Multimedia Đọc Báo in

Độc đáo khung dệt thổ cẩm của người Cơ Tu

08:46, 16/01/2016

Trong cuộc sống hằng ngày của người Cơ Tu, chiếc khung dệt và hình ảnh người phụ nữ bên khung dệt trở thành một nét văn hóa truyền thống độc đáo và rất riêng biệt so với các vùng miền khác trên vùng Trường Sơn-Tây Nguyên.

Hiện nay, phụ nữ Cơ Tu vẫn dùng loại khung dệt (grang tr’naanh) làm bằng tre, giữ bằng chân, dệt bằng tay - một trong những loại khung dệt cổ xưa, thô sơ nhất để làm ra các sản phẩm thổ cẩm. Theo một số nhà nghiên cứu, kiểu khung dệt này của người Cơ Tu là khung dệt dùng sức căng của cơ thể bởi người dệt phải dùng lực của cơ thể để cho sợi dọc không chùng. Khung cửi này có một dây quai lưng gồm một miếng đệm lót bằng da, bằng nguyên liệu dệt thảm hay bằng gỗ được buộc vào thanh để vải bằng một dây thừng. Bộ phận này nằm quanh eo của người dệt khi ngồi trên nền đất trước khung cửi với đôi chân duỗi ra. Bằng cách chuyển trọng lượng cơ thể ra phía sau và phía trước, người dệt kiểm soát độ căng của sợi dọc. Vải dệt xong được quấn bên dưới hay chung quanh thanh để vải và giữ trong lòng người dệt.

Phụ nữ Cơ Tu giăng sợi vào khung dệt.
Phụ nữ Cơ Tu giăng sợi vào khung dệt.

Phụ nữ Cơ Tu thường ngồi dệt trên chiếu, xung quanh là rổ sợi được xe sạch. Những bàn chải bằng sợi dừa hay vỏ trái bắp thường để gần tay người dệt cùng với một bát nước; người dệt có thể chải định kỳ sợi dọc để giữ chúng không bị trơn trong khi dệt. Người phụ nữ Cơ Tu cũng có một con dao sắc nhỏ để xén tỉa nhóm sợi nằm lạc hay một dụng cụ nhọn để làm các sợi thẳng hàng và loại bỏ những tạp chất khỏi sợi bông. Người ta có thể ngồi dệt ở trong nhà, trên sàn hiên, dưới gầm sàn hay mang ra sân ngồi dệt cũng đều thuận tiện. Vào mùa lúa sắp chín, chuẩn bị tuốt lúa, đồng bào thường mang theo khung dệt lên rẫy để vừa canh rẫy lúa khỏi bị chim ăn vừa ngồi dệt trong chòi canh rẫy. Nếu rẫy xa làng, đồng bào thường ở lại luôn trên rẫy và họ không quên dệt vải vào thời gian rảnh rỗi ngay tại rẫy.

Khung dệt của người Cơ Tu đều được làm bằng tre nứa, gỗ có sẵn trong rừng. Hầu như bộ phận nào của khung dệt đồng bào cũng có thể tự làm ra được, thậm chí một người phụ nữ cũng có thể tự làm nên bộ khung dệt cho chính mình vì nó hơi đơn giản, không đòi hỏi sự khéo tay, cầu kỳ. Trong khung dệt, chỉ duy nhất cây dập sợi được làm bằng gỗ mới đòi hỏi người giỏi làm đồ mộc chế tạo, còn các bộ phận khác đều không quá phức tạp. Do đó, ở mỗi làng đều có vài người thợ chuyên sản xuất cây dập sợi để đổi chác hoặc bán cho những người thợ thủ công để bổ sung cho bộ khung dệt của mình. Mỗi khung dệt có nhiều bộ phận khác nhau. Khi giăng sợi dọc lên khung xăng, rắp các bộ phận vào nhau thì khung dệt mới chính thức được hoàn thành. Lúc hoàn thành một sản phẩm dệt, người ta tháo các công cụ ra thì khung dệt chỉ là những bộ phận tách rời nhau. Do đó, nếu quan sát chúng trước khi tiến hành các thao tác dệt thì người ta khó hình dung ra một hình thái khung dệt rõ ràng.

Khung dệt của người Cơ Tu được tạo thành bởi nhiều bộ phận khác nhau gồm 2 ống lồ ô (anoop) mỗi ống được chẻ làm đôi, và hai đầu của mỗi thanh được khắc như một cái khe, đường kính khoảng 6 cm; 2 ống lồ ô (đhơ răr), đường kính khoảng 4 cm; một thanh gỗ cong (chrđoh) đặt phía sau lưng người thợ, 2 đầu của thanh gỗ được khắc như 2 đầu của chiếc đòn gánh, đường kính khoảng 7 cm; một sợi dây pâh bằng nhựa độ dài ngắn tuỳ mỗi người dệt chọn; một que nứa nhỏ vót nhọn 2 đầu dài bằng bề ngang sản phẩm, đường kính 0,5 cm; ống nứa tr’co có đường kính khoảng 1,5 cm. Bên cạnh đó còn có một số que nhỏ (bhơ nêếc), đường kính khoảng 0,7 cm; hai ống lồ ô (prhơm) đường kính khoảng 3 cm; một ống lồ ô khác nữa đường kính khoảng 3 cm. Cuối cùng là một thanh gỗ (chrtau) nhẵn bóng đường kính từ 1- 7 cm, cấu tạo của chrtau một đầu to, một đầu nhỏ. Tất cả các bộ phận trên, trừ trpăng và pâh, đều có độ dài khoảng 0,5 - 0,7 m tùy theo ý muốn, sở thích của mỗi người thợ. Hầu hết các dụng cụ thường bóng láng, óng ánh vì chúng được thoa bóng bằng sáp ong. Việc đánh bóng bằng sáp ong chẳng những làm đẹp cho từng dụng cụ, bộ phận của khung dệt mà còn có tác dụng ngăn cản việc dính sợi với nhau hoặc làm rối sợi trong quá trình dệt vải. Chính vì nhờ thoa sáp ong mà thao tác của thợ dệt thuận lợi, nhanh và chính xác hơn.

Hiện nay, mặc dù nhiều người ngày càng chuộng những trang phục được may sẵn nhưng khung dệt vẫn còn rất nhiều trong những làng của đồng bào Cơ Tu từ vùng cao, vùng trung đến vùng thấp thuộc 3 huyện: Nam Giang, Đông Giang và Tây Giang (tỉnh Quảng Nam). Đồng bào Cơ Tu vẫn mặc trang phục truyền thống do chính mình tự tay dệt trong sinh hoạt hằng ngày và các dịp lễ hội: ăn mừng lúa mới cưới hỏi, Tết... Đây là cách mà người Cơ Tu bảo tồn nghề dệt truyền thống của tổ tiên, ông bà để lại.

 Văn Gia Phúc


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.