Multimedia Đọc Báo in

Lắng nghe lời chiêng trẻ

09:54, 24/05/2014

Việc chấn hưng và khôi phục giá trị văn hóa cồng chiêng trên địa bàn Dak Lak nói riêng, Tây Nguyên nói chung trong hơn một thập niên qua đã đạt được những thành tựu đáng kể. Trong đó nổi lên vấn đề bảo tồn và phát huy vốn di sản ấy sao cho ngày càng sâu rộng, lan tỏa hơn trong đời sống đương đại đang được thế hệ trẻ hiện nay tiếp tục nắm giữ, kế thừa một cách sinh động và xứng đáng.

Ý thức và đam mê

Ngôi nhà dài của nghệ nhân Y Thim Byă ở buôn Ea Bông - xã Cư Êbur (TP. Buôn Ma Thuột) luôn là điểm đến của du khách khi đặt chân lên Dak Lak. Y Thim cho hay, du khách tìm đến đây một phần nhờ sự cuốn hút của dàn chiêng trẻ và những nhạc cụ dân tộc bản địa do những nghệ sĩ “nhí” biểu diễn. Y Thu Êban (14 tuổi) là thành viên của đội chiêng trẻ này tâm sự: được biểu diễn với các ông, các bác lớn tuổi là niềm tự hào của chúng cháu. Và chính ý thức đó đã thôi thúc hàng chục em thiếu niên trong buôn tìm đến với tiếng chiêng của ông bà. Ở đây, không những Y Thu chơi được chiêng đồng, chiêng tre cũng như nhiều loại đàn T’rưng, kèn đinh năm, đing tút…mà nhiều bạn dần đã thấm nhuần được vốn âm nhạc của dân tộc mình. Vì thế khi những nghệ sĩ “nhí” này hợp lại với nhau để trình diễn, dù trong nhà, ngoài trời hay trên sân khấu hiện đại và hoành tráng đều có sức lôi cuốn đến lạ lùng.

Nghệ nhân Y Thim chia sẻ: đội chiêng trẻ buôn Ea Bông đã rất tự tin khi đem chiêng đi đánh bất kỳ ở đâu, trong các cuộc liên hoan, hội thi hay đơn thuần là phục vụ khách tham quan tại các tụ điểm sinh hoạt văn hóa trên địa bàn Buôn Ma Thuột, bao giờ cũng đều nhận được sự tán thưởng của mọi người. Sự tán thưởng ấy đã khuyến khích các em không chỉ về mặt tinh thần, mà còn tạo điều kiện cho các em hòa nhập với thế giới bên ngoài, qua đó tìm cơ hội để tạo dựng và phát triển cuộc sống của mình trong tương lai. Không nói đâu xa, ngay trong buôn Ea Bông này cơ hội ấy đã mở ra cho nhiều đứa trẻ, trong đó có con trai Y Thim. Nhờ kế thừa và phát huy vốn văn hóa của ông bà để lại mà thằng Y Thu, Y Noal… đã được các đơn vị đào tạo nghệ thuật trong và ngoài tỉnh mở rộng cánh cửa đón nhận. Và chắc chắn những hạt mầm này sẽ là “hạt nhân” quan trọng, đầy hứa hẹn cho sự tiếp nối mạch nguồn văn hóa của các dân tộc bản địa trên vùng đất giàu bản sắc này.

Đội chiêng trẻ buôn Trấp (Krông Ana).
Đội chiêng trẻ buôn Trấp (Krông Ana).

