Multimedia Đọc Báo in

Rộn ràng lễ cúng lúa của người Sê đăng

17:34, 29/01/2017

Đến bất cứ một ngôi làng Sê Đăng nào, bạn cũng có thể nhìn thấy căn nhà rông mái tròn, nơi sinh hoạt chung của cả làng, tọa lạc trên một bãi cỏ rộng, tạc vào bầu trời xanh thăm thẳm của cao nguyên cái dáng cao vút, sừng sững của nó.

Dù có lưu lạc đến phương trời khác, bà con vẫn dựng nhà rông để cháu con mai sau biết ông bà mình có ngôi nhà chung như thế. Hằng năm, lễ cúng hồn lúa (ăn cơm mới) và những lễ hội chung của cộng đồng vẫn diễn ra ở đó. 

Lễ cúng hồn lúa (ăn cơm mới) của người Sê Đăng được tiến hành vào mùa xuân, sau khi mùa màng đã thu về hoàn tất, hoặc có thể vào dịp nhà nhà vừa gặt những gùi lúa đầu tiên. Gần tới ngày đã định, hội đồng các già làng sẽ tụ tập ở nhà rông để bàn bạc và phân công chuẩn bị cho lễ hội.

Quan trọng nhất là việc làm cây nêu. Nêu phải làm bằng một thân tre cao hàng chục mét, các nghệ nhân khéo tay sẽ kết thêm 4 chiếc dây bằng lõi tre thả dài từ trên ngọn xuống lưng chừng mặt đất, có buộc thêm hình các con vật quen thuộc như cá, bướm, hoặc các hình tam giác. Trên đỉnh cột nêu là một con chim gỗ dang cánh như muốn bay lên bầu trời cao rộng. Các bậc trung niên, người lo đi báo tin, mời các làng xa, làng gần, người lo làm những cây hoa bông (cành tre vót bông lên ở một đầu) cắm dọc hai bên từ đường cái đầu làng vào đến cửa nhà rông. Thanh niên lo dọn dẹp quanh nhà rông, cả làng dành một ngày dọn vệ sinh khắp trong nhà, ngoài đường lẫn trong vườn, bến nước. Không khí mùa xuân như theo nhịp độ hoàn thành của cây nêu mà thêm rộn rã mọi nẻo.

Các em nhỏ cũng lập vòng suang của mình.
Các em nhỏ cũng lập vòng suang của mình.

Riêng đàn bà, con gái không chỉ lo áo váy, khố đẹp cho gia đình mà còn bận rộn từ vài tuần trước đó làm những ghè rượu thơm ngon, tìm các loại rau và thực phẩm để đóng góp trong bữa ăn chung của cả làng. Tiếng giã gạo chày đôi chày ba thậm thịch vang lên từ mờ sáng đến lúc trăng nghiêng. Ngày xưa mỗi gia đình làm một ghè rượu nhưng nay cứ phân bổ hai hộ một ché. Còn cơm nướng ống nứa, đồ ăn trong ngày hội, nhà nào có gì mang nấy. Cuốn hút và náo nức nhất là những đám tập lại vòng múa xoang. Các bà trung niên tập riêng theo nhịp bước nhỏ. Các cô thiếu nữ tập riêng chân nhún, hông giật… thảy đều háo hức. 

Sáng sớm ngày đã định, mặt trời chưa thức, cả làng rộn ràng vui và tất bật với sự chuẩn bị cho lễ hội. Những ống nứa đổ đầy gạo nếp thơm, hoặc thịt thú rừng đã đặt lên bếp than hồng từ lúc trời còn mờ mờ sương. Mùi nếp mới, mùi thịt nướng lan trong gió xuân khiến lũ con nít càng thêm chộn rộn, hít hà. Trang phục đẹp nhất lâu nay vẫn cất kín trong gùi đã được đem ra phơi phóng từ mấy ngày trước, mùi nắng thơm tho vương trên từng nếp áo lẫn vào mái tóc. Mẹ sửa tấm áo ngắn tay, dài chỉ đến ngang bụng của chồng, của con trai cho ngay ngắn; níu con gái kéo vạt váy lại cho kín đáo, mừng thầm vì nụ cười em đã thêm duyên sau hai mùa nắng mưa ngoài nương rẫy. Mùa hội xuân năm nay con có tìm được người vừa ý mẹ cha không? Bước chân các thiếu nữ líu ríu, lấp vấp những bàn chân trần của đám con trai, dồn nhanh về nhà rông.

