Chiêng Yau - chiêng cổ, chiêng quý của người M'nông
Từ thuở xa xưa, người M’nông sử dụng nhiều loại chiêng khác nhau diễn tấu trong các nghi lễ và lễ hội của cộng đồng bon làng. Mỗi bộ chiêng có một tên gọi, kích thước và cách thức diễn tấu khác nhau. Trong đó, chiêng Yau là nhạc cụ linh thiêng thể hiện địa vị, uy quyền ở mỗi gia đình.
Bộ chiêng Yau theo tiếng M’nông có nghĩa là bộ chiêng cổ, chiêng quý. Bộ chiêng Yau gồm 6 chiếc, mỗi chiếc trong dàn có một tên gọi riêng tương ứng với độ cao của nó trong dàn. Theo thứ tự từ cao xuống thấp (độ cao), từ nhỏ đến lớn (về kích thước), chiêng lớn nhất có kích thước 47,5 cm và nhỏ nhất 30 cm có tên gọi như sau: Cĭng Kon – chiêng con; Cĭng T’rơ – chiêng chị; Cĭng T’ru – chiêng anh; Cĭng N’Jơn – chiêng cô; Cĭng N’grâng – chiêng bác; Cĭng me – chiêng mẹ
Bộ chiêng Yau là chiêng cổ, chiêng quý bởi được các nghệ nhân đúc bằng hợp kim đồng pha vàng cho âm thanh trong trẻo, xa xăm nên khác biệt với các loại chiêng thường. Người M’nông quan niệm rằng khi đánh chiêng cổ, chiêng quý thì âm hưởng sẽ hay hơn và đánh được nhiều bài hơn. Với bộ chiêng Yau, người M’nông có thể chơi được tới 30 bài trong các lễ hội như: Cing ngăn (đánh trong lễ hội); bich tơ drơ (ru em); tiếng hát của chim cú mèo; con sóc tỏ tình…
![]() |
Bộ chiêng Yau 6 chiếc của người M'nông. |
Người M’nông có thể đánh chiêng mọi lúc mọi nơi trong các lễ cúng lớn, các sinh hoạt chung của bon làng, đến các lễ cúng trẻ nhỏ, các sinh hoạt, các sự kiện vui của gia đình như lễ mừng lúa mới, lễ cưới, lễ cúng sức khỏe… Khác với các dân tộc Êđê, Mạ, J’rai…, người M’nông có cách thức bảo quản và cất giữ chiêng khá đơn giản: thường treo chiêng trên vách tường ngay trên đầu giường ngủ của gia đình hoặc để trong gùi có nắp, tuyệt đối không được để chiêng đặt nằm úp mà phải đặt nằm ngửa (theo quan niệm việc để ngửa bụng giúp cho hồn chiêng được nghỉ ngơi). Riêng bộ chiêng Yau được cất giữ và để ở những nơi trang trọng trong gia đình.
Người M’nông có một kiêng kị đặc biệt là trước khi sử dụng chiêng phải lau chùi sạch sẽ bởi nếu để chiêng dơ bẩn, thần chiêng sẽ không kết nối được âm thanh mời gọi giữa người chết với người sống, thần linh từ thế giới bên kia với vạn vật. Người M’nông theo tín ngưỡng đa thần (vạn vật hữu linh). Họ cho rằng mỗi chiếc chiêng đều có một vị thần cư ngụ và cai quản. Vì thế, trước khi sử dụng chiêng phải tiến hành nghi lễ cúng thần để mời thần chiêng ăn, thần chiêng uống (lễ vật là con gà trống tơ, rượu cần,…) thì thần chiêng mới cho âm thanh hay. Nếu lễ vật hiến sinh là con vật lớn (trâu, bò,..) thì chiêng càng linh thiêng, khả năng giao tiếp càng cao, tiếng chiêng thanh thoát, vang vọng từ bon trên xuống bon dưới. Chiêng cổ, chiêng quý chỉ được đánh vào những dịp lễ quan trọng hay đón tiếp khách quý trong gia dình, dòng họ, bon làng.
Trong đám cưới, ngoài sự chúc phúc của gia đình hai bên và bà mai mối cùng với thầy cúng thì luôn kèm theo bộ chiêng Yau. Người ta đánh chiêng cổ, chiêng quý để thần chiêng phù hộ cho đôi vợ chồng trẻ khỏe mạnh làm nương rẫy, sinh con hay ăn chóng lớn, học hành giỏi giang, vợ chồng sống với nhau hòa thuận, hạnh phúc…
Đối với người M’nông, chiêng là vật nhìn vào đó để phân biệt đẳng cấp xã hội, địa vị, uy quyền cho mỗi gia đình, dòng họ. Những gia đình giàu có thì mới có nhiều bộ chiêng và có chiêng cổ, chiêng quý. Riêng chiêng Yau thì chỉ những gia đình giàu có và sung túc mới sắm được.
Chiêng không chỉ được xem là tài sản, là thước đo sự giàu có, là nhạc cụ không thể thiếu trong đời sống văn hóa tinh thần mà còn là vật tùy táng chia cho người chết. Tuy nhiên, bộ chiêng Yau không được mang chôn mà truyền lại cho người “kế tiếp” (người nuôi dưỡng cha mẹ) giữ gìn và sử dụng.
Đoàn Nhân
Ý kiến bạn đọc