Multimedia Đọc Báo in

Độc đáo lá mì xào của người Êđê

08:31, 20/03/2016
Tìm kiếm một món ăn ngon không phải ở đâu xa, với một nồi lá mì xào, dân dã mà mẹ tôi hay làm, cũng đủ cho chúng tôi bữa ăn thật ngon.

Cây mì rất dễ trồng, chỉ cần cắm cây mì trên đất ẩm, ngày tưới hai lần, vài tháng sau đã chi chít chồi non. Lá mì được lấy để ăn phải là  loại cây mì có củ nấu ăn được, cuống lá có màu đỏ, khác với cây mì trồng ở ngoài rẫy để lấy giống. Từ những cây mì được trồng ở trong vườn, có thể dùng lá làm muối chua, hoặc chế biến kết hợp với các loại nguyên liệu khác thành món ăn hấp dẫn như: lá mì xào cá khô, lá mì nấu vách bò, lá mì xào mỡ heo. Càng hấp dẫn thêm khi lá mì xào có đủ các gia vị ớt, sả, củ nén, cà bi, với người Êđê đó là hương vị đặc trưng, không thể thiếu trong bữa ăn.

Cách chế biến lá mì khá đơn giản. Chỉ cần lựa những lá non  đem giã với quả cà bi và một vài trái ớt, củ nén để có vị thơm và cay, giã cho đến khi lá mì thật mịn thì cho vào chảo có chút dầu nóng, quấy cho đều lên rồi nêm bột ngọt, muối trong lúc tay vẫn không ngừng quấy, đến khi thấy lá mì chuyển sang màu vàng sẫm là có thể bắc chảo xuống. Mẹ tôi nói: “Lá mì phải xào thật kỹ mới ăn được”.

Bữa cơm gia đình tôi thật ấm cúng với món ăn giản dị này. Mỗi khi có món lá mì xào, mọi người lại quây quần bên bếp cùng thưởng thức và vui vẻ trò chuyện. Những lúc như vậy tôi thấy bữa cơm không chỉ ngon vì có lá mì xào, mà còn có sự đầm ấm, sum họp của cả gia đình.

Ngày nay, lá mì không đơn thuần là một món ăn dân dã trong bữa cơm hằng ngày của người Êđê, mà đã trở thành đặc sản được đưa vào trong các thực đơn của các nhà hàng. Lá mì trở thành món ăn lạ mắt, hấp dẫn du khách, khi đã thưởng thức thật khó lòng mà quên được hương vị ngon và lạ này.

H’Wang H’Mok


Ý kiến bạn đọc


(Video) "Đánh thức" du lịch rừng
Tỉnh Đắk Lắk hiện có hơn 507.000 ha rừng, là nơi đầu nguồn của nhiều hệ thống sông suối lớn, sở hữu nhiều ghềnh thác đẹp cùng hệ sinh thái rừng đa dạng, hệ động thực vật phong phú. Với những lợi thế to lớn đó, tỉnh đang xúc tiến để khai mở “mỏ vàng” này cho hoạt động du lịch sinh thái.