Công việc chuẩn bị vừa xong thì tiếng trống ching báo khách xa, khách gần đã tới đang chờ nơi cây plang bên này suối. Già làng dẫn đầu đội goong ching, cùng các đội múa nữ ra tận đầu đường đón khách. Nắng xuân sớm mai vàng lung linh bừng lên trên những gương mặt. Già làng vươn thẳng thân hình, kiêu hãnh nhịp cây gậy “chỉ huy” xuống đường, tiếng trống sgơr dõng dạc điểm những tiếng đầu tiên nâng bước chân chàng dũng sĩ đeo trống khiến anh nghiêng ngả theo nhịp bập bùng. Ching pi pít vào trước dẫn nhịp, cả dàn goong ching hòa theo, những cánh tay mềm nâng lên, hạ xuống nhịp nhàng. Cả đoàn cùng đưa khách tiến vào nhà rông, nhịp trống ching không chỉ dìu điệu xoang uyển chuyển theo thân hình các thiếu nữ, mà còn quấn quít từng bước chân du khách, náo nức cả đất trời xuân lồng lộng gió cao nguyên.

Phụ nữ Sê Đăng tấu đàn Klong put trong lễ cúng lúa.
Phụ nữ Sê Đăng tấu đàn Klong put trong lễ cúng lúa.

Tại sân nhà rông, chủ làng cùng với toàn thể dân làng đã chờ sẵn trong niềm hân hoan đón một mùa no đủ đến. Đứng trước sàn rông, thầy cúng nói đôi lời cảm tạ các vị thần linh (Yang), sau đó vị chủ làng nói mấy lời cảm ơn. Già làng và những người phụ nữ sẽ chuẩn bị sẵn để lúc này, trong tiếng goong ching rộn ràng, mang tới buộc vào tay khách những chuỗi hạt cườm và vòng đồng chúc phúc cho một năm mới tốt lành. Lễ hội bắt đầu.

Từ lúc này không còn phải nghiêm trang, chỉnh tề nữa, vòng múa cứ rộng mãi ra. Những người phụ nữ lớn tuổi đi trước, bước chân chậm, cánh tay vung lên vừa phải nhưng uyển chuyển và dịu dàng lạ thường. Vòng múa của các cô thiếu nữ cách xa vài bước chân, tuy chưa điêu luyện bằng chị, bằng mẹ nhưng đã có những đôi má ửng hồng, những ánh mắt long lanh bù lại. Dường như chăm chú vào bước chân đấy nhưng ánh mắt các em chả bỏ sót sự ngưỡng mộ nào của cả trai bạn trong làng lẫn buôn bên cạnh đang say sưa chiêm ngưỡng. Và tiếng trống, nhịp ching của đám con trai cũng làm cho chính họ thêm mê mải. Hết nhún nhảy, lắc mông, ngả nghiêng, lại những tiếng hú sảng khoái cất lên vang vọng.

Khách quý cùng với chủ làng và các già làng vào trong nhà rông. Mấy chục ché rượu khác đã buộc trên sân. Thức ăn của mỗi gia đình cũng đã lấy từ trong gùi ra bày bên cạnh. Nào, mời anh sang “nhà” tôi, mời bác cầm cần hút rượu ghè nhà cháu... Họ mời mọc rủ rê nhau, mùi men rượu, mùi cơm nếp, thịt - cá nướng thơm đến quyến rũ. La đà rồi là những điệu chieo, lời ting ting hay rnghe cất lên. Đây chính là dịp tỏ bày những nỗi niềm, lời cảm ơn, thậm chí cả những lời xin lỗi vì một điều gì đó lâu nay chưa làm vừa lòng nhau. Mọi niềm vui được sẻ chia cho cộng đồng, những hờn giận được cởi bỏ, chỉ còn nghĩa tình bền chặt theo thời gian. Từng nhóm, từng nhóm những người phụ nữ ngồi lại bên nhau, thầm thì, rủ rỉ. Đám đàn ông tụ tập quanh những ghè rượu, ồn ào cười nói. Khói thuốc rê lẫn trong hương rượu cần bay lảng vảng khắp làng.

Bất chấp tâm sự của các bậc lớn tuổi, đám thanh niên vẫn say với vòng suang và nhịp điệu goong ching mà xoay vòng quanh mãi không dứt. Múa mệt, các trai bạn lại đấu goong ching đôi tâm sự hoặc so tài đánh ching. Đây là lúc trẻ em tự lập lấy vòng xoang cho mình quanh cây nêu. Chỗ này nhóm các thiếu nữ xúm quanh cây đàn klong put. Chỗ khác nhóm nam khoe tài với cây đàn t’rưng. Trong đám gái trai vòng quanh vòng ngoài quây lấy đám ching trống, nhạc đàn và đội múa kia, có những bàn tay nào lén nắm lấy tay? Chàng trai Êđê hay cô gái Sê Đăng? Hoặc cả bạn gái trai từ ngoài phố tìm vào dự hội? Sau lễ hội này, có bao nhiêu cặp tìm thấy một nửa của mình, mà gửi phận, mà trao duyên?

Mùa xuân đã về. Một vụ no đủ đang đến. Cuộc sống sẽ lại tiếp tục sinh sôi cùng nắng, cùng gió trên các kon, plei Sê Đăng như thế đó.

Linh Nga Niê Kdăm


Ý kiến bạn đọc