Multimedia Đọc Báo in

Mộc bản kinh Phật chùa Vĩnh Nghiêm là Di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương

14:10, 17/05/2012

Chiều ngày 16-5, tại Hội nghị của Unesco khu vực châu Á – Thái Bình Dương tổ chức tại Bangkok (Thái Lan), Mộc bản kinh Phật chùa Vĩnh Nghiêm đã chính thức được công nhận là Di sản tư liệu khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm có tất cả 3.050 bản khắc gỗ với 9 đầu sách lớn thuộc hai loại kinh, sách chính: Loại kinh sách có nguồn gốc từ Trung Hoa, Ấn Độ được các Phật tổ thiền phái Trúc Lâm kế truyền, chú dẫn theo tư tưởng Việt Nam và loại kinh sách của các Tổ sư thiền phái Trúc Lâm sáng tác truyền lại.

Những mộc bản này do các nghệ nhân khu vực đồng bằng sông Hồng thực hiện, được khắc từ thế kỷ 16-19 để phục vụ đào tạo tăng ni phật tử thiền phái Trúc Lâm và cả nước. Mỗi bản có hai mặt, khắc chữ Hán Nôm âm bản (khắc ngược) gồm nhiều nội dung: y học, văn học, bùa chú, luật giới nhà Phật... Bản khắc lớn nhất có chiều dài hơn 1m, rộng 40-50cm với những chạm khắc hoa văn độc đáo mang triết lý nhà Phật.

Giá trị đặc biệt của các mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm ở chỗ tư tưởng, giáo lý của Thiền viện Trúc Lâm được lưu khắc hết sức rõ nét và mang đậm bản sắc dân tộc cùng những giá trị nhân văn sâu sắc được thể hiện công phu trên mỗi mộc bản. Ở các ván khắc tương ứng với trang đầu hay trang cuối đều cho biết chính xác thời gian chế tác, người khắc, địa điểm lưu giữ, bảo quản của mỗi bộ ván khắc.

Ngoài những giá trị về mặt hiện vật, bộ mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm còn được các nhà nghiên cứu đánh giá là có giá trị rất lớn về mặt học thuật. Dựa vào nội dung các mộc bản này, người ta có thể giải mã được rất nhiều vấn đề thuộc về quá khứ như: Lịch sử Phật giáo Việt Nam, khoa học kỹ thuật, văn học nghệ thuật, triết học, xã hội học, ngôn ngữ học...

(Theo TTXVN)


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.