Multimedia Đọc Báo in

Tục cà răng, căng tai của người Vân Kiều

10:42, 29/11/2015
Cà răng, căng tai một thời đã được người Vân Kiều (dân tộc Bru-Vân Kiều) tự hào là chuẩn mực của cái đẹp. Theo đó, 6 chiếc răng của hàm trên phải được mài đến sát lợi và vành tai phải được căng ra rộng nhất có thể mới được xem là... người đẹp!

Người Vân Kiều quan niệm, trai hay gái gần đến tuổi trăng tròn (chừng 13-14 tuổi) phải được làm lễ cà răng nếu không sẽ bị xem là lỗi thời, bị tộc người cười chê, trai không tìm được vợ, gái không gả được chồng. Vào dịp nông nhàn hay khi mùa xuân về, vạn vật trở mình sinh sôi thì người Vân Kiều lại thực hiện lệ tục này. Người trực tiếp cà răng cho những đứa trẻ vị thành niên không hẳn phải là những chức sắc khả kính mà thường là những ai thành thạo công việc này, không kể già trẻ, là người thân trong gia đình thì càng tốt.  Người được cà răng sẽ gối đầu lên đùi người cà, sau đó người này sẽ dùng cưa, liềm, dao hay đá suối tùy theo kinh nghiệm để bào 6 chiếc răng cửa đến lúc răng mòn sát tới lợi. Việc cà răng rất đau đớn, thậm chí người được cà răng có lúc ngất lịm nhưng những chàng trai, cô gái Vân Kiều vẫn chịu đựng chỉ vì một mục đích: để mình được “đẹp” hơn trong mắt bà con đồng tộc. Để cầm máu, người ta dùng bông gòn thấm nhẹ vào lợi nhằm làm sạch máu, sau đó lấy một loại nhựa cây rừng đen quánh xức vào chỗ chân răng bị cà nhằm sát trùng và cho răng chắc thêm. Người được cà răng phải nuốt cháo loãng vài tuần, thậm chí cả tháng thì mới bớt đau đớn. Đến khi không còn đau nhức, người được cà răng sẽ được nhuộm răng đen. Người Vân Kiều sẽ xin phép thần rừng được lấy nhựa của một loài cây có tên tằng e cà rẻ a te - là loài cây thấp, thân mềm, gân lá song song, lá màu xanh tươi, mềm và hơi dày, bứt lá đưa lên mũi có mùi thơm đặc trưng rất dễ chịu - để làm thuốc nhuộm răng. Nhựa cây này được đốt thành tro rồi đem chà vào hai hàm răng sau bữa ăn trong vòng một tháng, sau đó hàm răng sẽ trở nên đen nhánh. Hôm nào trong làng bản có người được cà răng thì đối với dân bản ấy là ngày vui, nhất là với gái trai đương tuổi cập kê. Họ hội tụ về đó để vừa động viên vừa chúc mừng người được cà răng vì chỉ khi vượt qua thủ tục này mới được công nhận là người trưởng thành, mới có quyền tìm đôi, kết lứa.

Trai gái Vân Kiều hôm nay.
Trai gái Vân Kiều hôm nay.

Cũng gây đau đớn cho thể xác không kém tục cà răng là tục căng tai dành riêng cho nữ giới. Bé gái mới lọt lòng mẹ sẽ được bà mụ Vân Kiều thạo việc đứng ra làm cho cái lễ thổi tai. Bà mụ sẽ lấy hết sức bình sinh hít vào một hơi thật dài rồi thổi vào tai em bé, vừa thổi bà vừa đọc thần chú ước mong cho đứa trẻ hay ăn chóng lớn, sau này lớn lên biết bắt cá, hái rau, làm nương và gặp được người chồng tử tế. Tuần tiếp đến gia đình sẽ tiếp tục làm lễ xâu lỗ tai cho bé gái. Lỗ tai rộng, dái tai dài cũng là tiêu chuẩn để đàn ông Vân Kiều đánh giá mẫu người phụ nữ siêng năng, chăm chỉ. Để có được lỗ tai to rộng, dái tai dài nhất có thể, phụ nữ Vân Kiều phải trải qua những năm tháng dài kiên nhẫn, chịu đau, chịu khó. Từ một cái lỗ nhỏ ban đầu, người ta xâu vào đó một cọng tranh; khi bớt đau nhức, người ta tiếp tục dùng dùi nhọn để xuyên một lỗ ở dái tai. Để tránh nhiễm trùng, họ dùng nước gừng đun sôi vừa rửa ráy vừa xoay ngoáy nhằm làm cho chiếc lỗ ngày một rộng ra. Khi vết thương đã lành, người ta dùng lõi gỗ nhỏ hoặc tre để căng dần đến một độ lớn nhất định thì có thể thay thế bằng vòng lồ ô có dạng khuyên tròn đến khi tai căng to, đẹp mắt, ra dáng quyền quý thì sẽ giết trâu ăn mừng.

Tục cà răng, căng tai đã được người Vân Kiều từ bỏ từ lâu. Thế hệ cao niên Vân Kiều giờ ngồi nhớ lại tục lệ cà răng, căng tai mà nước mắt cứ dàn dụa, vẫn nghe nhói buốt ở đâu đó trong tận sâu thể xác. Họ vẫn không hiểu tại sao ông cha mình lại xây dựng chuẩn mực cái đẹp một cách “hãi hùng” như thế mà không phải là những hàm răng trắng bóng và đôi khuyên tai xinh xắn lung liêng trên cơ thể con cháu mình như hiện tại?

Nguyễn Tiến Dũng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.