầu tiên công khai ra mắt quần chúng tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Đây là lần đầu  công chúng Thủ đô được thưởng thức một môn võ Việt Nam linh diệu và khoa học, mang tên Vovinam.

Nguyên lý cương nhu phối triển là nền tảng xây dựng hệ thống đòn thế của môn Vovinam
Nguyên lý cương nhu phối triển là nền tảng xây dựng hệ thống đòn thế của môn Vovinam

Các môn võ cổ truyền của Việt Nam đều không theo cương tính hay nhu tính nhất định. Về cơ bản nó dựa trên phong tục tập quán và điều kiện lịch sử nên không bị chi phối bởi một giáo lý nào. Trong quan hệ ngoại giao, thời Lý, Trần, Lê và Tây Sơn đều áp dụng triệt để tính cương - nhu một cách tài tình. Chẳng hạn khi giặc Nguyên, giặc Minh hay giặc Thanh ào ạt kéo sang xâm lược, ban đầu quân ta thường chủ động rút lui để bảo toàn lực lượng (nhu). Lúc quân giặc kiêu căng, khinh địch, lơi lỏng canh phòng, lại sinh bệnh do không hợp thủy thổ, ta mới dồn toàn lực để quét sạch quân thù (cương). Sau đó, các vua nước ta đều sai sứ sang cầu hòa với thái độ rất khiêm nhường (nhu) nhằm xây dựng mối hòa hảo để tránh tai họa chiến tranh kéo dài. Trong sinh hoạt hàng ngày, có một loại cây rất gần gũi với  người Việt Nam đó là cây tre. Có thể nói, hầu như trong mọi gia đình trên đất nước ta đều có những vật dụng làm từ cây tre. Nhưng trong chiến tranh cây tre lại trở thành nguyên liệu sản xuất nhiều loại vũ khí như chông, gậy…để chiến đấu với kẻ thù. Trong gió bão, thân tre sà mình xuống rồi bật lên mạnh mẽ phi thường. Thân tre thon mỏng, gai góc như vóc dáng con người Việt Nam tuy nhỏ bé nhưng đầy lòng dũng cảm. Trong cây tre hội tụ đầy đủ tính cương – nhu, hợp thành một thể thống nhất. Từ những bài học lịch sử và quan sát hình ảnh cây tre, cố võ sư Nguyễn Lộc đã xây dựng Vovinam đặt nền tảng trên nguyên lý “cương nhu phối triển”, huấn luyện môn sinh trên ba phương diện “võ lực, võ thuật và tinh thần võ đạo”. Nguyên lý “cương nhu phối triển” không chỉ đơn thuần là sự bao hàm cả hai tính cương – nhu mà nó linh động, biến hóa phù hợp với hoàn cảnh và tình huống cụ thể. Có thể nói, nguyên lý “cương nhu phối triển” là nguyên lý mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam và ngay từ đầu không chỉ là nền tảng vững chắc xây dựng hệ thống đòn thế kỹ thuật và nội dung võ đạo mà còn là kim chỉ nam cho mọi hoạt động của môn phái.

Không chỉ là một hình thức rèn luyện thể chất, môn phái Vovinam còn chú trọng việc giáo dục đạo đức, kỷ luật tự giác, ý thức cộng đồng và nhất là truyền thống thượng võ của dân tộc Việt. Với quá trình phát triển của mình, Vovinam đã đóng góp một phần không nhỏ trong công cuộc bảo tồn  và phát huy nền võ học dân tộc, trở thành một môn võ Việt Nam hiện đại, khoa học và thực tiễn, ngày càng thu hút được sự ủng hộ của nhiều giới trong và ngoài nước.

Giang Nam


Ý kiến bạn đọc