Còn ở buôn Trấp - huyện Krông Ana, nhiều nghệ nhân lớn tuổi của dàn chiêng nữ (chiêng Jhô) ở đây mấy năm trước còn băn khoăn rằng khi họ trở về với “thế giới ông bà” thì liệu nhịp chiêng độc đáo “có một không hai” này có còn không? Những băn khoăn của họ giờ đây được giải tỏa phần nào, khi con cháu của các bà, các mí tự ý thức và chăm chỉ học hành những ngón nghề diễn tấu chiêng Jhô của ông bà để lại. Những cô gái xinh đẹp như H’Diêu, H’Rút Ê ban và H’Wên Hmôk … đang ngày đêm luyện tập, để thấm dần và hiểu ra tiếng chiêng của dân tộc mình cần được giữ gìn và sáng tạo. Những kiều nữ này tuổi độ 16-17, nhưng đã học đánh chiêng từ 3-4 năm trước, nay có thể đảm đương được những vị trí trong dàn chiêng nữ Buôn Trấp khi một ai đó vắng mặt. H’Diêu tâm sự: tiếng chiêng đã thấm vào máu thịt của mình từ khi còn nhỏ. Luật tục của người Êđê Bing ở đây không cấm con gái đánh chiêng. Ngược lại người lớn khuyên con gái học chiêng để không thất truyền những gì dung dị nhất mà người phụ nữ ở đây phải biết : đánh chiêng để bày tỏ tình cảm của mình với mọi người, đánh chiêng để làm lễ thổi tai và đặt tên cho con, hay đơn giản chỉ thông báo một điều mà họ quan tâm, gửi gắm… Những nghệ nhân lớn tuổi ở buôn Trấp luôn nhắc nhở con cháu họ không ai được quên điều đó; và quan trọng hơn phải biết say mê, trân trọng vốn di sản của ông bà để lại. Vì vậy mà tiếng chiêng Jhô ở đây, đã bao đời nay luôn cất lên không bao giờ dứt, bởi nhờ tấm lòng và niềm tin được thắp lên qua bao thế hệ.  

Tiếp tục quan tâm

Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Linh Nga Niê K’dăm cho rằng, bước tiếp nối về văn hóa cồng chiêng rất đáng được khích lệ; song, cũng không phải vì thế mà việc bảo tồn không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên không thể không quan tâm một cách nghiêm túc và đúng mức hơn nhằm tôn vinh, phát huy giá trị văn hóa đặc sắc và độc đáo của cồng chiêng trong bối cảnh hiện nay. Trong đó, vấn đề đáng lo ngại là tình trạng “sáng tạo” thái quá của lớp trẻ đối với di sản văn hóa truyền thống. Đó là tình trạng những đội chiêng trẻ đã vô tình “Âu hóa” tiếng chiêng của mình. Một số nhà nghiên cứu văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đã từng chỉ ra vấn nạn sửa lại hàng âm của dàn chiêng để chơi những bài hát hiện đại, trẻ trung hơn; hoặc rút gọn phiên chế âm thanh dàn chiêng theo hướng tiêu cực, để rồi đến lúc muốn đánh lại những bài chiêng cổ của dân tộc mình thì không thể được nữa. Bởi vậy, bằng mọi cách những “người trong cuộc”- chủ nhân của nền văn hóa ấy cần phải nỗ lực vượt qua mọi thách thức, thậm chí là bức bách của đời sống hiện đại để giữ cho được mọi nguyên dạng đặc trưng của dàn cồng chiêng cổ truyền, bởi đây là những giá trị đặc sắc và độc đáo mà UNESCO đã căn cứ vào đó để công nhận là “kiệt tác phi vật thể nhân loại”. Cố nhiên, song song với việc giữ gìn nguyên dạng các đặc trưng truyền thống của cồng chiêng trên vùng đất này, chúng ta cũng nên khuyến khích việc chọn lựa những yếu tố nhất định trong vốn cổ truyền ấy để trên cơ sở đó sáng tạo thêm những bài chiêng mới phù hợp trong khi diễn tấu trong môi trường mới. Nói cách khác, không nên bó hẹp sức lan tỏa của văn hóa cồng chiêng, mà tìm cách bước ra và hòa mình vào một không gian văn hóa - xã hội rộng lớn hơn, góp phần đưa loại hình âm nhạc đặc biệt này vào cuộc sống thực tế, để cồng chiêng không chết theo nghĩa bảo tồn. 

Rõ ràng, sự kế thừa và phát huy vốn văn hóa cồng chiêng để tiếp tục nuôi dưỡng đời sống tinh thần của mỗi cộng đồng trong đời sống đương đại là điều cần thiết và cần được phát huy. Trong đó cần đặc biệt chú trọng công tác truyền dạy cồng chiêng cho lớp trẻ hiện nay là việc làm thường xuyên, để sao cho việc diễn tấu cồng chiêng là một trong những hoạt động thật sự hấp dẫn và lôi cuốn thế hệ trẻ hiện nay.

Đình Đối


Ý kiến bạn đọc