Người Chứt với món cơm Pồi đậm đà bản sắc
Nhắc đến đồng bào Chứt là người ta nghĩ ngay đến món cơm Pồi. Khi được hỏi về xuất xứ của món ăn này, các già làng Chứt cho biết rằng cơm Pồi đã có từ lâu lắm, ngày họ còn ở trong hang sâu. Cơm Pồi thơm ngon, bổ dưỡng, có trong hai bữa ăn chính bảo đảm cho người Chứt no nê cả ngày.
Để làm được cơm Pồi, trước hết người Chứt phải học cách đâm Pồi. Bộ cối giã của người Chứt là một dụng cụ đặc biệt. Cối được làm bằng thân cây gỗ trắc, thớ mịn, có mùi thơm và hình dáng rất đặc trưng, những chiếc chày giã cũng được làm từ loại gỗ cứng và khá nặng. Đối với người Chứt bộ cối chày giã có ý nghĩa vô cùng quan trọng, không có chày cối thì không có cơm Pồi, cũng như không có tiếng “cắc - thụp” gióng lên từ chày cối trong các mái nhà sàn thì vẻ yên bình xóm núi chưa phô ra vẹn toàn vậy.
Người Chứt có món cơm Pồi được chế biến rất công phu. (Nguồn: Dantocviet.vn) |
Cơm Pồi là món ăn đặc sản của sự kỳ công, đòi hỏi người làm phải tỉ mẩn với từng công đoạn. Đồng bào Chứt sau khi lẩy hạt ngô ra khỏi bắp thì đem rửa sạch, loại bỏ bằng hết những bụi, váng và hạt lép, chỉ giữ lại những hạt ngô mẩy và ngon nhất để làm Pồi. Sau đó, người ta nấu một nồi nước thật sôi, mang số ngô vừa chuẩn bị đổ vào nồi nước sôi ngâm chừng ba tiếng đồng hồ. Đến khi hạt ngô nở ra trở nên mềm và bớt khô đi mới vớt ra cho ráo nước rồi cho vào cối giã và lọc để lấy từng lớp bột mịn nhất. Công đoạn tiếp theo là chế biến sắn. Những củ sắn tươi sau khi đào lên được bóc vỏ và rửa sạch, ngâm vào chậu nước suối cho hết mủ nhựa. Sau đó, sắn được đem ra bào nhỏ, công đoạn này chiếm khá nhiều thời gian nếu gia đình nào đông người và cần làm với số lượng lớn. Tiếp theo, người ta chuẩn bị dùng mảnh vải sạch để vắt sắn cho đến khi sắn kiệt nước. Phần nguyên liệu ngô và sắn sau khi đã hoàn tất ở hai bước trên sẽ được cho chung vào cối đảo lên cho thật đều và giã. Món cơm Pồi thành phẩm có ngon hay không, thì điều quan trọng và quyết định nhất là ở vào công đoạn này. Nếu người giã càng kỹ thì cơm sau khi chín sẽ càng dẻo, càng ngon và để được lâu hơn. Chày giã có hai đầu nhỏ, dài khoảng 1,2 - 1,5 mét, giã đều đặn, nguyên liệu theo đó sẽ được nghiền nát kỹ và mịn hơn. Khi bột đã dẻo mịn và đạt tiêu chuẩn, người ta sẽ nhồi hết số nguyên liệu đã sơ chế vào chõ, mục đích là để khi cơm chín vừa không mất hương thơm của ngũ cốc, cơm lại dẻo mà không bị nát. Chiếc chõ làm từ một đoạn gỗ mít, hình dáng tròn trặn, được khoét rỗng ruột, cao chừng 40 cm. Người ta lấy mo chuối vấn quanh miệng chõ để giữ nhiệt cho cơm mau chín. Sau đó, bắc chõ lên một nồi nước sôi hấp chừng một giờ đồng hồ đến khi hương thơm tỏa ra ngào ngạt khắp nhà trên ngõ dưới, mùi Pồi thơm náo nức ấy là lúc cơm Pồi đã chín. Cơm Pồi thường được dùng với canh rau rừng, nấu với các loại cá, ốc hoặc thịt thú rừng chặt thành miếng vừa ăn. Trong bữa cơm gia đình, người ta khéo léo lấy cây đũa bếp tách khối Pồi ra nặn thành những nắm nhỏ đem mời nhau và gửi đến nhau những lời chúc tụng cho sức khỏe và may mắn.
Món cơm Pồi thơm ngon, dẹo quyện trong miệng khiến cho người được thưởng thức một lần luôn nhớ mãi. Món ăn này cũng là một dấu ấn văn hóa nguyên thủy độc đáo mà người Chứt vẫn còn gìn giữ đến ngày nay.
Nguyễn Tiến Dũng
Ý kiến bạn đọc